Giám sát chặt, phòng ngừa thi hộ

ANTĐ - Sau 2 trường hợp phát hiện thi hộ tại Hà Nội, các hội đồng thi đợt II tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 đều tăng cường khâu tập huấn giám thị coi thi để phát hiện sớm các đối tượng gian lận thi cử. Ông Vũ Minh Chính - Phó Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ CATP Hà Nội cho biết, rút kinh nghiệm đợt I, các hội đồng thi đã được cảnh báo dấu hiệu vi phạm để phòng ngừa những trường hợp tương tự.

Thí sinh vui vẻ sau khi làm xong bài thi môn Toán tại hội đồng thi trường Đại học Y, Hà Nội

Chủ động chống gian lận

Với gần 650.000 thí sinh dự thi tại 1.050 điểm thi đợt II, ngày 9-7, điều mà các hội đồng thi tập trung chỉ đạo là phòng chống gian lận thi cử, đặc biệt khi kết thúc đợt I đã có 2 trường hợp thi hộ bị phát hiện. Kết thúc ngày thi đầu tiên, Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH 2013 cho biết, đã có 125 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 34; cảnh cáo: 10; đình chỉ: 81), số bị đình chỉ thi chủ yếu mang điện thoại di động và tài liệu trái phép vào phòng thi; có 2 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật khiển trách.

Rút kinh nghiệm đợt I, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đặc biệt lưu ý giám thị tại các hội đồng thi phải chú trọng tới khâu đối chiếu giữa danh sách ảnh với thí sinh đến dự thi. Nếu thấy có nghi ngờ phải báo cáo ngay với hội đồng thi để có biện pháp xử lý. Giám đốc Học viện Báo chí Tuyên truyền Trương Ngọc Nam cho biết, việc tập huấn kỹ lưỡng cho cán bộ coi thi được nhà trường chú trọng, bởi với hơn 9.000 hồ sơ dự thi vào trường là con số khá lớn. Theo ông Trương Ngọc Nam, đề phòng các trường hợp thi hộ, trường nhắc nhở các giám thị đối chiếu cẩn thận thông tin cá nhân và thí sinh đến trực tiếp dự thi. Khi có nghi vấn giám thị cần báo ngay cho điểm trưởng và ban chỉ đạo để phối hợp xử lí. Tuy vậy, nhiều năm nay nhà trường chưa phát hiện trường hợp thi hộ nào.

Với trường ĐH có số lượng thí sinh dự thi đông nhất hiện nay là ĐH Công nghiệp với gần 59.000 thí sinh dự thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi trường này, ông Hà Xuân Quang cho biết, các khâu tổ chức thi đều phải chuẩn bị tỉ mỉ, đặc biệt trong việc phổ biến cho cán bộ làm nhiệm vụ coi thi thực hiện quy chế thi. Sau đợt I, rút kinh nghiệm đa số vi phạm kỷ luật phòng thi là do thí sinh mang điện thoại vào phòng thi dù chưa phát hiện có sử dụng nên trong đợt này các giám thị càng phải tăng cường nhắc nhở thí sinh.

Nâng cao trách nhiệm

Trao đổi về những biện pháp phát hiện thi hộ trong đợt thi này, ông Vũ Minh Chính cho biết, các trường hợp thi hộ đã bị phát hiện trong đợt I đều có chung một hiện tượng, thí sinh thi hộ thường có độ tuổi khá chênh lệch so với thí sinh được thi hộ. Hai thí sinh thi hộ trong đợt I đều chênh 8 đến 14 tuổi so với thí sinh tốt nghiệp lớp 12 năm nay. Những thí sinh này đều sử dụng những hồ sơ thật của thí sinh mình thi hộ nên rất dễ nhận diện qua sự khác biệt tuổi tác. “Điều này đã được chúng tôi phổ biến tới các hội đồng thi. Một điểm đáng lưu ý khác là thí sinh thi hộ thường mặc áo giống với ảnh chứng minh thư của thí sinh mình thi hộ để đánh lừa thị giác. Giám thị nếu được phổ biến kỹ và tăng cường trách nhiệm thì sẽ không khó để phát hiện những trường hợp thi hộ” – ông Vũ Minh Chính khẳng định.

Cũng theo ông Chính, để đảm bảo an toàn cho đợt II này, ở tất cả 35 hội đồng thi tại Hà Nội, lực lượng an ninh đều có mặt trong ban chỉ đạo thi. “Đây là điểm tựa về mặt an ninh, pháp lý cho các hội đồng thi. Số cán bộ này xử lý tất cả những vấn đề liên quan đến an ninh nói chung và tiêu cực nói riêng. Trong ngày đầu tiên đợt II chưa thấy có những thông tin liên quan đến tiêu cực thi cử dù theo số liệu báo cáo từ 35 hội đồng thi của Hà Nội cho thấy đã có 35 thí sinh bị đình chỉ thi.” – ông Vũ Minh Chính cho biết.

Đề thi về Biển Đông nâng ý thức công dân

 
Thí sinh N.T Hương, dự thi khối C Học viện Báo chí tuyên truyền cho biết, đề thi Địa lý không quá khó và đã nằm trong dự đoán của nhiều thí sinh. Không nằm ngoài xu hướng ra đề, môn Địa lý đặt ra vấn đề mang tính thời sự khi có đến hai câu hỏi liên quan đến biển, đảo gồm: nêu khái quát về Biển Đông; nêu những thiên tai của vùng biển và ý nghĩa chiến lược của đảo và biển đảo đối với an ninh, kinh tế Việt Nam. Theo Hương, đề thi khá hấp dẫn khi đề cập đến vấn đề biển, đảo mang đậm tính thời sự, sẽ giúp nâng cao tính giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với thí sinh. Dù không đề cập cụ thể, nhưng thí sinh vẫn phải trình bày về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hương khẳng định bảo vệ chủ quyền của đất nước, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thời điểm hiện tại là vấn đề giới trẻ rất quan tâm, nên dù câu hỏi đòi hỏi kiến thức xã hội nhưng đã có trong chương trình do đó học sinh chăm chỉ ôn luyện vẫn có thể làm tốt.