“Gánh nặng” Eurozone

ANTĐ - Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trở thành một “gánh nặng” níu kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu do vấp phải trở ngại về cải cách, tăng trưởng kinh tế…

“Gánh nặng” Eurozone ảnh 1Giảm tỷ lệ người thất nghiệp trên 11% hiện nay là một thách thức lớn với Eurozone 

Trong cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin, các nhà lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã thúc giục Eurozone cần đẩy mạnh cải cách. Lãnh đạo các tổ chức tài chính và kinh tế hàng đầu toàn cầu này cho rằng, mặc dù Eurozone đã có cố gắng để tạo thêm việc làm, cũng như cải thiện được vấn đề ngân sách song cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải cách. Bên cạnh đó, Eurozone cũng cần giải quyết một số vấn đề đang nổi lên như tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên, việc tái cơ cấu nền kinh tế và liên kết khu vực. 

Sự thúc giục trên được đưa ra kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ công tới nay, Eurozone luôn là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất toàn cầu, dù đều là những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Giá xăng dầu giảm mạnh từ giữa năm 2014 tạo điều kiện cho tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn song Eurozone dường như vẫn chưa thể nắm bắt được cơ hội này.

Theo dự báo mới nhất về triển vọng kinh tế Eurozone, Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực lên 1,3% năm 2015 thay vì 1,1% như dự báo trước và đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2007, Eurozone có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn còn thấp xa so với tốc độ tăng trưởng bình quân 3-3,5% của kinh tế toàn cầu. 

Như vậy, tăng trưởng chậm chạp của kinh tế Eurozone sẽ tiếp tục kéo lùi tăng trưởng chung toàn cầu. Nói như Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel, lần đầu tiên trong nhiều năm, kinh tế thế giới đã có những tín hiệu tích cực, song điều đáng lo ngại hiện nay là tăng trưởng của các nước phát triển như Eurozone có xu hướng chậm lại. 

Nền kinh tế Eurozone vẫn chưa thể bứt lên chủ yếu do còn phải chịu hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ chưa từng thấy. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực này lại bất đồng với nhau về cách thức và mức độ cải cách để sớm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, mà điển hình là trường hợp của Hy Lạp.

Là một trong những quốc gia bị khủng hoảng nợ công nghiêm trọng nhất trong Eurozone với tổng số nợ lên tới 320 tỷ euro, tương đương 175% GDP, Hy Lạp năm 2010 phải chấp nhận khoản vay trị giá 240 tỷ euro của “bộ ba” chủ nợ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và IMF với điều kiện phải chấp nhận “những cải cách đau đớn”. Tuy nhiên, sau khi thắng cử cuối năm 2014, Chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố phải thương thảo lại, chứ không chấp nhận tiếp tục cải cách theo hướng thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” như yêu cầu của “bộ ba” chủ nợ.

Còn “vướng víu” với các lực cản tăng trưởng thấp, nợ công cao, tranh cãi cải cách… Eurozone sẽ còn là “gánh nặng” với tăng trưởng toàn cầu.