Phó Giám đốc CATP Hà Nội phân tích nguyên nhân các vụ cháy từ đầu năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, hầu hết các vụ cháy xảy ra tại các cơ sở, hộ gia đình đều có tồn tại, vi phạm quy định về PCCC; nhiều cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính, cá biệt có cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động nhưng không chấp hành, lén lút hoạt động...
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội làm rõ các vấn đề về PCCC ở các khu đô thị

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội làm rõ các vấn đề về PCCC ở các khu đô thị

Trả lời vấn đề các đại biểu HĐND TP quan tâm tại phiên giải trình chiều 14-10, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn xảy ra 306 vụ cháy (6 vụ cháy lớn, 10 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 126 vụ cháy trung bình 160 vụ cháy nhỏ, 3 vụ cháy rừng).

Thiệt hại về người: 20 người chết, 16 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 18,2 tỷ đồng.

Tính riêng tại các khu đô thị, nhà chung cư, trong 10 tháng đầu năm 2022 đã xảy 16 vụ cháy chung cư, nhà cao tầng; 4 vụ cháy khu tập thể, nhà thấp tầng và 3 vụ cháy chung cư mini, nhà cho thuê trọ (chiếm 7,5% tổng số vụ cháy).

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng phân tích rõ, tình hình cháy, nổ trong thời gian qua có những diễn biến phức tạp là do địa bàn Hà Nội tập trung nhiều trụ sở làm việc, nhiều khu, cụm công nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất... với mật độ dân số rất đông, số lượng cơ sở luôn đứng đầu cả nước, đặc biệt số lượng cơ sở tồn tại về PCCC đưa vào sử dụng trước luật PCCC 2001; số cơ sở vi phạm về PCCC chưa nghiệm thu đưa vào hoạt động rất lớn; quá trình phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ hóa đô thị, nhu cầu sử dụng điện... kéo theo nguy cơ cháy, nổ ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại, tăng tối đa công suất, thời gian hoạt động nhưng còn tình trạng lơ là, đặt mục tiêu hiệu quả sản xuất, lợi ích kinh tế lên trên hết mà không quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn PCCC; từ đó kéo theo nhiều nguy cơ cháy nổ.

"Hầu hết các vụ cháy xảy ra tại các cơ sở, hộ gia đình có tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, mặc dù đã được kiểm tra, kiến nghị, ký cam kết nhưng chủ hộ chưa khắc phục triệt để. Phần lớn các cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính, cá biệt có cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động nhưng không chấp hành, lén lút hoạt động", Phó Giám đốc CATP nêu rõ.

Ngoài ra, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC theo thẩm quyền, nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC.

Từ thực tiễn đó, CATP Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo mang tính chất định hướng, triển khai hiệu quả công tác PCCC&CNCH, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất, karaoke, chợ, trung tâm thương mại có nguy cơ cháy nổ cao...

Công an Thành phố đã tổ chức kiểm tra 100% cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn với quan điểm kiên quyết xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ đối với các cơ sở kinh doanh không đảm bảo điều kiện về ANTT và an toàn PCCC.

Các đơn vị thuộc CATP đã xử phạt 291 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 2,7 tỷ đồng, tạm đình chỉ 176 trường hợp, đình chỉ 336 trường hợp, thu hồi 19 giấy phép. Đối với các cơ sở không đảm bảo các điều kiện trong lĩnh vực văn hóa, cơ quan Công an có văn bản kiến nghị Chính quyền địa phương, ngành văn hóa để xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh đã cấp.

Thực hiện Kế hoạch tổng kiểm tra rà soát về PCCC và CNCH của Bộ Công an, từ 15/10/2022 đến 15/12/2022 CATP đã ra quân tổng kiểm tra, rà soát trên toàn thành phố đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo quy định và các khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu là nắm tình hình, đánh giá đúng thực trạng về công tác PCCC và CNCH đối với cơ sở kiểm tra, xử lý 100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo đúng quy định; bắt buộc các cơ sở đã đưa vào hoạt động phải khắc phục tất cả các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, duy trì liên tục các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH trong quá trình hoạt động.

"Kết thúc đợt kiểm tra sẽ công khai danh tính các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường không đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương, địa phương để người dân cùng giám sát", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

Từ thực tiễn đó, CATP đã chủ động tham mưu HĐND TP ra Nghị quyết số 05 quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số27/10/QH10 có hiệu lực; tham mưu UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo mang tính chất định hướng, triển khai hiệu quả công tác PCCC&CNCH, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất, karaoke, chợ, trung tâm thương mại có nguy cơ cháy nổ cao...

"Đây là cơ sở pháp lý quan trọng. Không chỉ ở các chung cư, khu đô thị, CATP sẽ kiểm tra 100% các cơ sở kinh doanh có điều kiện và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở ngành để hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.