Quy hoạch vỡ, tiêu thụ nông sản bằng... tình thương

ANTĐ - Theo lời kêu gọi rất nhân văn trên mạng, người dân khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên… đang sôi sục tìm mua dưa hấu ủng hộ nông dân trồng dưa Quảng Nam. Đây là hành động được đánh giá cao, song rõ ràng  chỉ là giải pháp mang tính tình thế…

Quy hoạch vỡ, tiêu thụ nông sản bằng... tình thương ảnh 1Hàng trăm bạn trẻ hồ hởi gom dưa tiêu thụ giúp đồng bào miền Trung

Tinh thần sẻ chia 

Hàng loạt các điểm tiêu thụ dưa hấu ủng hộ người dân miền Trung được lập lên, điểm nào cũng đông đúc người mua. Hàng chục tấn dưa hấu chở ra mỗi ngày đều nhanh chóng hết veo, thậm chí nhiều người đến chậm còn không mua được dưa và tỏ  ra tiếc nuối.

Sáng 9-4 tại Khu đô thị Nam Đô (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội), khoảng 10 tấn dưa được chở ngược về từ cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn để tiêu thụ. Chỉ trong ngày, toàn bộ số dưa này đã hết với giá bán 7.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Lan Anh ở Lĩnh Nam chia sẻ: “Trên các diễn đàn mạng, việc kêu gọi mua dưa hấu ủng hộ người dân miền Trung đang diễn ra rất sôi nổi. Biết có điểm bán dưa gần nhà vào sáng 9-4, tôi đã đăng ký mua 10 quả. Một phần sử dụng cho gia đình, còn lại đi biếu người thân, bạn bè”. 

Tương tự, một điểm bán dưa hấu giúp bà con nông dân ở Nguyễn Xiển (Thanh Xuân) cũng đông đúc không kém. Anh Đặng Như Quỳnh, một trong những người tình nguyện đứng ra thu gom dưa hấu của bà con Quảng Nam chở ra Hà Nội tiêu thụ cho biết: “Thấy dưa hấu của bà con trồng ra bị ép giá ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, rồi người trồng dưa ở Quảng Nam bị thất thu vì nước lũ về bất ngờ, giá dưa bị thương lái ép chỉ còn 500-1.000 đồng/kg nên tôi đã quyết định thu gom gần 200 tấn để đưa ra Hà Nội tiêu thụ”. Trung bình mỗi ngày, nhóm tình nguyện của anh Quỳnh vận chuyển 1 xe dưa từ Quảng Nam ra Hà Nội, sau đó đưa về các điểm lẻ để bán. Anh Quỳnh cho hay, anh thu mua của bà con nông dân với giá 3.000 đồng/kg, vận chuyển về Hà Nội bán với giá 5.000 đồng/kg. Cũng bởi tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái mà mỗi ngày, nhóm tình nguyện của anh Quỳnh tiêu thụ hết 1 xe dưa hấu khoảng 10 tấn. “Biết thông tin, tôi tìm đến để mua dưa hấu ủng hộ người dân lũ lụt miền Trung, nhưng tiếc quá, đến nơi thì hết. Họ bảo sáng mai mới có. Sáng mai tôi sẽ đến sớm để mua một ít, góp phần ủng hộ người trồng dưa”, bác Nguyễn Thúy Liễu ở 168 Nguyễn Tuân chia sẻ. 

Tiêu thụ nông sản bằng tình thương?

Sáng 9-4, tại trụ sở Bộ Công Thương, Công đoàn Cơ quan Bộ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu đã tổ chức chương trình thiện nguyện mua dưa hấu hỗ trợ nông dân miền Trung. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Cục đã liên hệ với Sở Công Thương một số tỉnh nhằm giải tỏa ùn tắc ở cửa khẩu thông qua việc tìm đầu mối  tiêu thụ dưa ở thị trường Hà Nội. Trước mắt đơn vị tổ chức phát động cán bộ công chức khối cơ quan Bộ mua ủng hộ 14 tấn dưa hấu.

Hành động mua dưa hấu ủng hộ người dân miền Trung là một nghĩa cử đẹp. Nhờ những tấm lòng hảo tâm mà nông dân Quảng Nam nói riêng, nông dân các tỉnh miền Trung năm nay bớt một mùa dưa hấu đắng. Nhưng, tiêu thụ nông sản không thể dựa vào tình thương của cộng đồng nếu như không có quy hoạch và sự tuân thủ quy hoạch.

Ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, Bộ NN&PTNT đã thường xuyên khuyến cáo các Sở NN&PTNT địa phương về vấn đề quy hoạch nông sản. Tuy nhiên, xé rào vỡ quy hoạch vẫn cứ xảy ra, không chỉ với dưa hấu mà hàng loạt cây trồng khác như cao su, cà phê, thanh long… “Đất đai hiện đã giao quyền tự chủ cho nông dân sản xuất, vì vậy, ngành nông nghiệp cũng chỉ đưa ra khuyến cáo về khả năng tiêu thụ và quy hoạch diện tích. Mọi quyết định vẫn nằm trong tay nông dân. Trong khi  đó, sản xuất nông nghiệp của bà con hiện vẫn theo phong trào, thấy có lãi thì đồng loạt làm dẫn tới cung quá cầu”, ông Trần Xuân Định nhìn nhận. Trong vấn đề dưa hấu, hàng năm Bộ NN&PTNT đều khuyến cáo bà con tránh ồ ạt xuống giống, cần rải đều để tránh rơi vào tình trạng thừa thãi, nhưng… ế dưa hấu vẫn tái diễn. 

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, các địa phương nên có khuyến cáo, chỉ đạo, hỗ trợ cho nông dân trồng dưa lệch vụ để kéo dài thời gian thu hoạch dưa hấu. Hiện nay thu hoạch dưa chỉ đúng 1 tháng và sản lượng quá lớn thì không thể không tắc đầu ra. Trong khi đó, việc xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc không phụ thuộc vào phía Việt Nam mà quan trọng nhất là phía Trung Quốc. “Dù chúng ta có thông quan nhanh đến đâu mà phía Trung Quốc chậm mua thì cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc. Ngay từ tháng 1 năm nay, chúng tôi đã có công văn để cảnh báo việc điều tiết nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chúng ta đã không làm tốt”, ông Trần Thanh Hải cho biết.