Gia tăng chấn thương và dị ứng mắt: Do chủ quan, bất cẩn

ANTĐ - Trong 2 tuần qua, BV Mắt Trung ương đã liên tiếp cấp cứu  nhiều trường hợp bị chấn thương mắt do chơi thể thao, tai nạn pháo nổ, tai nạn sinh hoạt. Bên cạnh đó, do thời tiết có độ ẩm cao nên những ngày qua, số bệnh nhân viêm kết giác mạc vào viện cũng có xu hướng tăng lên.

Các bệnh mắt dị ứng gia tăng mạnh trong mùa xuân


Tai nạn ở nhà là nhiều nhất

Thông thường mọi người vẫn nghĩ chấn thương mắt hay gặp ở trẻ em nhiều hơn do đây là lứa tuổi hiếu động, hoạt động nhiều, ý thức bảo vệ sức khỏe chưa cao. Tuy nhiên trên thực tế, chấn thương ở mắt chủ yếu gặp ở độ tuổi thanh niên và trung niên. Bác sĩ Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương cho biết, 47% tai nạn mắt xảy ra ở lứa tuổi 18-45 tuổi; 25% chấn thương mắt trên trẻ em. Tai nạn có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi nhưng ở nhà là nhiều nhất, sau đó là khi vui chơi thể thao, khoảng 15-16% tai nạn do công việc, 12% do tai nạn giao thông, 14% là trong các hoàn cảnh khác.

Chỉ tính trong 2 tuần đầu sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, BV Mắt Trung ương đã cấp cứu hàng chục ca tai nạn gây chấn thương mắt ở trẻ em do súng bắn bi, pháo hoa, pháo thăng thiên có xuất xứ từ Trung Quốc. Đặc biệt, trong chưa đầy một tuần, BV này tiếp nhận liên tiếp 2 ca chấn thương mắt nặng do chơi thể thao. Một người gặp chấn thương do bị quả bóng golf bay thẳng vào mặt từ cự ly gần làm vỡ nhãn cầu. Người còn lại 53 tuổi, trong lúc chơi đá bóng bị quả bóng đập mạnh vào mắt trái. Bác sĩ Đặng Trần Đạt, Phó trưởng Khoa Đáy mắt - Màng bồ đào, người trực tiếp khám cho nạn nhân này cho biết, do chấn thương nặng cộng với việc đến BV quá muộn nên các bác sĩ đã không thể “cứu” được thị lực cho bệnh nhân, nạn nhân đã bị giảm thị lực vĩnh viễn.

Để phòng tránh những chấn thương mắt không đáng có, các bác sĩ khuyến cáo, tránh mua đồ chơi cho trẻ có những chi tiết nhọn, nhô ra hoặc có thể bắn ra được. Với người lớn, trong nhà hay khi đi chơi xa nên chuẩn bị một bộ sơ cứu y tế, trong đó nên để một chai muối rửa mắt 0,9%, ít bông băng và thuốc sát khuẩn để khi cần có thể rửa mắt và băng mắt. Khi bị tai nạn mắt, không nên ấn đè mạnh hay day rịt vết thương ở mắt, không nên cố gắng tự lấy dị vật đang ở trên mắt, không tự tra nhỏ thuốc vào mắt. Biện pháp sơ cứu hợp lý nhất là rửa mắt dưới vòi nước sạch, với vết thương có chảy máu chỉ nên băng che, vết thương có sưng nề và bầm tím có thể đắp đá hoặc nước lạnh rồi đến khám ở cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất.


Bảo vệ mắt trước các dị nguyên

Theo bác sĩ Hoàng Cương, mùa xuân có độ ẩm cao, nhiệt độ trong ngày dao động mạnh, nồng độ các dị nguyên trong không khí (phấn hoa, bụi, mốc, vi nấm) cao lên gấp bội so với các mùa khác trong năm. Do đó, vào thời gian này các bệnh nhân đến khám mắt vì viêm kết mạc dị ứng các loại, các sang chấn mắt do côn trùng cũng tăng đột biến. Thường gặp nhất là các bệnh nhân nhập viện do bị côn trùng bay vào mắt, trường hợp nhẹ thì gây xây xước cho lòng đen (giác mạc) hoặc găm vào kết mạc, giác mạc, nặng hơn một chút là các ngoại tiết của côn trùng gây sưng phù mi, kết mạc dữ dội khiến người bệnh hoảng sợ.

Bệnh viêm kết giác mạc mùa xuân phần lớn xảy ra ở nam thiếu niên, có xu hướng tái phát theo chu kỳ xuân-hè, ảnh hưởng rất lớn đến học tập của các em. Đáng chú ý, qua khai thác tiền sử bệnh nhân, đa phần các em bị bệnh viêm kết giác mạc mùa xuân có hoặc trong gia đình có biểu hiện dị ứng: chàm, hen suyễn… Triệu chứng cơ bản là ngứa, khi đó bệnh nhân càng gãi, càng day dụi thì càng thích nhưng nếu làm vậy lại gây ra loét trợt tại lòng đen của mắt. Với bệnh này, các thuốc chống viêm dạng không có steroid, thuốc ổn định dưỡng bào, nước mắt nhân tạo các loại chỉ đem lại dễ chịu cho bệnh nhân phần nào. Những cơn kịch phát chỉ chịu giảm nhanh khi gặp vũ khí mạnh - corticosteroid. Do đó, hầu hết bệnh nhân do nôn nóng đã tự ý mua “vũ khí trên” để sử dụng, thậm chí không ít bác sĩ hoặc các phòng khám tư cũng chỉ định dạng thuốc này cho bệnh nhân để cơn đau nhanh giảm.

Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Cương nhấn mạnh, việc lạm dụng cortizol để nhỏ mắt sẽ gây ra biến chứng rất nguy hiểm. Nếu dùng trong một thời gian dài sẽ dẫn đến glôcôm, loét và hoại tử giác mạc do bội nhiễm nấm - vi khuẩn - herpes, đục thể thuỷ tinh… Vì vậy, khi mắc bệnh, người bệnh nên đến khám mắt ở cơ sở chuyên khoa gần nhất. Bác sĩ Hoàng Cương cũng khuyến cáo, để chủ động bảo vệ mắt trước những dị nguyên gặp rất nhiều trong thời gian này, mọi người nên uống nhiều nước, bổ sung vitamin C thường xuyên.