“Giải cứu” nguồn lao động có trình độ

ANTĐ - Theo thống kê thì 24.956 học sinh, sinh viên tỉnh Thanh Hóa hiện ra trường chưa xin được việc làm. Còn tại tỉnh Nghệ An con số chưa đầy đủ là hơn 11.000 người, tỉnh Đồng Tháp 2.000 người... Thống kê ban đầu của tỉnh An Giang cho thấy hiện khoảng 300 cử nhân của tỉnh chưa có việc làm; trong đó phần lớn là cử nhân sư phạm... 

Sau hơn 4 năm dùi mài kinh sử, nhiều cử nhân, tiến sĩ đi xin việc mà chẳng nơi nào nhận đành phải bươn trải với đủ nghề tạm bợ mà vẫn không đủ sống. Không ít gia đình nghèo đã bán đất, vay mượn tiền bạc cho con ăn học để rạng danh gia đình, dòng họ cùng với hy vọng con cái sẽ giúp họ đổi đời, nhưng rồi tất cả cùng hụt hẫng cay đắng khi tấm bằng đại học, cao học  cầm trong tay đã trở nên vô dụng. 

Theo kết quả khảo sát của một Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực ở TP.HCM thực hiện trên 100.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong năm 2012 và quý I/2013 thì nhu cầu  tuyển dụng nhân lực có trình độ ĐH-CĐ chỉ chiếm gần 25%, còn lại là tuyển dụng lao động kỹ thuật có trình độ, tay nghề. Điều đó cho thấy, khi hệ thống giáo dục mở rộng, cử nhân không còn là của hiếm nữa thì bằng cấp đã mất dần giá trị. Còn tại Đà Nẵng, mỗi phiên giao dịch việc làm, nhu cầu tuyển dụng dành cho lao động phổ thông chiếm gần 70%, trong khi nhu cầu về cử nhân chỉ dao động ở mức 5%-10%. Thế nhưng hơn 8 trường ĐH của thành phố này đều đặn mỗi năm làm lễ tốt nghiệp cho hàng chục nghìn cử nhân nên thất nghiệp là điều khó tránh. Đã đến lúc các bậc phụ huynh không nên để con chạy đua vào ĐH nữa vì tấm bằng không phải chỉ là “đồ trang sức” của các bậc cha mẹ, mà điều quan trọng là con em họ sẽ học và làm được gì sau khi tốt nghiệp. Mùa thi ĐH,CĐ sắp đến cũng là lúc các bạn trẻ sắp tốt nghiệp PTTH và gia đình bình tâm suy xét để không đi vào ngõ cụt vừa tốn tiền của, vừa lãng phí thời gian và sức lực.

Tại sao cho đến giờ chưa thấy cơ quan nào thống kê, đánh giá mức độ lãng phí tiền của do sinh viên ra trường không tìm được việc làm? Để xảy ra hiện trạng như hiện nay, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành Giáo dục - Đào tạo. Cử nhân thất nghiệp quá nhiều vì quy mô, cơ cấu đào tạo của các trường ĐH, CĐ không ăn nhập với nhu cầu của thị trường lao động. Các trường ĐH,CĐ mọc lên như nấm, tỉnh nào, ngành nào cũng có trường đại học với nhiều chương trình học từ chính quy, đến tại chức, liên thông... Đào tạo tràng giang đại hải nên mới thừa. Thậm chí theo kết quả khảo sát về tình hình việc làm của cử nhân ra trường trên 2.948 sinh viên tại ĐHQG HN, ĐHQG TP.HCM và ĐH Huế, có 18% sinh viên có bằng tốt nghiệp loại giỏi không tìm được việc vì các nhà tuyển dụng đã không thể hiểu được những cử nhân này được đào tạo về… cái gì!  Các trường chỉ chăm chăm đào tạo những ngành mà trường có điều kiện chứ không phải là ngành xã hội cần, khiến hàng trăm hàng nghìn cử nhân đang hụt hẫng, bế tắc vì thất nghiệp. Đồng thời cũng từ đây nảy sinh các hành vi tiêu cực trong xin việc, tuyển dụng. Để tồn tại, các cử nhân phải làm những công việc không có liên quan gì đến ngành nghề được đào tạo chính quy. Thật lãng phí vô cùng khi mà đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền của.

Chưa khi nào tình trạng cử nhân thất nghiệp lại nhiều như hiện nay, nguyên nhân, lý do nào cũng có nhưng biện pháp để giải quyết điều này thì chưa thấy. Đã đến lúc phải triển khai các giải pháp “giải cứu” nguồn lao động có trình độ này.