Giảm lương, hay công chức "cắp ô"

ANTĐ - Để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất nhiều giải pháp và đề nghị Chính phủ cho cơ chế điều hành đặc biệt. Trong đó, có cả đề xuất giảm lương cơ bản của người lao động đang hưởng lương từ ngân sách 100.000 đồng từ tháng 1-2014 trở lại mức 1.050.000 đồng từ tháng 1-2014 bằng mức trước tháng 5-2013. Đề xuất giảm lương cơ bản ngay lập tức nhận được sự phản đối của nhiều thành viên Chính phủ. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói thẳng rằng lương mới tăng được 2 tháng mà đã giảm thì phản cảm lắm!

Không chỉ là phản cảm mà còn “đi ngược chiều” khi Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI có nêu lộ trình tăng lương tối thiểu đến năm 2015 phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và điều 91 Bộ luật Lao động cũng khẳng định mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì hầu như toàn bộ tiền lương, thu nhập của người lao động chi hết cho cuộc sống thiết yếu, không còn tích lũy. Từ kết quả khảo sát trên, một dự báo mức sống tối thiểu năm 2014 của 1 người lao động nuôi 1 người tại vùng I sẽ phải là: 4,113 triệu đồng/tháng! 

Vẫn biết sức ép mỗi lần tăng lương rất lớn. Nếu là lương của doanh nghiệp, tăng quá cao sẽ mất sức cạnh tranh, nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn. Còn khu vực lương dùng ngân sách nếu tăng cao thì ngân sách phải cố đáp ứng. Nhưng trong lúc đời sống khó khăn hiện nay, giá cả tăng lên, lương không tăng lên được thì không thể đặt ra vấn đề giảm lương. Những người lao động có thu nhập thấp, ngoài mức lương cơ bản, họ không có thêm thu nhập gì. Do đó, 100.000 đồng sẽ là mức giảm đáng kể, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Và việc giảm lương chính là giảm thu nhập của người dân dẫn đến sức tiêu thụ giảm. Đây chính là nguyên nhân doanh nghiệp đã yếu do sức mua chậm, hàng tồn kho lớn, sẽ càng  yếu hơn. Không giải quyết được vấn đề giải phóng hàng tồn kho, là đi ngược lại với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; ngân sách sẽ hụt thu.

Hiện vẫn còn một số bộ phận công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về làm việc không hiệu quả trong khi bộ máy hành chính lại quá cồng kềnh. Cắt giảm biên chế hành chính bộ máy cồng kềnh, lương nhiều nhưng làm việc không hiệu quả hiện nay là việc cần làm. Có công việc mà số biên chế chỉ cần 1/2 vẫn hoàn thành, nếu giảm đi 1/2 mà tăng lương cho người lao động thực sự lên 1,5 lần thì chắc chắn sẽ ổn hơn rất nhiều. 

Về đề xuất của Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định không được giảm lương vì trong 3 năm qua, lương tối thiểu tăng khoảng 35% nhưng giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng đã tăng bằng con số này. Đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nếu còn giảm lương thì càng thêm khó khăn.