‘Giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tạp chí Công Thương (Bộ Công thương) vừa tổ chức t ọa đàm với chủ đề “Giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm”.

Tham dự buổi tọa đàm có: bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn; ông Hoàng Minh Luân, Phó Tổng Giám đốc Hợp tác xã Hải An, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn, Phó Giám đốc Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap).

Ngày 13-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó giao Bộ Công Thương “Chỉ đạo phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm”.

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 17, đến nay, cả nước đã xây dựng được 66 mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại 62/63 tỉnh, thành phố từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Trước hiệu quả đạt được của mô hình thí điểm, các tỉnh đã và đang thực hiện việc duy trì và nhân rộng mô hình bằng nguồn ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, quá trình thí điểm tới nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm còn đặt ra những bài toán khác nhau về phát huy nguồn lực. Làm thế nào để có thể triển khai, nhân rộng, hay xa hơn là duy trì lâu dài và phát huy hiệu quả mô hình chợ an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc? Cơ quan quản lý, địa phương và các bên liên quan cần làm gì để tháo gỡ những điểm nghẽn còn tồn tại?

Những câu hỏi, vấn đề đó đã được trao đổi thấu đáo tại buổi Tọa đàm.

Theo bà Lê Việt Nga, thời gian vừa qua, Bộ Công thương và Vụ Thị trường trong nước là đơn vị thực thi việc xây dựng mô hình chợ thí điểm thực phẩm đã nhận được nhiều chỉ đạo từ Đảng và Nhà nước và có rất nhiều thuận lợi trong việc triển khai mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm từ những cơ chế, chính sách được ban hành từ cấp Trung ương và sự hưởng ứng từ phía các địa phương.

Ví dụ như từ việc xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm, Vụ Thị trường trong nước đã xây dựng dự thảo về Tiêu chuẩn quốc gia chợ kinh doanh thực phẩm và qua đó đã được Bộ Khoa học công nghệ chấp thuận và ban hành năm 2017 là tiêu chuẩn TCVN 11856: 2017 về chợ kinh doanh thực phẩm.

Đây là căn cứ tốt, là khuôn mẫu để các địa phương cũng như các hợp tác xã, các doanh nghiệp tham khảo xây dựng những chợ mới hoặc cải tạo những chợ trước đây chưa đảm bảo về mặt hạ tầng cơ sở, chưa đảm bảo về mặt chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật đối với nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Qua đó, các địa phương có hướng mới để xây dựng và cải tạo các chợ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, đấy là một bước tiến rõ rệt trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống.

Ở góc độ khác, ông Đinh Lâm Sáng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn chia sẻ câu chuyện thực tiễn xung quanh câu chuyện chợ và an an toàn thực phẩm. Theo đó, Bắc Kạn đang và sẽ tập trung tuyên truyền với các hộ kinh doanh, người dân rằng việc an toàn thực phẩm không phải chỉ riêng tỉnh quan tâm, mà trên toàn quốc. Bắc Kạn cũng tuyên truyền Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để khi xảy ra vấn đề khúc mắc sẽ có chế tài đối với những người không chấp hành an toàn thực phẩm. “Chúng tôi tiếp tục tổ chức một số lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho tiểu thương, người quản lý của xã có chợ, đặc biệt, chúng tôi đề cao xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao là phải có tiêu chí thứ bảy, đó là chợ là phải cho đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Sáng nhấn mạnh.

Đồng tình với những vấn đề mà các vị khách tham dự tọa đàm nêu, ông Hoàng Minh Luân - Phó Tổng giám đốc Hợp tác xã Hải An, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội phát triển chợ Việt Nam cho rằng, nhìn chung, những chính sách xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm hiện nay chủ yếu là do các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế tại địa phương; vì vậy, chưa nhìn thấy được sự thống nhất từ thống nhất, chưa đủ để thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xây dựng, khai thác, phát triển chợ.

Doanh nghiệp Hải An, cũng như đại diện cho Ban chấp hành Hiệp hội phát triển chợ Việt Nam nhận thấy thời gian qua, việc triển khai xây dựng một số chợ theo tiêu chuẩn mới, phục vụ cho các hộ tiểu thương tại các vùng, miền còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trải qua đợt dịch, công tác hoạt động của chợ hiện nay là một mắt xích rất quan trọng. Trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn cung ra thị trường vô cùng quan trọng, tránh lan truyền dịch bệnh theo dây chuyền.

Ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn, Phó giám đốc Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap), chia sẻ tại buổi tọa đàmsuy nghĩ để nâng cao được an toàn vệ sinh thực phẩm đối với chợ, xét cho đến cùng tất cả đều phải quay lại vấn đề xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến giết mổ cho đến ra chợ. Ông Tuấn cho rằng, không có con đường nào khác cả, bởi vì làm như thế chúng ta mới có thể truy xuất được, có được nguồn gốc để nắm, để có thể đưa quản lý nhà nước vào được, còn nếu bình thường tôi cho rằng khả năng này rất khó.

Tiếp theo nữa, xây dựng chuỗi này sẽ dẫn đến được câu chuyện sản xuất bền vững với tất cả các mối quan hệ trong chuỗi đều bền vững, bởi vì căn cứ đi đến với nhau tất cả bằng lợi ích của chuỗi, nhóm…

Theo đại diện Ban tổ chức buổi tọa đàm, những câu chuyện, thực tiễn, kiến nghị được nêu càng chứng tỏ rằng việc đề ra những chính sách xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, để chính sách gắn với thực tiễn và ở mỗi địa phương phát huy được linh hoạt trong triển khai, từ đó nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các bên.

Những khó khăn của các địa phương trong việc huy động nguồn lực để phát triển, duy trì chợ an toàn thực phẩm cần sớm được các cơ quan chức năng hỗ trợ. Nhà đầu tư chợ an toàn thực phẩm, tiểu thương kinh doanh buôn bán trong chợ cần hỗ trợ về chính sách, kinh phí sẽ vận dụng như thế nào, đòi hỏi những nhà chính sách sớm có những tháo gỡ kịp thời.

Về phía người tiêu dùng, nội dung tọa đàm giúp hiểu rõ hơn về vấn đề nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm, là chủ trương phù hợp, đúng đắn với xã hội hiện nay.