Ép quá sức chịu đựng

ANTĐ - Cuộc hội thảo “Hướng tiếp cận mới trong công tác lập quy hoạch và quản lý đô thị” vừa diễn ra tại Hà Nội, không biết là cuộc hội thảo lần thứ bao nhiêu về đô thị ở nước ta. Vậy mà hàng loạt bất cập vẫn đang ngổn ngang, bề bộn và rối rắm trong quá trình đô thị hóa. Nhiều đô thị phát triển thiếu quy hoạch, tự phát, không tuân thủ, thậm chí quy hoạch “phá” nhau. Không ít đô thị thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tính kết nối rời rạc, lỏng lẻo.

Ngân hàng Thế giới nhận xét, hệ thống quy hoạch đô thị của Việt Nam manh mún, dựa trên thông số lạc hậu, không có sự điều phối hài hòa giữa các cơ quan có thẩm quyền về chức năng và không gian phát triển đô thị. Chính quyền chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát việc tăng dân số cơ học ở đô thị lõi, đô thị trung tâm, nhất là xu hướng “đô thị nén” đang diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM. Các quận nội thành Hà Nội mật độ lên tới 25.000 - 36.000 người/km2, ở TP.HCM là 26.500 người/km2.

Trong khi đó, đô thị nén ở Hồng Kông, Singapore chỉ khoảng 6.500 người/km2. Đáng lo ngại đến mức báo động là hầu hết các đô thị mới giãn dân ở Hà Nội, TP.HCM đều thiếu và yếu trầm trọng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ như trường học, cơ sở y tế, nơi vui chơi giải trí. Đa số các đô thị mới, chủ đầu tư chỉ chăm chú tận dụng đất để xây dựng bán hoặc làm nơi kinh doanh, quên hẳn giá trị nhân văn, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Theo các chuyên gia nước ngoài, phát triển quá nhanh các đô thị mới lại thiếu quy hoạch và không được kiểm soát, tất yếu dẫn đến hậu quả hạ tầng quá yếu kém, môi trường xuống cấp nghiêm trọng, sức khỏe cộng đồng suy giảm, gia tăng tắc nghẽn giao thông, trong khi năng lực quản lý của chính quyền đô thị không hơn gì quản lý phường, xã. Đô thị mới thì như thế, còn đô thị cũ? Phân tích sâu về các giải pháp nhằm giảm sức ép lên giao thông đô thị, một giáo sư bộ môn quy hoạch vùng, ĐH Kiến trúc TP.HCM cho rằng, những gì Hà Nội và TP.HCM muốn làm như đổi giờ làm, giờ học, hạn chế xe vào trung tâm, đã được áp dụng thành công ở nhiều đô thị thế giới.

Thế nhưng việc “lọc xe” vào trung tâm trong giờ cao điểm ở 2 thành phố này cần phải xem xét kỹ, bởi thực tế lượng xe lưu thông ở lõi trung tâm lại thông thoáng hơn ở các cửa ngõ thành phố. Nhìn xa hơn, nếu phát triển giao thông công cộng như tàu điện ngầm, tàu cao tốc trên cao tiêu tốn hàng chục tỷ USD, cần phải tính đến, hoặc bán giá vé cao, hoặc “bao cấp” vài trăm triệu USD cho một tuyến.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, phần lớn tầng lớp trung lưu mới đi lại bằng 2 phương tiện “xa xỉ” này. Cũng giống như xe buýt, đa phần là sinh viên, học sinh, người lao động thu nhập thấp sử dụng. Tuy nhiên, nếu phát triển mạnh mạng lưới xe buýt làm phương tiện giao thông chủ lực như đề xuất của Bộ GTVT cũng khó khả thi về lâu dài. Bởi vì xe buýt phải có đường riêng thì mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhiều đối tượng, trong khi đường sá, hạ tầng xập xệ của 2 đô thị lớn nhất nước không đủ điều kiện để làm.

Nói tóm lại, sức ép lên các đô thị nước ta đã quá sức chịu đựng, nhất là áp lực về giao thông luôn gây ách tắc, thì kinh tế - xã hội khó “thông thoáng”. Theo giới chuyên gia, không nên loay hoay giải bài toán quy hoạch trong đô thị lớn, cần mở rộng tầm nhìn, đầu tư phát triển các đô thị nhỏ thành đô thị trung bình để kéo giãn và giảm áp lực cho đô thị lớn.