Giá gas tăng gây “sốc”

ANTĐ - Chiều 2-3, Sở TT-TT Hà Nội đã họp báo về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Tuy nhiên, thông tin được quan tâm hơn cả là việc kiểm tra, kiểm soát giá gas trên địa bàn thành phố trước những biến động mạnh mẽ như 2 tháng vừa qua.

Nửa triệu đồng/bình gas, người tiêu dùng phải chịu thêm gánh nặng

Theo bà Vương Thu Hằng - Trưởng ban Giá, Sở Tài chính Hà Nội, gas là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến đời sống của người dân. “Từ đầu năm đến nay, giá gas tăng tương đối cao” - bà Hằng thừa nhận. Từ ngày 1-2, giá gas trên thị trường thế giới tăng thêm 145 USD/tấn và từ ngày 1-3, giá mặt hàng này lại tiếp tục tăng thêm180 USD/tấn nữa. Do nguồn cung gas từ Dung Quất hạn chế nên gas trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nguồn hàng nhập khẩu. Đây là mặt hàng phải đăng ký giá, những doanh nghiệp lớn đăng ký với Bộ Tài chính, doanh nghiệp và đại lý nhỏ hơn đăng ký giá bán với Sở Tài chính các địa phương.

Bà Hằng cho biết: “Tháng    2-2012, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã gửi hồ sơ đăng ký giá bán mới lên Sở Tài chính. Tuy nhiên, chúng tôi đã trả lại hồ sơ của các doanh nghiệp này bởi họ kết hợp luôn cả việc tăng giá theo giá nguyên liệu lẫn việc tăng chi phí vận chuyển và tăng hoa hồng. Thời điểm này giá xăng dầu trong nước vẫn giữ nguyên, tăng giá như vậy là không hợp lý”. Sở Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp làm lại hồ sơ, chỉ chấp thuận tăng thêm do chi phí đầu vào theo giá thế giới. “Thậm chí, chúng tôi chỉ cho phép doanh nghiệp tăng ở mức thấp hơn” - bà Hằng nói. Cụ thể, giá gas trên thị trường thế giới tháng 2 tăng thêm 16,8% so với tháng 1-2012, Sở Tài chính Hà Nội cho phép doanh nghiệp tăng thêm 10%. Đến tháng 3 này, giá gas thế giới lên mức 1.205 USD/tấn. Sau khi cộng với thuế suất và tỷ giá ngoại tệ, cơ quan quản lý ước tính mỗi kg gas tăng thêm 0,2USD. Bởi vậy, “tăng 52.000 đồng/bình 12kg là hợp lý” - bà Hằng khẳng định.

Trước thông tin cho rằng giá gas do doanh nghiệp đầu mối công bố và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng “bất nhất”, đại diện Sở Tài chính cho hay cơ quan này đã phối hợp với Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối và đại lý trên địa bàn thời gian vừa qua. Kết quả cho thấy, có 3/5 doanh nghiệp lớn được kiểm tra thực hiện đúng cam kết về giá. Hai doanh nghiệp có sai phạm. Đó là Công ty Cổ phần Kinh doanh xuất nhập khẩu khí gas hóa lỏng Vạn Lộc không bán hàng theo giá đăng ký, bị xử phạt 17 triệu đồng và Công ty THNHH Dầu khí Gia Định thay đổi giá bán từ ngày 16 đến ngày 21-1-2012 mà không đăng ký với Sở Tài chính, bị xử phạt 30 triệu đồng. “Quan điểm của chúng tôi là đơn vị phân phối gas phải chịu trách nhiệm về giá bán, bởi doanh nghiệp đăng ký giá bán với cơ quan quản lý thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về giá bán đó tới tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu đại lý bán lẻ có sai phạm chúng tôi cũng xử phạt tại chỗ” - bà Hằng thông tin.

Theo đại diện của Sở Tài chính Hà Nội, khó khăn trong công tác quản lý mặt hàng gas hiện nay không chỉ bởi mạng lưới phân phối mặt hàng này rất lớn, nhiều điểm bán lẻ mà các địa điểm bán hàng còn thay đổi, mở mới liên tục. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng khó kiểm tra mức dự trữ gas trong kho các doanh nghiệp nhập khẩu, bởi các doanh nghiệp này đều bỏ vốn tư nhân, không sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Khác với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được bình ổn giá, nếu giá thị trường có biến động thì doanh nghiệp được ưu đãi sử dụng vốn bình ổn giá vẫn phải giữ giá cho đến khi bán hết lô hàng này thì với gas, cơ quan quản lý không thể yêu cầu doanh nghiệp giữ giá bán cũ, dù hàng tồn trong kho được nhập khẩu với giá thấp.

Trước những dự báo không mấy khả quan về giá gas trên thị trường thế giới, Bộ Tài chính đang xem xét phương án giảm thuế nhập khẩu gas, nhằm giảm bớt áp lực tăng giá trong nước. Mức thuế hiện được áp dụng là 5%. Đại diện Sở Tài chính cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần có kế hoạch sử dụng gas tiết kiệm, hiệu quả để đối phó với tình trạng này.