Gần 40% dân số chưa mặn mà với BHYT

ANTĐ - Tính đến thời điểm này, 3 năm sau khi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đi vào đời sống, đã có 63% dân số tham gia BHYT. Đây có thể xem là một con số ấn tượng, tuy nhiên xét về bản chất, phần lớn trong số 63% này là nhóm đối tượng tham gia bắt buộc, còn số người tự nguyện vẫn còn nhiều hạn chế.

Không biết mua BHYT ở đâu?

Công tác tuyên truyền chưa tốt nên nhận thức của người dân về BHYT còn nhiều hạn chế

Sau 3 năm triển khai Luật BHYT, hàng loạt các giải pháp, nhiều ban, ngành cũng như hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư để phát triển đối tượng tham gia BHYT, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người tham gia BHYT.

Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ BHYT đã tăng nhanh chóng, từ 58% năm 2009 lên 60% năm 2010 và 63,7% năm 2011. Nguồn thu từ BHYT cũng không ngừng tăng lên, từ lúc còn âm quỹ năm 2009 đã tiến đến cân đối thu chi và có kết dư, điển hình như năm 2011 số thu quỹ BHYT ước đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2010.

Tuy vậy, những thành tựu này vẫn không phủ nhận thực tế rằng, tỷ lệ bao phủ BHYT còn thấp, tính tuân thủ pháp luật về BHYT chưa cao và nhận thức của người dân về BHYT vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Trong một buổi sơ kết về BHYT mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, dù Luật BHYT đã có từ 3 năm nay nhưng hiện vẫn còn nhiều người dân, nhiều hộ nông - lâm - ngư nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ làm nghề tự do… không biết mua thẻ BHYT ở đâu, thủ tục tham gia như thế nào, phí ra sao hay người tham gia có trách nhiệm, nghĩa vụ gì và quyền lợi được hưởng như thế nào?

Cũng bởi vậy, ngoài các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, những đối tượng được nhà nước hỗ trợ toàn phần phí tham gia và những đối tượng mắc bệnh mãn tính, bệnh nguy kịch thường xuyên phải nhập viện… thì những đối tượng còn lại không mặn mà với chính sách này. 

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Trong khi nhiều người, nhiều hộ cá thể muốn tham gia BHYT mà không biết thủ tục thế nào, mua BHYT ở đâu thì ngược lại, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHYT còn cao, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Thậm chí có cả những cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cũng trốn đóng BHYT cho viên chức, người lao động.

Luật vừa ban hành đã phải sửa

Hiện nay, Bộ Y tế đang trình Nghị quyết về tăng cường công tác BHXH, BHYT, xây dựng đề án lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, trình Chính phủ trong quý III năm nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, khi mà bản thân những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện BHYT hiện nay vẫn chưa được phân tích thấu đáo, chưa được khắc phục thì lộ trình thực hiện BHYT toàn dân sẽ không dễ dàng.

Ông Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, tuy đạt được nhiều kết quả trong 3 năm thực hiện Luật BHYT nhưng điều cốt yếu là ý thức tự giác tham gia BHYT của người dân chưa cao, nhiều quy định về điều kiện tham gia BHYT tự nguyện hay một số nội dung hướng dẫn thực hiện BHYT chưa phù hợp với thực tiễn, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT đã xảy ra và ngày càng trầm trọng…

Theo ông Hồng, để khắc phục cần sớm sửa đổi Luật BHYT, cụ thể phải tập trung vào các nội dung như quy định về mức hưởng BHYT phù hợp với mức đóng, tăng mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước đối với một số nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, người lao động thuộc hộ gia đình nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình…

Mặt khác, phải nghiên cứu rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc BHYT phù hợp với tình hình thực tế của nước ta và khả năng thanh toán của quỹ BHYT, xây dựng và ban hành các quy trình chuyên môn, phác đồ chẩn đoán và điều trị chuẩn nhằm kiểm soát chi phí, hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ ở các cơ sở khám chữa bệnh… 

Thực hiện bằng được BHYT toàn dân

Ngày 29-6, tại lễ mít-tinh nhân Ngày BHYT Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT, khuyến khích mọi người dân tham gia BHYT và có lộ trình phù hợp, khả thi để thực hiện bằng được BHYT toàn dân, đặc biệt cần khuyến khích người có thu nhập trung bình và dưới trung bình tham gia BHYT. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thiện mạng lưới khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến trung ương để có thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh BHYT ngày càng tăng của nhân dân, gắn với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.