Giả mạo văn bản của Văn phòng Chính phủ để lừa đảo

ANTĐ - Từng có tiền án và không công ăn việc làm, nhưng Ngụy Như Công lại tự nhận là chỗ “thân tín” của một đồng chí lãnh đạo cấp cao. Không những vậy, đối tượng còn giả mạo văn bản của Văn phòng Chính phủ để lừa đảo.

Ngụy Như Công (bên trái) cùng đồng phạm tại tòa         

Hôm qua (12-11), TAND TP Hà Nội đã đưa Ngụy Như Công  (SN 1968, trú ở phố An Dương, phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) ra xét xử sơ thẩm theo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 2, Điều 139-BLHS. Giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho đối tượng này còn có Lê Sỹ Lâm (SN 1977), trú ở phố Trần Bình, phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. Cả 2 bị cáo đều được xác định là không công ăn việc làm ổn định. Riêng Ngụy Như Công, năm 2005 đã bị TAND tỉnh Nghệ An xử phạt 24 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. 

Tài liệu truy tố của VKSND TP Hà Nội thể hiện, năm 2009, Công quen Lâm. Tháng 8-2011, tại một quán cà phê trên phố Hoàng Minh Giám, Công  cho Lâm biết trong tay anh ta đang có dự án nạo vét, kè đê sông Đáy với tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng. Nếu muốn, Công sẽ đưa công ty của Lâm và một số doanh nghiệp khác tham gia dự án với điều kiện phải chứng minh được có vốn đối ứng là 20 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia dự án phải “chung chi” 4% giá trị của tổng mức đầu tư. Nắm được thông tin, Lâm hứa sẽ tìm đối tác cho Công và tự ý nâng mức chi phí “bôi trơn” lên 4,5%. Hai đối tượng thống nhất mỗi khi “tiếp khách” Lâm sẽ gọi Công là Hải và giới thiệu với mọi người rằng Hải là chỗ “thân tín” của một đồng chí lãnh đạo cấp cao. Sau khi lên kế hoạch, Lâm tìm gặp ông Nguyễn Thanh Bình (trú ở TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) gạ gẫm tham gia dự án. Thế nhưng do doanh nghiệp này “kẹt vốn” nên đã kêu gọi thêm ông Ngô Trọng Tuất (trú ở thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) và một số người khác cùng chung vốn làm ăn. Để quy vào một mối, nhóm doanh nhân này đã dùng Công ty CP Bình Phước làm pháp nhân đưa vào hồ sơ dự thầu. Trung tuần tháng 11-2011, Công thông báo hồ sơ dự thầu của nhóm doanh nhân do Lâm “tiến cử” đã được chấp thuận. 

Để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, khi gặp Lâm vào khoảng thời gian trên, Công đã đưa hàng loạt văn bản photocopy của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có cả thông báo của Văn phòng Chính phủ chấp thuận cho UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư dự án nạo vét, kè đê sông Đáy. Chụp lại các văn bản này, Lâm vội tìm gặp ông Bình để trao đổi. Và tại một quán cà phê trên phố Tô Hiệu, ông Bình đã ứng trước cho Lâm 200 triệu đồng. Ít ngày sau, Lâm đã đưa ông Bình và ông Tuất đến gặp Công để xin các văn bản (gốc) về việc chấp thuận cho liên doanh nhà thầu tham gia dự án. Tuy nhiên, Công yêu cầu cả nhóm phải chi 20 tỷ đồng thì mới đưa. Nghi ngờ mớ tài liệu trong tay đối tác là giả mạo, ông Tuất đã đề nghị Công phải đưa ra cả quyết định phê duyệt tổng dự toán của dự án thì mới chung chi khoản phí trên. Vì đối tác không thể đưa ra được văn bản này nên ông Tuất và ông Bình ngừng giao dịch, đồng thời làm đơn tố cáo tới cơ quan công an. Và trong lúc Công đang tiếp tục chào mời một số doanh nghiệp khác tham gia dự án với thủ đoạn tương tự thì bị phát hiện, bắt giữ.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ tất cả các loại giấy tờ trong tay Ngụy Như Công đều là văn bản không phải do cơ quan Nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, do chưa làm rõ được thủ đoạn làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức nên các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tách rút tài liệu điều tra và xử lý sau. Với hành vi chiếm đoạt 200 triệu đồng của nạn nhân Nguyễn Thanh Bình, trước mắt, cả 2 bị cáo cùng bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo… Vậy nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, Công và Lâm lại đổ vấy tội lỗi cho nhau. Lâm khai, nguồn gốc các văn bản trên do Công đưa cho và đã giao toàn bộ số tiền nhận của bị hại cho đồng bọn. Ngược lại, Công quả quyết Lâm mới là kẻ chủ mưu. Anh ta chỉ biết đi “chào hàng” để hưởng lợi 500 triệu đồng, nếu vụ việc trót lọt. Đặc biệt, tại phiên tòa, ông Ngô Trọng Tuất chỉ được triệu tập với tư cách nhân chứng, song đã tố cáo trong quá trình giao dịch với Công cùng đồng phạm ông đã giao hơn 1 tỷ đồng phí “bôi trơn” cho ông Bình để ông này chuyển cho đối tác. 

Sau gần 1 ngày xét xử, HĐXX nhận thấy vụ án còn có nhiều điểm chưa được làm rõ, nhất là đối với khoản tiền nhân chứng khai, do đó đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.