Giúp dân gượng dậy từ vùng lũ

ANTD.VN - Chẳng năm nào người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thoát khỏi cảnh bồng bế nhau chạy lũ. Năm 2010, khi trận lũ chồng lũ lịch sử càn qua quét lại suốt nửa tháng trời, Báo An ninh Thủ đô đã về đây, mang theo thấm lòng của bạn đọc cả nước để sẻ chia với bà con. Sau 6 năm, chúng tôi quay lại vẫn với lý do này và vẫn gặp những gương mặt đầy thảng thốt…

Thiếu tá Lưu Hồng Quân - Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ trao quà đến tận tay người dân vùng rốn lũ Hương Khê, Hà Tĩnh

“Chúng tôi bớt đi gánh nặng”

Thượng tá Phạm Thanh Hải - Phó trưởng Công an huyện Hương Khê thở dài khi giở sổ thống kê những thiệt hại của huyện sau trận lũ đêm 14 rạng sáng 15-10: “Với dân Hương Khê, chạy lũ đã trở thành chuyện “đến hẹn lại lên”, người dân ở đây đã quen với nỗi cơ cực ấy từ khi lọt lòng. Nhưng chạy lũ như lần này thì quả là kinh hồn bạt vía. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, lại giữa đêm hôm khuya vắng, nước đã dâng cao hàng mét khiến chẳng ai kịp trở tay. Giờ thì mất hết rồi. Nếu so với trận lũ của 6 năm trước thì lần này sự tàn phá cũng tương đương, khác biệt có chăng là may không người nào thiệt mạng”.

Chỉ qua 1 đêm, Hương Khê có tới hơn 10.300 hộ dân chìm trong biển nước, trong đó 2.576 hộ ngập trên 2m, 9 xã bị cô lập hoàn toàn. Diện tích lúa mùa ngập trên 200ha, kèm theo đó là cả nghìn tấn lúa, hoa màu vụ đông hư hỏng. Đó là chưa kể tới hàng chục nghìn gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi. Với người nông dân, một năm đói kém đã có thể nhìn thấy ngay trước mắt. 

Nước lũ đi qua để lại xóm làng trong cảnh xơ xác, tiêu điều. Những cánh đồng ven con đường dọc sông Ngàn Sâu dưới chân cầu Lộc Yên bây giờ vẫn ngập thứ nước bùn đục lờ lờ. Không một bông lúa nào chịu nổi dòng nước cuồn cuộn đã càn quét suốt 2 ngày ấy. Đường xuống xã Hương Đô mới thông xe được một hôm và ở khắp những ngôi nhà chúng tôi đi qua, nơi nào cũng phủ một lớp bùn khô trắng xóa.

Rơm rác treo đầy trên dây điện, cành cây. Có thể nói, vùng quê nghèo này giờ đây đến cả một tiếng gà gáy cũng không còn. Trước những thiệt hại đó mới thấy, số hàng cứu trợ gồm 200 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) mà Thiếu tá Lưu Hồng Quân - Phó Tổng biên tập đại diện Báo An ninh Thủ đô, Công ty TNHH Tuyết Nga cùng các nhà hảo tâm khác mang tới đây vẫn là quá nhỏ.

Thượng tá Phạm Thanh Hải bảo: “Hai trận lũ khủng khiếp năm 2010 đã gần như xóa sạch mọi nguồn lực kinh tế của người dân. Sau mấy năm gượng dậy làm ăn tích cóp, chưa kịp hoàn hồn, bây giờ dân Hương Khê lại chịu thêm cú đánh trời giáng này nữa. Thử hỏi như vậy thì đến bao giờ bà con mới hết cực?”. 

Vui thay cho bà con khi có hàng cứu trợ,  Thượng tá Hải hối hả dẫn đường đưa đoàn công tác của chúng tôi xuống với người dân: “Một chút đối với bà con lúc này cũng quý như vàng. Sau lũ, dân Hương Khề bộn bề khó khăn, sự giúp đỡ của báo và các nhà hảo tâm lúc này thực sự giúp chúng tôi bớt đi gánh nặng”.

Thiếu tá Lưu Hồng Quân - Phó Tổng Biên tập Báo ANTĐ trao phần quà của Công ty TNHH Tuyết Nga đến người dân vùng lũ

Nỗi lo sau lũ

Quả đúng như những gì Thượng tá Phạm Thanh Hải nói, trụ sở UBND xã Hương Đông, dù được coi là có địa thế cao nhất nhưng những ngày qua nước cũng ngập kín tầng 1 và bây giờ thì hoang tàn như những ngôi nhà xung quanh. Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hồng Sơn tiếp chúng tôi trong căn phòng nước đọng thành vũng dưới sàn và tanh mùi bùn.

Ông chỉ tay lên trần nhà vẫn còn loang lổ bùn, kể khổ: “Nước ngập gần chạm nóc, các anh cứ nhìn ngấn nước còn đọng lại là đủ hiểu chúng tôi chịu lũ cực tới mức nào”.

Thực phẩm là món quà mà người dân cần nhất lúc này

Thay mặt người dân tiếp nhận số quà chúng tôi chuyển tới, ông Sơn nói: “Xã đang định gửi công văn đề nghị cấp trên có biện pháp hỗ trợ người dân thì may quá nhận được sự giúp đỡ của các anh. Những thùng mỳ tôm, dầu ăn, mỳ chính và tiền mặt mà Báo An ninh Thủ đô cùng các nhà tài trợ gửi tới cho bà con lúc này thực sự có ý nghĩa. Cách đây 6 năm, tháng 9-2010, khi Hương Khê gặp trận lũ chồng lũ lịch sử, cũng chính các anh là những người có mặt đầu tiên tại đây chung tay hỗ trợ, giúp đỡ người dân chúng tôi. Và lần này, báo vẫn thủy chung với đồng bào vùng lũ, quả thực chúng tôi vô cùng xúc động. Xin nhờ tòa soạn chuyển tới các nhà hảo tâm lời cảm ơn rằng, sự giúp đỡ này đã đến sớm hơn sự mong đợi của các gia đình gặp nạn”.

Nhận phần quà mà Thiếu tá Lưu Hồng Quân trao tặng, chị  Hồ Thị Hằng, trú tại thôn 3, xã Hương Đông rơm rớm nước mắt. Sau trận lũ, nhà chị mất sạch 4 sào hoa màu gồm cam, bưởi và 3 tạ lúa vừa mới gặt về. Ngay cả đàn gà, đàn vịt để cho lũ trẻ nuôi làm vốn cũng trôi theo dòng nước.

Chị Hằng gạt nước mắt nói: “Mấy ngày vừa rồi, nhà em chẳng còn bộ quần áo nào mà mặc. Đến cả bữa cơm cho mấy đứa nhỏ cũng chẳng thể nấu được vì gạo không còn, mấy hôm nay, mẹ con em toàn ăn mỳ tôm sống trừ bữa. Các anh giúp đỡ thế này, chắc hôm nay em sẽ cho bọn trẻ một bữa cơm tử tế”. 

Cũng giống như nhà chị Hằng, ông Đinh Văn Tâm ở thôn 8 cứ bần thần mãi khi cầm những túi quà trĩu nặng từ đoàn công tác gửi tới. Nhà ông Tâm có 5 người, suốt mấy ngày lũ gia đình ông chỉ dám ngồi thu lu trên gác xép với mấy gói mỳ tôm. Bao nhiêu tài sản, gia súc gia cầm đều phó mặc cho dòng nước.

Vì thế, khi nghe tin được nhận quà cứu trợ của Báo An ninh Thủ đô, ông lập tức tới ngay, mặt vẫn chưa hết thẳng thốt: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, các anh giúp chúng tôi như thế này là rất quý. Bây giờ ngoài cái ăn, cái mặc hàng ngày, chúng tôi cũng chưa biết sẽ cho con đi học bằng cách nào vì sách vở, đồ dùng học tập cũng đã trôi mất cả”.

Nỗi ưu tư của ông Tâm cũng chính là mối lo của xã Hương Đông khi hầu hết những công trình trường học của địa phương đều chịu thiệt hại nặng. Nhiều phòng học đã bị sụt lún, rạn nứt, hầu hết thiết bị giảng dạy ở cấp mầm non lẫn tiểu học đều hư hỏng. Bởi vậy, để học sinh trở lại trường là một mối lo vẫn còn canh cánh.

Cả nước chung tay vì miền Trung

*Cán bộ nhân viên Văn phòng Trung ương Đảng ủng hộ 1 ngày lương. Chiều 18-10, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam.

Trong niềm xúc động sâu sắc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời thăm hỏi tới các gia đình có người bị nạn, bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ về những thiệt hại to lớn mà đồng bào các tỉnh miền Trung phải hứng chịu. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên, cùng toàn thể lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên, công nhân viên, người lao động các cục, vụ, viện, đơn vị trực thuộc Văn phòng Trung ương Đảng đã tham gia ủng hộ mỗi người một ngày lương. Tổng số tiền quyên góp được là 450 triệu đồng.

*Thủ đô vì “khúc ruột miền Trung”. Cùng ngày, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng các ban Đảng của Thành ủy, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP Hà Nội và toàn thể cán bộ, công nhân viên cơ quan Thành ủy Hà Nội đã cùng ủng hộ tối thiểu một ngày lương để góp phần giúp đồng bào các tỉnh miền Trung sớm vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất sau bão lũ.

Trước đó, với tinh thần Thủ đô vì cả nước, vì các tỉnh miền Trung thân yêu, thành phố Hà Nội đã ủng hộ 5 tỷ đồng đến các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do bão lũ.

*Kịp thời chia sẻ khó khăn. Chiều 18-10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ đồng bào miền Trung từ Bộ Giao thông Vận tải (500 triệu đồng), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (500 triệu đồng). Trước đó, chiều 17-10, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã ủng hộ 200 triệu đồng. Số tiền trên do cán bộ, công nhân viên của các đơn vị quyên góp nhằm kịp thời chia sẻ những khó khăn với đồng bào miền Trung.

Thư Kỳ-Duy Tiến