Ghé vai “gánh” quá tải

ANTĐ - Liên tiếp trong thời gian gần đây, ngành y tế đã đưa ra một loạt giải pháp mặc dù vẫn mang tính chất “chữa cháy” cho tình trạng quá tải bệnh viện. Chẳng hạn như quy định chuyển viện những trường hợp bệnh nhân không cần thiết phải điều trị ở tuyến trên hoặc khống chế tình trạng bệnh nhân “vượt tuyến”, quy định một số bệnh có thể điều trị tốt ở tuyến bệnh viện cấp huyện, cấp cơ sở. Còn một giải pháp căn cơ và lâu dài là khuyến khích đầu tư xây dựng bệnh viện tư.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 30.000 người Việt Nam tự bỏ tiền túi sang Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Mỹ chữa bệnh với số tiền ước tính lên tới 1 tỷ USD. Có một thực tế là chất lượng dịch vụ y tế, điều kiện trang thiết bị máy móc hiện đại và một phần thái độ phục vụ người bệnh của những bệnh viện nước ngoài có sức hấp dẫn mạnh mẽ, thậm chí khiến người ta ngộ nhận đến mức coi thường trình độ tay nghề của các bác sĩ Việt Nam.

Hiện tượng này cũng gần giống như tình trạng bệnh viện tuyến dưới không đủ tin cậy về chất lượng và uy tín để giữ chân người bệnh. Họ thường “mê tín” các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP.HCM. Mô hình xã hội hóa ngành y tế, cụ thể là sự ra đời một số bệnh viện tư, đặc biệt là bệnh viện quốc tế ở Hà Nội và TP.HCM thực sự là một lối thoát lâu dài cho tình trạng quá tải bệnh viện. Hơn thế, với những bệnh viện tư tiêu chuẩn quốc tế, với những trang thiết bị y tế không thua kém các nước có chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh uy tín, nhất là những bác sĩ đầu ngành có tiếng, nhiều người bệnh có nguồn tài chính dư thừa đã lựa chọn địa chỉ tin cậy, thay vì phải “lặn lội” sang nước ngoài mà không ít trường hợp “tiền mất, tật mang”.

Ở TP.HCM hiện có 101 bệnh viện, trong đó có 34 bệnh viện do tư nhân làm chủ. Mới đây, bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa đi vào hoạt động, là bệnh viện tư nhân lớn nhất thành phố, tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, có khả năng phục vụ 2.000 bệnh nhân/ngày. Trước đó là bệnh viện Quốc tế FV được đầu tư hơn 60 triệu USD, có thể tiếp nhận một năm 230.000 bệnh nhân. Gần đây nhất, tại Hà Nội đã ra đời bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng theo mô hình bệnh viện khách sạn với hơn 600 phòng bệnh đạt chuẩn quốc tế.

Theo dự báo của các chuyên gia đầu tư vào lĩnh vực y tế, Singapore là thị trường bệnh viện cao cấp đứng đầu khu vực đang có dấu hiệu bão hòa đến mức quá tải. Vì thế dự báo các nhà đầu tư sẽ đổ vốn vào xây dựng bệnh viện ở Việt Nam với tiềm năng hơn 86 triệu dân. Một số tập đoàn y tế hùng hậu của Đức, Singapore đã “ấp ủ” một số dự án bệnh viện quốc tế ở Hà Nội, TP.HCM. Đón bắt cơ hội này, chủ trương xã hội hóa y tế, kêu gọi đầu tư vào dịch vụ khám chữa bệnh của Việt Nam cần phải đi trước một bước, tháo gỡ những rào cản về thuế nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại, thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư vào y tế. Nên nhớ đầu tư vào bệnh viện đòi hỏi nguồn vốn hàng chục triệu USD và phải ổn định để tái đầu tư trong quá trình vận hành. Đặc biệt là, thời gian hoàn vốn và sinh lời thường phải mất 4-5 năm.

Đến nay cả nước mới có 133 bệnh viện ngoài công lập, chưa thể nói lên sức hấp dẫn của mô hình bệnh viện tư nhân cao cấp. Dẫu vậy nó cũng “ghé vai” gánh đỡ một phần sức nặng quá tải trên vai bệnh viện công. Đã từng thoải mái, dễ dãi cho đầu tư sân golf, resort, khách sạn, chẳng lẽ lại chặt chẽ trong đầu tư xây dựng bệnh viện tư.