Đường dây "tín dụng đen" giao dịch trên 500 tỷ đồng bị triệt phá: Dê, lợn sắp xuất chuồng cũng không tha!

ANTD.VN - Ngoài 1 nhân viên “vi phạm nội quy” bị hành hạ đến tử vong, CQĐT còn làm rõ những thủ đoạn, chiêu trò đòi nợ hết sức manh động của đường dây “tín dụng đen” liên quan đến công ty tài chính Nam Long.

Kẻ cầm đầu từng học chuyên ngành Luật

Như ANTĐ thông tin, ngày 29-11, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thông tin về chuyên án bóc gỡ đường dây tội phạm “tín dụng đen” có chân rết ở 63 tỉnh, thành phố; với số lượng tiền giao dịch lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Chân dung 2 kẻ cầm đầu: Nguyễn Đức Thành và Nguyễn Cao Thắng

Trong hơn 4 tháng dày công điều tra, truy xét, ban chuyên án gồm Cục CSHS, Công an tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị chức năng, đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, bước đầu làm rõ hành vi, bắt giữ 7 đối tượng cầm đầu; ra quyết định truy nã 2 đối tượng và đang tiếp tục củng cố hồ sơ để bắt  giữ các đối tượng liên quan về 3 tội danh Cố ý gây thương tích, Giữ người trái pháp luật, Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Theo tài liệu điều tra, kẻ cầm đầu đường dây tội phạm này là Nguyễn Đức Thành (30 tuổi, trú ở phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM). Trông bề ngoài khá hiền lành, chưa có tiền án, tiền sự, đối tượng quê gốc Hải Dương này từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, nên rất am hiểu pháp luật và có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng.

Thành quen biết “trợ thủ” Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi, trú ở Kiến An, Hải Phòng), trong thời gian sống ở đất Cảng. Về sau khi vào TP HCM làm ăn, anh ta tình cờ gặp lại Nguyễn Cao Thắng, và rồi “tư tưởng lớn gặp nhau” .

Thành và Thắng bàn bạc mở công ty tài chính Nam Long. Thực chất, cái gọi là công ty này không đăng ký kinh doanh, nhưng đặt trụ tại đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, và Nguyễn Đức Thành làm giám đốc. “Công ty” này có 26 “chi nhánh” ở 23 tỉnh, thành phố, nhưng độ phủ sóng toàn bộ 63 địa phương trên toàn quốc (mỗi chi nhánh “ôm” 5, 5 tỉnh, thành), và được mở dưới danh nghĩa Công ty CP đầu tư xây dựng Thành Nam. 

Theo thỏa thuận, ban đầu, Thắng và Thành mỗi tên góp 1 tỷ đồng để cho vay nặng lãi lấy tiền chia nhau; Thành chỉ đạo mọi hoạt động cho vay, thu nợ, lợi nhuận chia làm 2 phần, mỗi phần 50% để tái đầu tư, 50% lợi nhuận còn lại chia đôi.

“Công ty tài chính Nam Long” hoạt động từ tháng 9-2017 đến tháng 12-2017 thì tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh; Thành yêu cầu Thắng chuyển thêm 1 tỷ đồng để góp vốn, đồng thời giao cho anh vợ mình là Trần Hồng Phong làm kế toán, quản lý chi tiêu. Phong còn có trách nhiệm mở tài khoản để cung cấp cho khách hàng, giữ số điện thoại “đường dây nóng” để khách hàng liên hệ trả nợ; trực tiếp rút tiền giao cho Thành và Thắng đồng thời theo dõi quản lý hợp đồng vay của khách hàng, quá trình nộp tiền của khách, gọi điện thoại nhắc đòi nợ.

“Với đầu óc của những kẻ cầm đầu, các đối tượng xây dựng mô hình công ty tương đối bài bản, từ chủ tịch hội đồng quản trị đến giám đốc, rồi hệ thống quản lý nhân sự, khách hàng…chính vì vậy, nhiều người nhầm tưởng đây là tổ chức tín dụng đàng hoàng nên đăng ký vay tiền”, điều tra viên tham gia ban chuyên án cho biết.

Đòi nợ bằng mọi giá

Trên danh nghĩa, các đối tượng cầm đầu rêu rao không dùng bạo lực để đòi nợ, nhưng thực tế, đám nhân viên của “công ty” luôn sẵn sàng “động chân động tay”, đòi tiền bằng mọi giá.

“Công ty tài chính Nam Long” có đội hình đặt tên là “đội xử lý nợ xấu”. Khi gặp con nợ khó đòi, đội này đầu tiên gọi điện cho khách hàng đe dọa; sau đó có từ 2 đến 4 đối tượng đến tận nhà đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần như ăn, ngủ tại nhà, chửi bới, gây sức ép. Nếu tất cả những việc trên vẫn không đòi được, chúng tổ chức người theo dõi người nhà của khách hàng đe dọa sẽ hành hung. Trước sự hung hãn, côn đồ của các đối tượng, đa số khách hàng đều phải bằng mọi cách trả tiền. 

Trong số các con nợ, phải kể đến trường hợp ông Trần (trú ở TP. Cà Mau), vay 3 gói, trong đó 2 gói 500 triệu đồng và 1 gói 300 triệu đồng của “công ty tài chính Nam Long”, thời hạn 41 ngày với lãi suất 18.750.000 đồng/ngày, phí ngoài hợp đồng phải trả 20.000.000 đồng, bị phạt do chậm nộp tiền 18.750.000 đồng và bị 2 đối tượng Thăng, Phong đến nhà đe dọa, gây gổ, gây rối trật tự.

Hoặc trường hợp chị Triệu (trú ở Cao Lộc, Lạng Sơn), vay 100 triệu đồng trong vòng 30 ngày, thỏa thuận 10 ngày trả 25 triệu đồng, phí ngoài hợp đồng là 7 triệu đồng và trừ lãi, gốc 10 ngày đầu, khi giải ngân thực tế chị Triệu chỉ nhận được 68 triệu đồng.

Sau lần trả lãi và gốc lần thứ 3, nhưng thiếu 10 triệu đồng do chưa kịp xoay sở, 11 nhân viên của “đội xử lý nợ xấu” lập tức xuất hiện trên 2 xe ô tô, kéo đến trang trại nhà chị Triệu để “tất toán” khoản vay bằng cách bắt đi 21 con lợn thịt từ 30 đến 50 kg, trong đó có 5 con lợn rừng từ 60-70 kg; 1 lợn mẹ 200 kg; 21 con dê từ 1.530 kg/1 con.

Từ các tài liệu thu thập được, ban chuyên án bước đầu xác định có 368 khách hàng làm hồ sơ vay tiền, trong số đó hiện còn 85 bị hại vay tiền. CQĐT đã làm việc được với 61 bị hại ở 15 khu vực (trong đó có 3 trường hợp vay từ năm 2017); xác định được các bị hại đã vay của đối tượng hơn 16 tỷ đồng, trả lãi gần 3,5 tỷ đồng và gần 1 tỷ tiền “cắt phế”, tức là phí cho vay.

Quy định được “công ty tài chính Nam Long” đưa ra là nếu khách hàng vay “lãi đứng” tức là từ 10 đến 15 hoặc 30 ngày trả lãi 1 lần thì sẽ phải trả số lãi 1%/ngày (tức 365%/năm); hoặc lãi từ 7.000 đến 15.000đ/ngày/triệu (từ 180% đến hơn 200%/năm).

Ví dụ, khách hàng vay 10 triệu thì 10 ngày phải trả thành 11 triệu; vay 100 triệu 10 ngày phải trả 110 triệu. Nếu quá hạn khách không trả được thì các đối tượng tự chuyển sang gói lãi kỳ hạn 41 ngày với số lãi là khoảng hơn 200%/năm. 

Theo cách tính của chúng thì khách vay 100 triệu, sau 41 ngày sẽ phải trả 123 triệu.  Số tiền cả gốc và lãi trên, khi đến kỳ khách hàng phải tự chuyển khoản vào tài khoản của công ty để trả nợ. Nếu đến kỳ nhưng khách hàng không trả được, lập tức, “đội xử lý nợ xấu” sẽ ra tay.