Giếng cổ giữa lòng phố Thủ đô

ANTĐ - Ngay giữa lòng Hà Nội vẫn còn có những nét sinh hoạt duy trì hơn trăm năm qua. Lang thang trong phố cổ, bỗng bắt gặp hình ảnh người dân vẫn dùng gầu múc nước từ giếng khơi sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày trong khi nước máy đã vào đến tận nhà. Thậm chí có người vì nhớ cái vị trà pha bằng nước giếng nên ngày nào cũng đến giếng lấy nước mang về.

Giếng cổ giữa lòng phố Thủ đô ảnh 1Nước giếng cổ hơn trăm năm rất trong và ngọt

Trăm năm giếng khơi

Hà Nội những năm xa xưa giếng khơi được đào gần như khắp nơi. Rồi khi người Pháp cho xây nhà máy nước Yên Phụ và bắc đường ống nước tới từng khu phố thì nước giếng dần ít được sử dụng.

Cũng chỉ khoảng 30 năm trước thôi, trên con phố nào cũng có đến vài cái vòi nước công cộng. Người dân Hà Nội cứ ra hứng xách nước về chứa trong những chiếc thùng phuy sắt. Những ngày hè thiếu nước, dãy xô chậu xếp hàng cứ uốn lượn trên vỉa hè như con rắn nhiều màu. Chờ cả buổi mới được xô nước đục ngầu mang về đánh phèn rồi dùng như ở đảo xa. Xô nước đó ban đầu dùng vo gạo, vo xong để lắng gạn rửa rau, rửa rau xong mới dùng làm nước nhà vệ sinh. Lúc này, giếng khơi trong phố lại phát huy tác dụng. Nước giếng khơi trong, vừa dùng để ăn, vừa dùng tắm giặt. Những cái giếng khơi trong lòng phố cổ Hà Nội đến nay có tới cả trăm năm, có cái còn tới vài trăm năm. 

Cho đến những năm cuối thế kỷ 20, các vòi nước công cộng ngoài phố thì đã mất dấu vết hoàn toàn. Người dân Hà Nội đã có nước sạch vào tận trong nhà, đầy đủ và tiện nghi. Ấy vậy mà giếng khơi vẫn tồn tại trong phố. Người dân vẫn lấy nước giếng cho một số sinh hoạt hàng ngày. Có người, ngày nào cũng phải pha trà bằng nước giếng cổ, chứ nhất định không chịu dùng nước máy.

Giếng cổ giữa lòng phố Thủ đô ảnh 2Quán cà phê trong ngõ Hàng Chỉ, cạnh giếng cổ hơn100  năm

Cà phê giếng cổ

Một lần, hai anh bạn ở nơi xa đến đòi tôi dẫn đi thưởng thức cà phê Hà Nội. Yêu cầu được đưa ra là ngồi ở các quán đã được “đề-co” tạo dáng mà vẫn phải thấy cái hồn Hà Nội cổ. Dẫn bạn đi lắt léo trong ngõ Hàng Chỉ, khi đến cuối ngõ, quán cà phê đơn giản chỉ là chiếc bàn xinh với mấy chiếc ghế nhỏ. Nhưng thú vị vì ngồi ngay cạnh bờ giếng.

Bà chủ nhà Nguyễn Thị Thanh, năm nay cũng đã 80 tuổi, có cậu con trai làm đầu bếp cho một khách sạn lớn. Chàng trai khéo tay hướng dẫn cho mẹ cách pha cà phê ngon. Quan trọng nhất là nước pha cà phê đều lấy nước giếng đun sôi. Quán vì thế mà đông khách, cũng toàn khách quen là chủ yếu vì thưởng thức cà phê và trà bằng nước giếng sẽ không bị vị tanh của clo như nước máy làm phá vị.

Ly cà phê đen pha theo cách của người Hà Nội bằng chính nước mạch trong lòng đất phố cổ. Múc nước giếng rồi đun nước pha cà phê, chiêu thêm một ấm trà mạn hảo. Giọt cà phê rơi chầm chậm trong câu chuyện bà chủ nhà kể về giếng cổ.

Bà Thanh kể 60 năm qua khi bà về làm dâu ở đây thì giếng đã có rồi. Nước giếng quanh năm chỉ ở nhiệt độ đó nên mùa hè thì mát mà mùa đông thì ấm. Những ngày đông giá, cứ múc nước giếng này tắm mà không lạnh gì cả. Những năm xa xưa, ngày hè thiếu nước, dân cả ngõ vào múc nước giếng về dùng, múc nhiều đến mức phải lấy ống bơ sữa bò mà gạn từng nửa bơ một. Nhưng chỉ qua một đêm, sáng hôm sau là giếng lại đầy lưng lửng.

Ông Gia năm nay gần 60 tuổi thì kể, khi ông được sinh ra trong ngõ này thì cái giếng đã có rồi. Nguyên gốc xưa kia, cái giếng của dân làng Tố Tịch đào khi khu phố cổ chưa hình thành. Rồi đến lúc một gia đình tư sản thời Pháp xây biệt thự ở đây, lúc đó đã có nước máy nhưng dân vẫn dùng nước giếng. Giếng cổ được lấy nước thường xuyên nên nước rất trong và ngọt. Cho dù sang thế kỷ 21, nước máy chạy đến tận nhà, nóng lạnh đủ cả nhưng lấy nước giếng để sinh hoạt vẫn là một nét trong cuộc sống của dân phố cổ Hà Nội. Lạc hậu hay không chả biết, chỉ thấy rất thú vị khi lạc vào ngõ cổ yên tĩnh và được thưởng thức cà phê cạnh cái giếng cổ hơn trăm tuổi giữa phố cổ Hà thành.