Giáo dục môi trường - mưa dầm thấm lâu

ANTĐ - “Vỏ hộp sữa dùng xong thường bị vứt đi nhưng các em có biết chính những vỏ hộp sữa tươi các em uống hàng ngày lại có thể tái chế để làm mái lợp hay làm thùng rác đấy...”.  Xung quanh đề tài bảo vệ môi trường có rất nhiều thông tin tạo hứng thú cho học sinh nhưng đây vẫn đang bị coi là mảng khó với giáo viên trong việc truyền thụ kiến thức.

Các em học sinh hào hứng với phần hỏi đáp có thưởng về kiến thức môi trường

Tín hiệu vui từ ý thức học sinh

Rất hào hứng trả lời câu hỏi của khách mời trong buổi sinh hoạt chuyên đề về bảo vệ môi trường, hàng trăm học sinh trường Tiểu học Đức Thượng, Hà Nội ngạc nhiên trước thông tin nói trên về vỏ hộp sữa tươi vẫn được các em sử dụng hàng ngày. Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đây là mô hình sinh hoạt ngoại khóa, kết hợp giữa vui chơi với giáo dục về bảo vệ môi trường đang được triển khai tới hàng trăm nghìn học sinh tiểu học Hà Nội ngay từ đầu năm học này.

“Trước đây công việc dọn dẹp vệ sinh trong một ngôi trường rộng với hàng trăm học sinh như thế này rất mệt vì phần lớn là ý thức giữ gìn vệ sinh của các con chưa có. Túi nilon, vỏ hộp quà bánh, giấy vở cứ dùng xong ở đâu là học sinh vứt ra ở đấy. Tuy nhiên đến nay, ngay cả học sinh lớp 1 chỉ sau mấy tuần đầu làm quen đã có nền nếp rất tốt trong việc giữ gìn trường lớp sạch đẹp” - bà Phạm Thị Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Thượng, Hà Nội cho biết. Được biết, hiện tại các bậc học ở Hà Nội đều được tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ môi trường đến tất cả các trường. Ở THCS, các môn học chủ yếu thực hiện tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Vật lí, Sinh học và Công nghệ. Ở tiểu học là các môn Đạo đức, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội... 

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là để tránh khô cứng, sách vở, học sinh đặc biệt ở tuổi mầm non, tiểu học sẽ hào hứng và tiếp thu tốt hơn qua các hình thức tuyên truyền bằng cuộc thi, biểu diễn, sân khấu... “Các trường rất muốn triển khai theo hình thức này bởi phù hợp với tâm lý lứa tuổi và tác động trông thấy đến ý thức học sinh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các trường nếu không có sự hỗ trợ tài chính thì không thể tự mình triển khai. Điều này đòi hỏi phải có sự đồng hành của các tổ chức xã hội” - ông Phạm Xuân Tiến cho biết.

Về việc này, bà Trần Hạnh Dung, đại diện cho Tetra Pak cho biết, nhiều năm nay doanh nghiệp này đã tham gia cùng ngành giáo dục vào hoạt động bồi dưỡng giáo viên kiến thức về môi trường cũng như triển khai đến hàng nghìn trường mầm non, tiểu học các cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền bảo vệ môi trường. Phần thưởng trong cho riêng các chương trình của năm học này được các nhà tài trợ huy động vào khoảng 800 triệu đồng. Bắt đầu từ trường Tiểu học Đức Thượng, chương trình sẽ tiếp tục được triển khai ở 100 trường tiểu học ở Hà Nội và dự tính các bậc học cao hơn vào năm học sau.

Khó bởi người lớn không thay đổi

“Thói quen thì không thể hình thành ngày một ngày hai. Muốn học sinh có ý thức về môi trường thì phải theo phương châm mưa dầm thấm lâu. Có điều là ở trường giáo viên dạy đi dạy lại nhưng ở nhà bố mẹ lại cư xử ngược lại thì hiệu quả chắc chắn là bằng không” - Đại diện Ban giám hiệu trưởng Tiểu học Cát Linh cho biết. Đơn cử việc hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh chung ở trường là cần thiết nên học sinh đều được yêu cầu trực nhật. “Thế nhưng ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã nhận được không ít yêu cầu từ phía phụ huynh về việc thuê người dọn dẹp thay vì cho con làm công việc này. Họ nói, học sinh THPT còn phải thuê người dọn dẹp nói gì đến học sinh tiểu học... Chúng tôi đều giải thích cho phụ huynh về việc cần thiết cho con làm quen với lao động nhưng nhiều người lại bảo việc đó cứ để họ lo. Con họ họ sẽ dạy ở nhà”. Đây là tình trạng chung của rất nhiều trường học ở Hà Nội khi các bậc phụ huynh quá lo cho con cái, chỉ muốn con dành thời gian học tập thay vì phải tự tay quét lớp, lau dọn phòng học...

Không chỉ từ phía phụ huynh mà ngay cả giáo viên cũng không phải ai cũng có ý thức rõ về việc cần thiết phải giảng dạy cho học sinh về bảo vệ môi trường khi trên lớp phải tập trung dạy các môn chính. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin thực tế cũng khiến các bài giảng của giáo viên kém sống động, không đem lại hiệu quả giảng dạy. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu, việc tích hợp nội dung giáo dục về đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, về bảo vệ môi trường sẽ được lồng ghép  vào bài học một cách tự nhiên, phù hợp, việc tích hợp phải tạo ra bài học sống động, hấp dẫn, gắn với thực tiễn hơn nhưng không gây quá tải. Khó có thể kiểm tra hiệu quả triển khai trong mỗi trường, mỗi lớp bởi nội dung này không được đánh giá, cho điểm. Điều này đang phụ thuộc vào ý thức của mỗi người trong mục đích chung là bảo vệ môi trường khi tác hại của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày.