Sống không chùn bước:

Giông gió cuộc đời rồi sẽ tan

ANTĐ - "Mỗi ngày sau ca làm việc, sức khỏe kiệt quệ, không biết ngày mai có tiếp tục làm được nữa không. Nhưng rồi về nhà nhìn con gái, lại phải cố gồng đứng dậy. Còn sức, còn gắng, quyết không để con mình thiệt thòi hơn chúng bạn” - Đặng Thị Phi.

Mối tình của Trần Đình Hải và Đặng Thị Phi ở đội tuyển điền kinh người khuyết tật (NKT) Đà Nẵng đẹp mà đầy trắc trở. Nếu không có nghị lực phi thường, họ đã không có một mái ấm hạnh phúc như bây giờ.

Duyên số

Tháng 6-2007, Hải đại diện cho Đà Nẵng còn Phi đại diện cho Ninh Bình ra Hà Nội tham gia giao lưu NKT 4 nước là Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines. Duyên số, anh chị gặp nhau ở nhà khách Chính phủ và phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Họ đã nói chuyện rất nhiều trước khi chia tay. Những ngày sau đó, tin nhắn điện thoại là mối liên hệ duy nhất giữa hai người. “Mỗi ngày anh ấy chỉ nhắn 2 - 3 tin vì không có tiền để gọi” - chị Phi kể. Hồi đó, anh bị tật nguyền, không đi làm được, tiền không có, sống rất chật vật. May nhờ Hội NKT TP cho đi tập huấn ngoài Hà Nội anh mới có dịp ghé thăm nhà chị ở Ninh Bình. Tháng 12 năm ấy, họ quyết định đi tới hôn nhân. Chị Phi kể: “Gia đình em phản đối ghê lắm, vì anh ấy ở xa, hai người lại tật nguyền, cưới nhau rồi làm gì để sống?”. Phi đã phải tốn nhiều công sức để thuyết phục, thậm chí đấu tranh quyết liệt để bảo vệ hạnh phúc của mình.

Mọi việc rồi cũng xong, nhưng nhà gái yêu cầu phía Hải phải tổ chức đón dâu từ Ninh Bình về Đà Nẵng. Đang loay hoay không biết làm thế nào, mấy anh chị bên Hội NKT biết chuyện liền cho Hải mượn quỹ Hội để tổ chức đám cưới. Hải thuê một ô-tô ra đón dâu rồi làm lễ cưới như yêu cầu của nhà gái. Sau đám cưới, Hải dồn tất cả tiền mừng lại, thật hú hồn, vừa đủ để trả quỹ Hội. Lúc này, đôi vợ chồng tật nguyền chỉ còn tay trắng. Phải sống và vươn lên thế nào trong những ngày tới?

Chị Phi nhận HCV tại Đại hội Thể thao NKT toàn quốc 2010.

 Chị Phi nhận HCV tại Đại hội Thể thao NKT toàn quốc 2010.

Không chùn bước

Không bó tay trước hoàn cảnh, sau đám cưới, Hải chạy đôn chạy đáo xin việc. Nhưng qua 13 chỗ, Hải đều nhận được cái lắc đầu vì thương tật quá nặng, mất tới 63% sức khỏe. Tới lần 14, nhờ một người bạn trong Hội NKT, Hải tìm được việc ở cơ sở sản xuất bánh mì trên đường Âu Cơ. Hải bảo mình làm quần quật cả đêm nhưng chỉ nhận được 500 ngàn đồng/tháng. Thấp nhưng cũng phải làm, trước hết để tự nuôi sống bản thân không phải nhờ cậy ai. Vào mùa hè, bánh mì không bán được, ông chủ thường cho nghỉ việc. Lúc đó, vợ chồng rất cơ cực, chạy gạo ăn từng bữa. Bế tắc đến nỗi, khi Phi mang bầu, không có việc làm, gia đình vợ phải gửi cà chua từ quê vào để cô mang ra đầu xóm bán kiếm tiền ăn qua ngày. Vì đi lại nhiều mà Phi bị động thai, suýt phải bỏ đứa bé. Phi rùng mình khi nhớ lại ngày mai sinh rồi mà trong túi không có một đồng. Phải nhờ đến sự giúp đỡ gia đình bên vợ, cuối cùng cháu bé cũng được sinh ra trong niềm hạnh phúc vô bờ.

Tổ ấm nhỏ bé hạnh phúc của Phi - Hải.

 Tổ ấm nhỏ bé hạnh phúc của Phi - Hải.

Thêm một nhân khẩu, thêm niềm hạnh phúc nhưng cũng chồng chất khó khăn. Phải mất hơn một năm, cái gia đình nhỏ ấy sống lay lắt nhờ đồng lương ít ỏi của Hải, trước khi Phi tìm được việc làm ở nhà máy điện tử Việt Hoa - KCN Hòa Khánh. Ở đây, làm việc bằng tay, nên dẫu đôi chân tật nguyền, Phi vẫn đáp ứng được yêu cầu. Làm ở Việt Hoa hơn 1 năm, Phi chuyển sang nhà máy Forter cũng sản xuất điện tử, bởi vì ở đây 7 giờ kém mới phải làm việc, tối thì 6 giờ đã về tới nhà rồi. Hiện tại mức lương của Phi được 2,5 triệu đồng, nếu tăng ca cũng được 3 triệu đồng/tháng.

Sau khi Phi có việc, niềm vui cũng đến với gia đình nhỏ khi Hải cũng may mắn tìm được việc làm ở Hội NKT TP. “Mình thích công việc ở Hội, nó phù hợp với sức khỏe, đặc biệt mình có điều kiện tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn” - Hải nói. Do Hội còn nghèo, hoạt động dựa vào nguồn quỹ hỗ trợ của các nhà hảo tâm, nên lương của Hải cũng chỉ được 700 nghìn đồng/tháng, gọi là hỗ trợ xăng xe, ăn trưa. Tuy nhiên, với Hải, được làm việc đã là mừng. Bởi, mới ngày nào đó, Hải vẫn là người thất nghiệp. Anh kể, ở cái tuổi 20 đẹp nhất cuộc đời, đột nhiên bị một tai nạn khủng khiếp.

Trong ca trực nửa đêm ở Nhà máy xi-măng Ngũ Hành Sơn, chỉ vì sơ ý dẫm lên vết dầu, Hải bị trượt chân, cuốn vào máy đưa nguyên liệu lên lò. Chiếc máy đã cuốn phăng một chân của anh, may mà anh hô hoán, người trực máy kịp thời cắt điện, không thì cả tính mạng cũng không giữ được. Trở thành người tàn phế sau tai nạn bất ngờ, cuộc đời Hải chuyển sang một ngã rẽ mới. Không chỉ suy kiệt sức khỏe, những cơn đau đớn luôn hành hạ, công việc thì mất. Từ một trai tráng, Hải trở thành người ăn bám người mẹ nghèo.

Có việc làm, cuộc sống của gia đình dần đi vào ổn định. Hiện chị và anh đang sống nhờ trong căn phòng chưa đầy 20m2 của nhà chồng. Căn phòng với vật dụng đơn sơ, nằm sâu hút trong con hẻm nhỏ đối diện ga Kim Liên (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu).

Chị kể mỗi ngày vợ chồng dậy từ 4 giờ 30, lặng lẽ ra khỏi phòng vì sợ con gái 3 tuổi thức giấc. Hành trình tiếp theo là hơn 15km từ nhà xuống sân Chi Lăng vất vả với những bài tập. Tới 6 giờ 30, anh lại làm một “cuốc” xe nữa chở vợ về KCN Hòa Khánh, còn mình quay lại trụ sở Hội NKT trên đường Nguyễn Tri Phương. Nếu ngày nào không tập thì cũng phải dậy từ 5 giờ và về nhà lúc 18 giờ. Cơm nước xong cũng phải 20 giờ, cái gia đình nhỏ mới có dịp thảnh thơi trò chuyện với nhau.

Dẫu cuộc sống còn bộn bề phía trước, nhưng cái giây phút đó, gia đình quây quần bên nhau thật đầm ấm, hạnh phúc. Nhìn cô con gái xinh xắn lớn khôn mỗi ngày, niềm hạnh phúc tràn ngập trong mắt đôi vợ chồng khuyết tật.