Giảm kỷ lục ứng viên công nhận chức danh GS, PGS vì quy định mới

ANTD.VN - Đến ngày 28-8, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã nhận được 557 ứng viên đề nghị xét công nhận GS, PGS. Con số này được đánh giá là giảm mạnh so với đợt công nhận chức danh GS. PGS gần nhất.

Được biết, năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện xét công nhận chức danh GS, PGS theo quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định mới, ứng viên phải là tác giả chính của 3 bài báo quốc tế (với GS) và 2 bài báo quốc tế (với PGS). Đây được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính khiến số ứng viên giảm mạnh vì không đủ tiêu chuẩn.

Năm 2019, hội đồng giáo sư ngành có nhiều ứng viên nhất là y học có 11 ứng viên GS, 37 ứng viên PGS. Hội đồng giáo sư ngành kinh tế có 7 ứng viên GS, 35 ứng viên PGS. Hội đồng giáo sư ngành toán học có 8 ứng viên GS, 26 ứng viên PGS.

Các ngành như luật học, liên ngành luyện kim, sử học - khảo cổ học - dân tộc học, tâm lý học, liên ngành văn hóa - nghệ thuật - thể dục thể thao, văn học… chỉ có 1 ứng viên đề nghị công nhận chức danh GS.

Cá biệt có ngành không có ứng viên nào xét công nhận chức danh GS như giáo dục học, ngôn ngữ học...

Quy định mới về tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS làm khó nhiều ứng viên 

Trước đó, năm 2018 không thực hiện xét GS và PGS vì chờ hướng dẫn thực hiện quy định mới về tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chính vì vậy, năm 2017 được cho là năm “vét” theo quy định cũ và cũng là năm có số lượng ứng viên phong hàm GS, PGS tăng đột biết với 1.537 ứng viên nộp hồ sơ, trong đó có 151 ứng viên GS và 1.386 ứng viên PGS.

Tuy nhiên, đây cũng là năm có nhiều ứng viên bị “đánh trượt” nhiều nhất. Kết quả rà soát cuối cùng về đợt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 được công bố với 41 ứng viên không đạt chuẩn hoặc tự nguyện xin rút khỏi danh sách xem xét phong hàm.