Giảm căng thẳng ngoại hối

(ANTĐ) - Trong Bản tin nợ nước ngoài của Bộ Tài chính công bố dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2008 là 21,8 tỷ USD, tăng 2,6 tỷ USD so với mức 19,2 tỷ USD của năm 2007.

Giảm căng thẳng ngoại hối

(ANTĐ) - Trong Bản tin nợ nước ngoài của Bộ Tài chính công bố dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2008 là 21,8 tỷ USD, tăng 2,6 tỷ USD so với mức 19,2 tỷ USD của năm 2007.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại đưa ra số liệu khác: “Nợ Chính phủ tăng cao, năm 2008 ước 36,5% GDP; năm 2009 khoảng 40% GDP và năm 2010 chừng 44% GDP”. Nợ của Chính phủ ở đây, ngoài nợ nước ngoài, còn bao gồm cả nợ trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước. Tại hội thảo “khủng hoảng tài chính và giám sát an toàn vĩ mô” do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức tại Hà Nội, cho biết theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm từ 23 tỷ USD vào cuối tháng 11-2008 xuống còn 17,3 tỷ USD cuối tháng

7-2009. Nếu số liệu của ADB chính xác, thì trong vòng 6 tháng, dự trữ ngoại hối sụt giảm tương đối nhanh tới 5,7 tỷ USD. Vì sao dự trữ ngoại hối giảm? Trước hết, luồng ngoại tệ qua kênh đầu tư trực tiếp và gián tiếp năm nay tuy không bằng năm 2007 nhưng so với năm 2008 cũng không thấp hơn nhiều. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được hơn 8 tỷ USD.

Các ngân hàng cho vay khoảng 8,5 tỷ USD cho những dự án dài hạn nên đây không phải là áp lực hay rủi ro tiềm ẩn lên tỷ giá. Bộ Tài chính dự báo kiều hối năm 2009 đạt khoảng 6,8 tỷ USD, chỉ thấp hơn 400 triệu USD so với năm 2008. Song, số liệu từ phía ngân hàng lại không khả quan như vậy. Các ngân hàng phản ánh lượng kiều hối về ít hơn, nhưng quan trọng là người nhận không bán cho ngân hàng theo tỷ giá niêm yết.

Họ nhận bằng ngoại tệ sau đó gửi tiết kiệm ngoại tệ hoặc mang ra mua bán ngoài thị trường tự do. “Nút thắt” của sự cân đối luồng ngoại tệ vào và ra chính là nhập siêu. Tổng cục Thống kê ước tính nhập siêu 10 tháng đầu năm nay là 8,78 tỷ USD. Nhập siêu cả năm có thể vượt 10 tỷ USD. Xét về lý thuyết, việc giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, vay nước ngoài, kiều hối… có thể bù đắp nhập siêu.

Song, thực tế lại vẽ ra một “bức tranh” khác: Các nhà xuất khẩu và các công ty có nguồn thu ngoại tệ đều “găm giữ” ngoại tệ trên tài khoản, vốn huy động ngoại tệ từ dân cư tăng mạnh, khiến USD huy động dư thừa mà USD thương mại lại thiếu hụt. Ai cũng biết rằng, nợ nước ngoài bằng ngoại tệ thì nước ta phải trả bằng ngoại tệ. Khả năng trả nợ phụ thuộc vào việc Việt Nam có “kiếm” đủ ngoại tệ để trả các khoản nợ đến hạn hay không, chứ việc tính toán bằng tiền đồng dường như chả có ý nghĩa gì trên bình diện quốc gia.

Nói một cách nôm na, nếu mình vay của hàng xóm 20 cân gạo thì phải làm sao có được 20 cân gạo để trả, chứ không phải là tính toán quy đổi 20 cân gạo thành ngô khoai sắn. Khả năng trả nợ của một quốc gia có thể trông chờ vào khả năng tích lũy ngoại tệ trong dài hạn. Công thức của mọi quốc gia là: ngoại tệ tích lũy = dòng tiền chảy vào - dòng tiền chảy ra.

Tóm lại, để giảm căng thẳng ngoại hối, tăng khả năng trả nợ hay tích lũy quốc gia, các chính sách tiền tệ phải nhắm tới việc tăng dòng tiền chảy vào, nhất là dòng tiền thuộc sở hữu của quốc gia và giảm bớt dòng tiền chảy ra, nhất là chi cho nhập khẩu hàng hóa dịch vụ. Tức là, điều chỉnh đồng tiền trong nước theo hướng có lợi cho xuất khẩu, cho sản xuất trong nước, những ngành có lợi thế cạnh tranh, sẽ làm cho kinh tế tăng trưởng và gia tăng khả năng trả nợ.

Đan Thanh