Hà Nội: Có hay không việc đưa ô đất khó giải phóng mặt bằng dành xây trường, bãi đỗ xe?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chiều 14/10, các đại biểu HĐND TP Hà Nội yêu cầu giám đốc các sở ngành làm rõ có hay không việc điều chỉnh quy hoạch để đưa ô đất khó giải phóng mặt bằng làm công trình hạ tầng xã hội hay không?
Giám đốc Sở QHKT Hà Nội trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND TP việc có hay không việc đưa ô đất khó giải phóng mặt bằng để làm hạ tầng xã hội?

Giám đốc Sở QHKT Hà Nội trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND TP việc có hay không việc đưa ô đất khó giải phóng mặt bằng để làm hạ tầng xã hội?

Liên quan đến việc thiếu hạ tầng xã hội ở các khu đô thị, đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) đặt câu hỏi tới Giám đốc GĐ Sở QHKT: "Có việc điều chỉnh quy hoạch để đưa ô đất khó GMPB làm công trình hạ tầng xã hội hay không?".

Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Trúc Anh cho biết, theo quy hoạch, chúng ta đã phân bổ dân số đến từng đơn vị ở. Từng đơn vị đó tương đương với số trường học. "Chúng tôi khẳng định Sở QHKT chưa bao giờ làm sai quy chuẩn tiêu chuẩn. Quỹ đất đầy đủ nhưng triển khai khó khăn, đặc biệt chủ đầu tư hay triển khai các khu vực kinh doanh có lãi trước, hạ tầng xã hội sau dẫn đến tình trạng thiếu trường học", ông Trúc Anh trả lời.

Về vấn đề đưa người dân vào ở các khu đô thị khi chưa hoàn thành hạ tầng, đại biểu Nguyễn Trường Sơn (huyện Quốc Oai) đặt câu hỏi: "Trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Sở Xây dựng như thế nào; việc giải quyết, xử lý các vi phạm trên ra sao?".

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, qua kiểm tra, có trường hợp người dân tiếp nhận nhà vào ở sớm trong khi các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được đầu tư đồng bộ. Từ năm 2012-2015, Sở Xây dựng đã thực hiện kiểm tra trên 120 lượt các khu nhà ở, có khoảng 40% chủ đầu tư đã thực hiện dự án đồng bộ và đến 60% chủ đầu tư thực hiện chậm dự án.

Sở Xây dựng cũng đã tham mưu đề xuất cụ thể tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong chủ trương đầu tư, yêu cầu các công trình này phải được đầu tư đồng bộ cùng nhà ở, tránh một số nhà đầu tư tập trung phát triển nhà ở để kinh doanh.

Về bức xúc khi thiếu các công trình hạ tầng công cộng, ông Phong cho biết Sở đã tham mưu TP ban hành quyết định liên quan giải pháp đẩy mạnh sử dụng các công trình công cộng, đưa ra các nhóm giải pháp, rà soát lại toàn bộ các dự án, bố trí đầy đủ công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Đối với việc đầu tư công trình, yêu cầu chủ đầu tư cam kết, thời gian hoàn thành cụ thể, giải quyết dứt điểm việc đấu nối hạ tầng, bởi nhiều khu đô thị chưa đầu tư khu xử lý nước thải…

Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ nâng cao chất lượng lựa chọn các nhà đầu tư khu đô thị. Ngoài ra, Sở sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu các khu đô thị thống nhất, tránh tình trạng vênh khi cập nhật số liệu qua nhiều kênh.

Vể việc đại biểu HĐND TP phản ánh chưa xác định được đầu mối quản lý, quy trình bàn giao hạ tầng, thời điểm bàn giao... Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, chưa chính xác vì đã có những quy định rất cụ thể.

TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 33 ngày 31/12/2021 quy định trách nhiệm quản lý chất lượng và thi công công trình xây dựng trên địa bàn TP, có hiệu lực từ 1/1/2022. Trước đó, UBND TP cũng có quy định quản lý về lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, các sở, ngành TP đã phối hợp triển khai đồng bộ, toàn diện hạ tầng kỹ thuật ở các khu đô thị mới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, UBND TP sẽ củng cố tính pháp lý và tăng cường phân cấp quản lý đô thị, thanh tra giám sát sau đầu tư và có biện pháp đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của cử tri...