Gạc Ma (Trường Sa): Nỗi đau ngày ấy - bây giờ!

ANTĐ - Với mưu đồ độc chiếm biển Đông, đầu năm 1988, Trung Quốc đã thực hiện bước đi tiếp theo, cho quân đánh chiếm các bãi đá, sát hại 64 chiến sĩ của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa. 

Đã tròn 27 năm kể từ ngày đau thương ấy, ngày 14/3/1988 – 14/3/2015, trong mỗi trái tim của người Việt Nam, nỗi đau sự kiện ngày 14/3/1988 vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. Đó là nỗi đau của những người tiếc thương đồng chí, đồng đội; nỗi đau của thân nhân 64 gia đình cán bộ, chiến sĩ; nỗi thương xót của hàng chục triệu trái tim Việt Nam trước sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi biển cả để bảo vệ Tổ quốc. Và hơn tất cả là nỗi đau một phần máu thịt của Tổ quốc, nơi Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

Chúng ta đều đã biết, với mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hai lần vào năm 1956 và năm 1974, chiếm giữ trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ đó đến nay. 

Gạc Ma (Trường Sa): Nỗi đau ngày ấy - bây giờ! ảnh 1

Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125

Còn ở quần đảo Trường Sa, đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép các đảo: Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Gia Ven và Xu Bi, quân Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Ngay từ đầu tháng 3/1988, hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động thường xuyên ở đây có từ 9 đến 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 1 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 đổ bộ, tàu hỗ trợ gồm 3 chiếc: tàu vận tải ESM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 bông tông lớn. 

Trước tình hình đó, ngày 4/3/1988, hải quân ta xác định, Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và khu vực kinh tuyến 115 độ kinh đông, trong đó, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu Trung Quốc chiếm giữ, sẽ khống chế đường tiếp tế qua lại của ta cho các đảo mà ta đang chiếm giữ. Vì vậy ta phải quyết tâm đưa bộ đội đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. 

Gạc Ma (Trường Sa): Nỗi đau ngày ấy - bây giờ! ảnh 2Tàu HQ 505 sau trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 (ảnh tư liệu)

Triển khai chủ trương này, ngày 12/3/1988, tàu 605, lữ đoàn 125 do đại úy Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Vượt sóng to, gió lớn, tàu 605 đến đảo Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo lúc 5 giờ ngày 14/3/1988, khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo. 

Tiếp đó, 9 giờ ngày 13/3/1988, tàu HQ 604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ 505 do đại úy Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về đảo Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với 2 tàu 604 và 505 có 2 phân đội công binh 70 người thuộc trung đoàn 83; 4 tổ chiến đấu 22 người thuộc lữ đoàn 146 do trung tá Trần Đức Thông, phó lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ. 

Sau khi 2 tàu của ta thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Trung Quốc từ Huy Gơ tiến về phía Gạc Ma. Tàu Trung Quốc áp sát tàu 604 của ta, dùng loa gọi sang khiêu khích, thay nhau cơ động, chạy quanh đảo Gạc Ma, uy hiếp ta. Cán bộ chiến sĩ 2 tàu 604 và 505 động viên nhau, giữ vững quyết tâm, không để mắc mưu, kiên trì neo giữ quanh đảo. Lúc này, tàu Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ tên lửa, trang bị pháo 100 ly đến khu vực đảo Gạc Ma.

Gạc Ma (Trường Sa): Nỗi đau ngày ấy - bây giờ! ảnh 3

Tàu HQ 931 đưa các thương binh và chiến sĩ trong trận Gạc Ma về đất liền

6 giờ sáng ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma tiến vào giật cờ của ta đang tung bay trên đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giành lại cờ. Lính Trung Quốc đã nổ súng bắn vào bộ đội ta làm thiếu úy Trần Văn Phương hi sinh, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị thương. Mặc dù bị đối phương uy hiếp và nổ súng tấn công nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Không ép được bộ đội ta rút khỏi đảo, 7 giờ 30 phút sáng ngày 14/3, hai tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly, gây hỏng nặng tàu 604 của ta, rồi bất ngờ cho quân xông về phía tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146 Trần Đức Thông và một số cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hi sinh cùng con tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma.

Tại đảo Cô Lin, 6 giờ ngày 14/3/1988, tàu HQ 505 đã cắm 2 lá cờ Tổ quốc lên đảo, khi tàu HQ 604 của ta bị chìm, thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ủi bãi. Phát hiện ta cơ động lên bãi, hai tàu Trung Quốc quay sang tiến công tàu HQ 505. Bất chấp hiểm nguy, tàu HQ chạy hết tốc độ, trườn lên được 2/3 thân tàu thì bị bốc cháy. 

Gạc Ma (Trường Sa): Nỗi đau ngày ấy - bây giờ! ảnh 4

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (đeo quân hàm) và tập thể tàu HQ-505 anh hùng. Ảnh: Nguyễn Viết Thái

8 giờ 15 phút ngày 14/3, bộ đội trên tàu HQ 505 vừa tiến hành dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ chiến sĩ của tàu HQ 604 vừa bị quân Trung Quốc đánh chìm. Cán bộ chiến sĩ tàu HQ 505 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước trên đảo Cô Lin.

Ở hướng đảo Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3, tàu Trung Quốc bắn chìm tàu HQ 605 của ta. Cán bộ chiến sĩ của tàu HQ 605 phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn, đến 6 giờ ngày 15/3, các anh mới đến đảo. 

Đại tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu 505 hiện đang nghỉ hưu ở khu Lũng Bắc, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP. Hải Phòng nhớ lại: “5 giờ sáng ngày 14/3, nhìn sang bên đảo Gạc Ma thấy hai tàu chiến của đối phương ở phía Nam, những ngọn lửa lóe lên từ những nòng súng của đối phương, 10 phút sau thì thấy tàu HQ 604 bị chìm. Trung Quốc cho hai tàu chiến, tập trung toàn bộ hỏa lực để bắn sang tàu HQ 505 của chúng tôi. Tôi đã cho dùng một máy tiến, một máy lùi để thay cho lái. Dùng hết công suất của hai máy để lao tàu lên bãi cạn”.

PGS-TS-NGND-Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, ông đã từng du học ở Trung Quốc 5 năm, từ năm 1957-1962 và học quân sự ở Nga vào những năm 1973-1977; 1980-1982 nhấn mạnh, sự kiện 14/3/1988 không phải là một cuộc hải chiến mà thực chất là hải quân Trung Quốc thảm sát hải quân Việt Nam. “Cuộc đụng độ Gạc Ma có thể nói là cuộc thảm sát hải quân Việt Nam của hải quân Trung Quốc. Vì chưa hề có đọ súng giữa hải quân Việt Nam và hải quân Trung Quốc; chưa hề có một tàu chiến nào của Việt Nam ở vùng biển Gạc Ma. Lính Trung Quốc manh động, ỷ thế đông và mạnh, thảm sát 64 cán bộ chiến sĩ của hải quân Việt Nam. Thực tế, không có một trận hải chiến nào giữa hải quân Việt Nam và hải quân Trung Quốc trong tháng 3/1988. Đấy là sự việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm các rạn san hô của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa”.

Như vậy, trong các bước đi với tham vọng độc chiếm biển Đông, đầu năm 1988, Trung Quốc đã xâm chiếm lần lượt các bãi đá: Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Gia Ven, Xu Bi, sát hại 64 cán bộ chiến sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại các điểm đảo và chiếm đóng trái phép đến ngày nay. 

Nỗi đau 14/3/1988 với mỗi người Việt Nam, chưa bao giờ nguôi ngoai!

Gạc Ma (Trường Sa): Nỗi đau ngày ấy - bây giờ! ảnh 5

Hình ảnh Trung Quốc cải tạo trái phép đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Nỗi đau cũ vẫn còn đó, nỗi đau mới lại tiếp diễn. Trung Quốc đang tập trung xây dựng các điểm đảo đã đánh chiếm từ năm 1988 của Việt Nam thành những căn cứ quân sự quy mô lớn với mưu đồ nguy hiểm. Đánh chiếm bằng vũ lực rồi xây dựng thành những căn cứ quân sự, thế nhưng ông Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn ngang ngược: “Chúng tôi không giống như một số quốc gia khác đã xây dựng trái phép trong nhà của người khác và chúng tôi không chấp nhận lời chỉ trích từ người khác khi mà chúng tôi chỉ xây dựng các cơ sở trên sân riêng của chúng tôi”. 

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và ở Trường Sa đầu năm 1988, đặc biệt là sự kiện ngày 14/3/1988 là hành động xâm lược lãnh thổ Việt Nam. Dùng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ là hành động xâm lược bị luật pháp quốc tế hiện đại nghiêm cấm tại Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của quốc gia khác là Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục vi phạm điều khoản này của Hiến chương. 

Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế để thực hiện những việc vừa nêu phục vụ cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình. “Việc Trung Quốc tiến hành những động thái nâng cấp để xây dựng đảo chìm thành đảo nổi, không phải việc bây giờ họ mới làm, họ làm từ lâu rồi, từ sau khi họ chiếm được, thì đó là hành động nằm trong chiến lược của cuộc xâm lược mềm của Trung Quốc mà sự tính toán của họ là sử dụng tất cả các mũi công thủ. Đặc biệt Trung Quốc đang xây dựng sân bay, quân cảng, khu hậu cần lớn trên đảo Gạc Ma là một tính toán, bước thực hiện cực kỳ nham hiểm”.

Từ đảo Hải Nam xuống quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã vươn cánh tay tham lam của mình xuống phía Nam của biển Đông thêm 150 hải lý. Từ Hoàng Sa xuống đến các căn cứ đang xây dựng ở bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã muốn dùng sức mạnh quân sự để khống chế toàn bộ biển Đông, bao gồm cả tự do hàng không và hàng hải. Đó là những toan tính nguy hiểm, gây ra bất ổn trong khu vực và đe dọa hòa bình thế giới.