Giảng viên Trường ĐH Paris 12 hiến kế “giải cứu” nông sản bị ép giá

ANTĐ - Hiện đang là giảng viên Trường Đại học Paris 12, TS Nguyễn Hương Huế đã có 10 năm học tập, nghiên cứu và sinh sống tại Pháp - đất nước có nền nông nghiệp phát triển nhất châu Âu. Với những kinh nghiệm trong quá trình phối hợp, làm việc cùng Viện nông nghiệp Pháp, TS Nguyễn Hương Huế đã chia sẻ với An ninh Thủ đô về mô hình có thể áp dụng trong việc giải cứu các mặt hàng nông sản bị ép giá như dưa hấu, hành tím...

Giảng viên Trường ĐH Paris 12 hiến kế “giải cứu” nông sản bị ép giá ảnh 1TS Nguyễn Hương Huế: "Giải cứu nông sản bị ép giá cần có nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện"


PV: Tình trạng nông sản được mùa, mất giá, nhiều sản phẩm của người nông dân sản xuất ra bị thương lái ép giá, ví dụ như dưa hấu, hành tím... Chuyện này không phải chỉ xảy ra một lần, và người nông dân luôn là người chịu thiệt. Theo chị có cách nào để giải quyết tình trạng này?
 

TS Nguyễn Hương Huế: Tại Pháp, ít có tình trạng các sản phẩm bị ép giá bởi có một quy trình hết sức hoàn chỉnh. Với các mặt hàng nông sản do nông dân sản xuất ra đã có hệ thống thu mua chuyên nghiệp, sau đó các sản phẩm này được chế biến rồi mới tung ra thị trường. 

Hơn nữa, ở Pháp cũng có Hiệp hội chống bán ép giá, mục đích hoạt động là nhằm hỗ trợ cho các nước đang phát triển - các nước này có các sản phẩm xuất khẩu vào Pháp và thường bị ép giá xuống rất thấp. 

Hiệp hội này hoạt động dựa vào nguồn kinh phí xin tài trợ từ các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức quốc tế... Với nguồn kinh phí này, Hiệp hội đưa ra các chiến dịch vận động để người tiêu dùng chấp nhận mua các sản phẩm, các mặt hàng nông sản với mức giá cao như một cách làm từ thiện. Từ đó tạo ra sức ép đến các nhà thu mua để đưa ra mức giá sàn mà cả bên bán và bên mua đều có lợi. 

PV: Mô hình này liệu có thể áp dụng với thực tế tại Việt Nam hay không? 

TS Nguyễn Hương Huế: Tôi cho rằng mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng được tại Việt Nam, các “chiến dịch giải cứu” dưa hấu, hành tím vừa qua phần nào cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động này đòi hỏi những người thực sự tâm huyết, bởi người tham gia phải đứng ra để kêu gọi tài trợ kinh phí từ các tổ chức quốc tế. Bởi trong trường hợp tổ chức các chiến dịch, nếu những người tổ chức tự bỏ tiền túi ra sẽ rất khó khăn. Từ việc hỗ trợ theo hướng manh mún có thể từng bước chuyên nghiệp cho từng loại sản phẩm. 

Ví dụ như các cuộc “giải cứu” dưa hấu, hành tím, nếu có mô hình hiệp hội như đã nói ở trên thì có thể xin được kinh phí từ nhiều quỹ quốc tế. Nhất là với yếu tố hỗ trợ tiêu thụ nông sản bị ép giá cho người nông dân thì khả năng vận động các quỹ hỗ trợ là hoàn toàn khả thi. Căn bản là các bạn trẻ, các tổ chức có tinh thần từ thiện, mong muốn hỗ trợ người nông dân vẫn chưa biết đến điều này. 

Giảng viên Trường ĐH Paris 12 hiến kế “giải cứu” nông sản bị ép giá ảnh 2Các cuộc "giải cứu" đã giúp người nông dân bớt đi phần nào thua thiệt do bị ép giá

PV: Vậy nếu các tổ chức thực hiện những "chiến dịch giải cứu" nông sản mong muốn nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, chị có thể giúp gì cho họ? 
TS Nguyễn Hương Huế: Tôi rất mong muốn tại Việt Nam có Hiệp hội, dự án hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Với kinh nghiệm của mình tôi có thể góp sức giúp các Hiệp hội trong việc kêu gọi, hướng dẫn lập hồ sơ để xin kinh phí cho các chiến dịch hỗ trợ về lâu dài từ các tổ chức quốc tế.

PV: Có một thực tế là người dân tại các thành phố lớn vẫn phải mua các sản phẩm nông sản với giá cao, chị có nhận xét gì về thực trạng này? 

TS Nguyễn Hương Huế: Tại Việt Nam, các khâu từ trồng tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản chưa chuyên nghiệp, mạnh ai nấy làm. Tư tưởng chụp giật vẫn còn rất rõ nét. Đặc biệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm, thực tế cho thấy tình trạng các thương lái nước ngoài sang tận ruộng của bà con để trả giá, thương lái trong nước cũng ép giá thu mua để thu lợi cao. Với chi phí lưu thông quá cao, qua quá nhiều khâu thì sản phẩm đến tay người tiêu dùng mức giá cũng bị đội lên. 

Trong quá trình giảng dạy tại Pháp, tôi có nhiều nghiên cứu về tổ chức ngành, trong đó Nhà nước phải vẽ ra sơ đồ, từng khâu một phải được tổ chức ra sao. Ví dụ như khâu đầu tiên là nông dân, khâu tiếp theo là chế biến, tiêu thụ... nếu trong các khâu này có thiếu gì thì cơ quan của Nhà nước phải có chính sách thực hiện. Việc này giúp cho quá trình vận hành diễn ra một cách chuẩn mực, không đối tượng nào trong chuỗi bị thiệt thòi. Tôi cho rằng, tại Việt Nam, vấn đề tổ chức kinh tế ngành hiện rất yếu. 

PV: Được biết, tại nước ngoài có nhiều sản phẩm nông sản được xây dựng thương hiệu rất mạnh, vậy chúng ta có thể tính tới việc làm thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam hay không? 

TS Nguyễn Hương Huế: Tôi cho rằng việc làm thương hiệu cho nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được. Các sản phẩm nông sản có thể xây dựng gắn với xuất xứ cũng như niềm tự hào, ví dụ nhãn lồng Hưng Yên, dưa hấu Mai An Tiêm... Tuy nhiên, khâu bảo quản tại Việt Nam hiện nay đang rất yếu khiến việc xây dựng thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Tại Việt Nam tôi thấy chưa có sự đầu tư đủ lớn cho khâu bảo quản. 

Tại Pháp, khi nông dân thu hoạch táo, các nhà máy sẽ rửa, sau đó phun một lớp keo sinh học bọc bên ngoài. Lớp keo này có thể ăn được luôn nhưng cũng là lớp bảo vệ giúp quả táo để tại siêu thị có thể tươi ngon trong vòng 1-2 tháng. Chính cơ quan Nhà nước phải chi ngân sách để nghiên cứu tạo ra những loại keo giúp bảo quản nông sản như vậy.