Gắn kết tác thành
(ANTĐ) - Tuần này, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã khẳng định nhân tố gắn kết vì hòa bình, ổn định và phát triển không chỉ trong phạm vi khu vực mà lan tỏa cả châu Á, thậm chí kết nối châu Á với các khu vực khác của thế giới.
Dường như chưa bao giờ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc liên kết châu Á với thế giới lại nổi bật như trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan vừa diễn ra thành công tại Hà Nội. ASEAN hoan nghênh Mỹ và Nga bày tỏ quyết tâm tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS); hoan nghênh Canada và Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và tạo điều kiện để Liên minh châu Âu (EU) liên kết chặt chẽ hơn với châu Á.
Như phân tích của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thì: “Giá trị của Hiệp ước TAC đã được nâng lên hơn nữa thông qua việc Canada và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia TAC và Nghị định thư thứ 3 sửa đổi Hiệp ước được ký kết để tạo điều kiện EU/EC có thể tham gia vào TAC trong một tương lai gần”. Như vậy, các quyết định trên cho thấy rất rõ phạm vi ảnh hưởng của ASEAN đang lan rộng ra các khu vực khác trên thế giới, từ Bắc Mỹ (trong đó có Mỹ và Canada) đến châu Âu (gồm các nước trong EU), sang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn thế, vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được công nhận, đặc biệt là từ phía Mỹ. Chuyên gia Ernest Bower - người chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (CSIS) tại Washington thừa nhận rằng: “ASEAN là một trung tâm năng động cho một châu Á mới và Mỹ sẽ đạt được nhiều lợi ích khi có mối quan hệ chặt chẽ với ASEAN”.
Diễn đàn An ninh Khu vực ARF - Diễn đàn chủ chốt về đối thoại và hợp tác chính trị và an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng đạt được kết quả rất khích lệ. Một là ASEAN cũng như các bên đối tác, đối thoại đã “Nhất trí thúc đẩy hơn nữa Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân nhằm bảo đảm khu vực chúng ta hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân, đồng thời đóng góp vào các nỗ lực chung toàn cầu về không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân” (Trích lời của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm). Hai là, ASEAN cũng như các bên đối tác, đối thoại cùng khẳng định lại cam kết về duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, nhất trí tôn trọng và thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Phải nhấn mạnh rằng, đây không phải là lần đầu tiên ASEAN chứng tỏ vai trò tác nhân gắn kết các khu vực địa lý khác nhau. Chính ASEAN là sáng lập viên của nhiều cơ cấu khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cơ chế “ASEAN+3” và là động lực thúc đẩy việc thành lập Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á - EAS.
Tuy nhiên dù là cơ chế đối thoại nào, diễn đàn quy mô nào đi chăng nữa thì nỗ lực đàm phán ngoại giao, chủ trương phản đối sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực của bất cứ bên nào, vẫn là đáp án xuyên suốt cho việc giải quyết những tranh chấp, điểm nóng. Có như vậy, nhân tố gắn kết vì hòa bình, ổn định và phát triển mới phát huy tác dụng.
Tô Trung Phan