Gặp người chỉ huy trận đánh cửa ngõ Sài Gòn

ANTĐ - "Khi đó không có thời gian để mà nghĩ nữa, chỉ biết một là chết hai là sống..." thiếu tá Chu Văn Lan nguyên chính trị viên phó Đại đội 5 nhớ lại thời khắc xung trận Xuân Lộc.
Sau 38 năm, tôi tìm gặp thiếu tá Chu Văn Lan người chỉ huy trận đánh để hiểu thêm về chiến dịch Xuân Lộc - nơi được coi là " 1 trong 3 " tuyến phòng ngự cuối của của Mỹ - Ngụy để bảo vệ Sài Gòn.

Ở cái tuổi 63, thiếu tá Chu Văn Lan, nguyên là chính trị viên Phó, Đại đội 5 (Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, còn gọi là Sư đoàn Sông Lam, thành lập 23-11-1972 tại huyện Nam Đàn - Nghệ An) vẫn nhớ như in cái ngày cùng đồng đội được lệnh đánh trận mở màn vào Xuân Lộc, 9-4-1975. 

Gặp người chỉ huy trận đánh cửa ngõ Sài Gòn ảnh 1
Thiếu tá Chu Văn Lan kể lại trận đánh mở cửa Xuân Lộc tháng 4-1975


Xuân Lộc (Đồng Nai) được địch coi là 1 trong 3 tuyến phòng ngự cuối của của Mỹ - Ngụy để bảo vệ Sài Gòn (cùng với Phan Rang và Tây Ninh). Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Để giữ cánh cửa Xuân Lộc, địch đã huy động lực lượng rất đông gồm: Sư đoàn 18 bộ binh tinh nhuệ của địch do tướng Ngụy, Lê Minh Đạo chỉ huy; lữ đoàn 3 dù và các trung đoàn pháo binh. Hai tiền đồn quan trọng là Núi Thị và Tân Phong với nhiều boong-ke, lô cốt, hầm ngầm. Với tất cả khoảng 12.000 quân.

Xác định trận chiến Xuân Lộc là trận chiến vô cùng quan trọng, mở màn cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Đại đội 5 gồm 108 cán bộ chiến sỹ nhận được nhiệm vụ đánh vào phía Bắc thị xã Xuân Lộc, mở màn cho quân ta tiến lên. 

4h sáng 9-4 ta tiếp cận trận địa. Đến 5h40 pháo cối cấp tập trút vào trận địa của địch. Đúng 6h đơn vị quyết định mở cửa bằng bộc phá vào hàng rào của địch. Nhớ lại giây phút phá hàng rào của địch, ông Lan cho biết: "Nguy hiểm nhất là lúc này. Vì lúc mở cửa tức là lúc buộc phải lộ ý định cho địch biết mình sẽ tấn công vào hướng nào, đương nhiên địch sẽ tập trung hỏa lực để đánh trả".

Địch phản công quyết liệt, quân ta vẫn án ngữ và tiếp tục xông lên. Lần lượt 3 cán bộ chỉ huy của Đại đội 5 bị thương và hi sinh trong trận chiến. Lúc này ông Lan là người được nhận nhiệm vụ sau cùng để tiếp tục chỉ huy đại đội tổ chức xung phong.

Gặp người chỉ huy trận đánh cửa ngõ Sài Gòn ảnh 2
Thiếu tá Chu Văn Lan (thứ 2 bên phải sang)


"Tôi lập tức xốc lại đội hình nhưng cũng không kịp điểm danh xem còn bao nhiêu người. Khi đó có 2 khẩu đại liên của Đại đội, tôi lập tức ra lệnh xác định mục tiêu, khóa tầm - khóa hướng, rồi bắn thật rát cho quân ta xung phong. Tôi chỉ nhớ lúc đó tôi hô rất to tất cả anh em xung phong theo tôi...".

Do quãng đường quân ta xung phong tiếp cận trận địa của địch dài, trong khí đó phía trước địch lại lợi dụng một trường học bỏ hoang để tạo ra lô cốt ẩn nấp rồi nhả đạn về phía quân ta. Anh em ai cũng xác định chắc khó tiếp cận được tới khu trường học này vì sẽ bị địch bắn chết hết. Nhưng với sự yểm trợ đắc lực của 2 khẩu đại liên đó mà địch đã hoảng sợ rút khỏi trường học này. "Tôi chạy trước tiên và tiếp cận tới trường học, lúc chạm tay được tới bờ tường thì biết mình sẽ sống vì có điểm tựa để ấn nấp. Vội nhìn qua khe tường thì thấy quân địch đã bỏ chạy hết. Tôi tiếp tục hô: anh em xông lên địch bỏ chạy rồi...", ông Lan nhớ lại.

Đại đội chiếm được trường học thì tiếp tục tiến về phía trước, lúc này có một ngôi nhà kiên cố khóa cổng, ông Lan lao lên hô to "ai trong nhà thì ra". Không thấy ai trả lời, ông Lan tháo chột quả lựu đạn ném qua lỗ hổng vào phía trong. Sau tiếng nổ đinh tai, lập tức ở trong khu nhà này gần chục tên địch giơ tay xin đầu hàng, chạy ào ra ngoài.

Rồi lại tiếp tục những tình huống chiến đấu khác. Đánh dai dẳng đến 18h chiều cùng ngày, dù chiếm được trận địa song lúc này bên cạnh ông Lan chỉ còn 7 người, tất cả đều bị thương. Ông Lan lệnh cho mọi người rút ra khỏi trận địa vì không còn sức để đánh nữa. Đến khoảng 19h30 ông Lan cùng 6 đồng đội rút ra đến sở chỉ huy tiểu đoàn ở phía sau để báo cáo tình hình, thì gặp thêm 2 người khác, còn cả đơn vị đã hy sinh và thất lạc hết. Sau đó đại đội 5 đã nhường lại trận địa cho các đơn vị khác. 

Gặp người chỉ huy trận đánh cửa ngõ Sài Gòn ảnh 3


Cuộc chiến Xuân Lộc tiếp tục được quân ta duy trì thêm 11 ngày cho đến ngày 21-4 thì quân ta đã cắm cờ được trên dinh tỉnh trưởng. Cuộc chiến Xuân Lộc toàn thắng, thế chân kiềng của địch bị phá vỡ mở đường thuận lợi cho đại quân thằng tiến về Sài Gòn.

Ông Lan cho biết: "Trận Xuân Lộc chính là trận chiến mang tính quyết định để giải phóng Sài Gòn. Thắng Xuân Lộc là quân ta nắm được một phần thắng quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh..."

Hoàn thành nhiệm vụ đánh trận Xuân Lộc, chính trị viên Phó Chu Văn Lan cũng bị thương ở chân nhưng được sự động viên của đồng đội nên ông Lan quyết định ở lại ngay tại đơn vị để điều trị mà không tới bệnh viện. Lúc này Chu Văn Lan giữ chức chính trị viên đại đội 5. Đơn vị tiếp tục bổ sung thêm một trung đội hoàn chỉnh với khoảng 80 người. Ổn định tổ chức xong, ngày 26-4 dưới sự chỉ huy của chính trị viên Chu Văn Lan đơn vị lại tiếp tục được đánh trận Trảng Bom cũng với nhiệm vụ mở màn. Đêm hôm đó đơn vị tổ chức đánh chiếm trận địa của địch. Trinh sát của ta lúc này báo về trận địa có nhiều hàng rào, còn địch co cụm ở phía trong. 

Ông Lan nhớ lại " Trận Trảng Bom cũng ác liệt không kém trận Xuân Lộc. Không còn cách nào khác tôi ra lệnh đạp đổ hàng rào rồi cho người lính nằm lên để đồng đội vượt qua hàng rào. Vượt qua hàng rào dây thép gai quân ta gặp phải phản kháng mạnh mẽ của địch. May mắn là quân ta dựa vào một bãi tha ma để ẩn nấp rồi lần lượt hạ địch ở các căn cứ".

Đến 8h30 ngày 27-4 quân ta chiếm xong căn cứ của địch ở Trảng Bom thu được nhiều vũ khí của địch trong đó thu được 4 khẩu pháo 105. Đơn vị hi sinh mất 7 người.

Cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ đánh Trảng Bom, chính trị viên Chu Văn Lan cùng đơn vị tiến công thần tốc về Sài Gòn, trên đường còn đánh thêm trận tại Hố Nai (Biên Hòa, Đồng Nai). 

"Khi đó ai cũng đua nhau làm sao để tiến về Sài Gòn càng sớm càng tốt. Tôi cùng đơn vị vào tới dinh Độc lập thì chậm hơn Quân đoàn 2 chừng 1 giờ đồng hồ. Khi đó tất cả được quây quần bên nhau ở dinh Độc lập ai cũng rưng rưng nước mắt nói không nên lời...", ông Lan nhớ lại.

Thiếu tá Chu Văn Lan sinh năm 1950, quê ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Năm 1968 chàng thanh niên Lan vừa tròn 18 tuổi thì lên đường nhập ngũ vào chiến trường Quảng Bình. Ở mảnh đất Quảng Bình 5 năm, thì được cử đi học sỹ quan lục quân 1 ở Sơn Tây. Tháng 2 - 1975 được điều về Sư đoàn 341 (thuộc quân khu 4). Tháng 4-1975 là chính trị viên Phó của Đại đội 5 (thuộc Sư đoàn 341) trực tiếp đánh trận mở màn vào Xuân Lộc. Ngày 26-4-1975 Chu Văn Lan được phong lên chính trị viên của Đại đội 5 tiếp tục đánh trận Trảng Bom. Giải phóng Sài Gòn, tháng 7-1977 Chu Văn Lan lại tiếp tục lên đường tham gia chiến trường Campuchia. Năm 1980 Chu Văn Lan xuất ngũ với hàm thiếu tá, thương binh hạng 3/4. Ông Chu Văn Lan lập gia đình năm 1971, có 3 người con. Hiện nhà riêng của ông ở phường Cửa Nam, thành phố Vinh (Nghệ An).