Tràn lan các dự án xây dựng:
Đường xuống cấp, môi trường ô nhiễm
(ANTĐ) - Khi giá nhà đất ở khu vực phía Tây Hà Nội mỗi ngày một tăng, thì chủ dự án của những khu đô thị mới ở Hà Đông càng nóng lòng đẩy nhanh việc thi công các công trình. Điều này đã đồng nghĩa với việc các tuyến đường trên địa bàn quận Hà Đông đang phải đối mặt với tình trạng xuống cấp và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mọi con đường đều xuống cấp và ô nhiễm
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại trên địa bàn quận Hà Đông có các khu đô thị Văn Phú, La Khê, Xa La, Dương Nội, Hà Trì, Tiến Hưng... cùng một số công trình xây dựng các tòa nhà cao tầng. Từ giữa năm 2009 đến nay, khi giá nhà đất tại khu vực phía Tây thành phố Hà Nội (trong đó có khu vực quận Hà Đông) tăng nhanh từng ngày. Tranh thủ thời cơ đó, chủ các dự án xây dựng ở những khu đô thị trên thúc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Nếu dự án nhà ở nào chưa hoàn thiện thì đơn vị thi công phải tìm cách làm tăng ca, thêm giờ để gấp rút hoàn thiện; Dự án nào chưa động thổ, giờ cũng nhanh chóng vào cuộc để còn tranh thủ huy động vốn của các nhà đầu tư... Có thể nói, địa bàn quận Hà Đông hiện tại đang như một đại công trường
Khi các khu đô thị, các công trình cao tầng mọc lên ngày càng nhiều ở khu vực quận Hà Đông, thì đồng nghĩa với việc các con đường trung tâm và đường phố nhỏ trong quận như Quang Trung, Lê Lợi, Sông Nhuệ, Nguyễn Chánh, Tô Hiệu đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng đối mặt với bụi suốt 24h trong ngày. Hơn một tháng trở lại đây đã xảy ra trường hợp vào ban đêm, nhiều xe trọng tải lớn chở bùn, đất thải, chất thải từ các công trình xây dựng ra đường Quang Trung, do xe che chắn không cẩn thận đã làm bùn, đất rơi vãi kéo dài hàng trăm mét. Xí nghiệp Môi trường đô thị của quận đã phải huy động lực lượng xử lý trong 1 ngày mới khắc phục được tình trạng trên.
Nhiều người dân ở các tuyến đường Quang Trung, Lê Lợi, Sông Nhuệ... cho biết: Thành phố đang phát triển, thì việc xây dựng nhiều khu đô thị, các công trình cao tầng là chuyện mừng. Nhưng chủ các dự án, phụ trách các đơn vị thi công dự án lại chỉ biết việc của họ, quá thiếu trách nhiệm đối với môi trường và cộng động. Người dân đề nghị lực lượng được giao nhiệm vụ (Thanh tra GTVT, CSGT) phải xử lý nghiêm các lái xe ôtô tải nặng chở vật liệu, chất thải vi phạm. Đồng thời, có biện pháp mạnh đối với chủ dự án, đơn vị thi công các khu đô thị, tránh tình trạng xe tải chở vật liệu, bùn đất thải đi bừa bãi vào các đường, các tuyến phố trong quận.
Xe tải chở cát chạy bạt mạng trên đường Quang Trung (quận Hà Đông) |
Quy trách nhiệm đối với các chủ dự án
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Hạo - Đội Phó Đội CSGT- CAQ Hà Đông, lưu lượng xe ôtô trọng tải lớn chở bùn, đất thải, cát ra vào các khu đô thị trên địa bàn quận ngày càng lớn, ước tính mỗi khu đô thị có 1.000 lượt xe ra vào một ngày đêm.
Ngoài ra, mỗi ngày tuyến đường Quang Trung (nằm trên Quốc lộ 6) cũng có khoảng 1.000 xe trọng tải khác cũng chở vật liệu rời qua đây để vào công trình xây dựng ở các quận, huyện trong khu vực. Thời gian qua, lực lượng CSGT và Thanh tra GTVT quận đã phối hợp xử lý nhiều trường hợp xe trọng tải chở đất thải, cát không che chắn.
Do lực lượng của đội quá mỏng, nên việc này không được duy trì thường xuyên. Việc một số tuyến đường vào ban đêm bị bùn, đất đổ bừa bãi, nếu không xác định được cụ thể xe nào gây ra, lực lượng làm nhiệm vụ đã yêu cầu chủ dự án xây dựng các khu đô thị phải cùng khắc phục hậu quả. Cùng với đó, một số tuyến đường trên địa bàn quận không cắm biển hạn chế trọng tải, nên rất khó khăn trong việc xử lý đối với các xe ôtô vi phạm.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Xuân Hạo, do lưu lượng xe tải chở đất thải, cát trên trên địa bàn quận ngày càng tăng nên số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn trong 2 tháng qua đã tăng. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Đội Phó Đội Thanh tra GTVT quận Hà Đông cho biết: Mức xử phạt đối với lái xe ôtô để rơi vãi bùn, đất thải trên đường hiện tại từ 300.000 đến 500.000 đồng, tạm đình chỉ hoạt động của xe 10 ngày và yêu cầu lái xe phải khắc phục hậu quả.
Mức xử phạt này quá nhẹ, nhưng thực tế số vụ xử phạt rất thấp, bởi ban đêm lượng xe chạy quá nhiều, khi phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ, các lái xe thông báo cho nhau, tìm cách đi tuyến đường khác, hoặc lái xe khóa cửa bỏ lại xe trên đường, trong khi xe cứu hộ không thể kéo nổi những xe trọng tải này, đặc biệt là loại xe tải 4 chân...
Để các con đường, tuyến phố ở quận Hà Đông không tiếp tục bị phá vỡ và ô nhiễm trầm trọng do các xe trọng tải chở bùn, đất, vật liệu xây dựng ra vào các khu đô thị gây ra, đồng thời giảm số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, UBND quận Hà Đông phải yêu cầu chủ dự án các khu đô thị phải cam kết cùng nhau khắc phục tình trạng trên, tránh tình trạng đổ lỗi cho nhau và thiếu trách nhiệm đối với môi trường, với cộng đồng.
Quốc Đô