Ghi nhớ điểm tốt của người khác

ANTD.VN - Trong buổi họp phụ huynh của lớp 3, lấy ví dụ về việc phối hợp dạy và giáo dục con trẻ, thầy giáo Louis viết lên bảng 4 phép tính: 2+2=4; 4+4=8; 8+8=16; 9+9=20. 

Thầy giáo vừa viết xong thì các phụ huynh ở dưới đều nhao nhao lên nói: “Thầy giáo viết sai phép tính cuối cùng rồi”, có người còn lầm bầm: “Thầy giáo mà còn viết sai thế kia sao?”.

Thầy Louis mỉm cười nhẹ nhàng đáp: “Các vị phụ huynh đều nhìn thấy rất rõ phép tính cuối tôi viết sai đúng không? Đúng là tôi viết sai phép tính cuối cùng, nhưng tôi đã viết đúng ba phép tính đầu tiên, sao không ai khen tôi mà chỉ nói về phép tính cuối bị sai vậy?”. Cả phòng họp bỗng chốc im lặng, lời nói của thầy Louis làm tất cả phụ huynh trong phòng đều phải suy nghĩ.

Ngừng lại một lát, thầy Louis nhẹ nhàng nói tiếp: “Thưa các vị phụ huynh, đây chính là vấn đề mà tôi muốn nói đến. Khi giáo dục con trẻ, điều quan trọng không phải ở chỗ chúng ta phát hiện ra bao nhiêu lỗi sai ở trẻ mà là ở việc chúng ta đã dành bao nhiêu lời khen ngợi mỗi khi trẻ làm đúng. Một đứa trẻ, nếu mỗi ngày các vị đều cho chúng một viên kẹo thì chúng sẽ rất ngoan ngoãn, cho đến một ngày bạn không cho  thì trẻ sẽ khóc lóc và căm ghét các vị bởi trẻ sẽ không hề nhớ những ngày được cho kẹo mà chỉ nhớ những ngày không được cho. Đó là kết quả của việc giáo dục con trẻ không biết cách nhận ra và ghi nhớ những điều tốt của người khác”.

Các vị phụ huynh đều gật đầu đồng ý với những điều thầy Louis nói, họ đã hiểu ra điều thầy muốn truyền đạt. Thầy Louis mỉm cười kết luận: “Hãy dạy trẻ biết quý trọng những điều tốt ở người khác, ghi dấu những điểm tốt và biết bỏ qua những điểm xấu ít ỏi ở họ, đừng ghi nhớ chúng trong lòng để rồi vô tình làm tổn thương người khác chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt. Các vị phụ huynh sẽ là tấm gương sáng rõ nhất để con trẻ noi theo bằng những hành động của chúng ta, biết khen con trẻ khi chúng làm đúng nhiều hơn là chỉ nhìn vào những lỗi sai”.