Đừng vội khi uống cà phê Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội vốn là một thành phố đặc biệt, ở đó nhiều hoạt động diễn ra ngoài vỉa hè. Ở vỉa hè có mọi món ngon, thậm chí nhiều món ăn bán ở đó vươn lên thành đặc sản, trong đó có cà phê.

Cũ kỹ nhưng đầy mê hoặc

Cuối thế kỉ 19 người Pháp đem cà phê vào Việt Nam trồng tại một số tỉnh, thành… Tất cả sản lượng thu được đều tập kết về Hà Nội, một phần để phục vụ những người Pháp đang khai thác thuộc địa, phần còn lại đưa về chính quốc. Cà phê là thức uống xa xỉ của người Pháp vì có giá rất đắt, nhưng nhờ thích hợp thổ nhưỡng, cây cà phê phát triển ở Việt Nam và được nhân giống rộng rãi hơn. Người Hà Nội cũng thưởng thức và dần say mê với loại thức uống thơm nồng có chút đắng hậu vị. Thói quen uống cà phê cũng dần hình thành từ đó.

Ở Hà Nội mọi món ăn hay thức uống ngon đều có ở vỉa hè. Thậm chí nhiều trong số những món ngon hè phố đó vươn lên thành đặc sản. Người Hà Nội cũng rất chuộng uống cà phê có “view đường phố”, phần lớn những quán cà phê đều bán hàng kiểu nửa trong nhà và nửa ngoài phố. Lượn một vòng các khu vực như phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây hay hồ Thiền Quang… chẳng khó để bắt gặp trước cửa những quán cà phê bày dăm bảy chiếc ghế bên cái bàn đơn giản, nhỏ xinh.

Vì người Hà Nội quá yêu cái vỉa hè thân thuộc, yêu luôn cả việc ngắm cuộc sống qua lăng kính đường phố, nên cách thưởng thức cà phê cũng ảnh hưởng nhiều phần. Bất cứ góc nào của quán cà phê cũng đều tận dụng hướng về đường phố. Ngoài vỉa hè đã đành, đến ban công hay gác mái họ cũng chọn cho mình những góc ngồi phía ngoài hướng gần đường nhất.

Ở Hà Nội người ta còn chuộng cả sự đơn giản, chuộng những không gian trầm mặc, xưa xưa một chút, cũ cũ một chút. Dù hiện nay có sự lấn sân của những chuỗi nhà hàng cà phê được đầu tư lớn, trang trí thiết kế hiện đại chủ yếu để phục vụ giới trẻ có sở thích chụp ảnh “check-in”, nhưng dân nghiện cà phê đúng nghĩa thì vẫn chọn cho mình góc ngồi view phố ở cà phê Lâm, cà phê Giảng hay cà phê Huân… - nơi bao năm vẫn cũ kỹ như thế.

Dấu ấn cà phê Hà Nội

Theo chuyên trang ẩm thực Taste Atlas, trong số 9 loại cà phê phổ biến nhất khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam có tới 4 loại. Đó là cà phê trứng, cà phê đen, cà phê sữa và sữa chua cà phê. Thật thú vị khi cả 4 loại đó người Hà Nội vẫn đang uống hàng ngày, trong đó đặc biệt và đang ngày càng được yêu thích là cà phê trứng.

Nghe đến cà phê trứng thì chính người Việt ở địa phương khác còn thấy lạ lẫm huống chi người nước ngoài. Họ ngạc nhiên, tò mò, thậm chí là ngại vị tanh của trứng, nhưng chỉ cần thưởng thức thì tất cả đều… “quay xe”. Ấy là bởi họ nhanh chóng bị chinh phục bởi vị béo ngậy và thơm ngon lạ lùng. Đây là món được pha chế, sáng tạo bởi cà phê Giảng - một gia đình có truyền thống bán cà phê rất lâu năm và vô cùng nổi tiếng ở Thủ đô.

Để có được ly cà phê trứng thơm ngon, nóng hổi, rất cần sự khéo léo và tinh tế. Lòng đỏ trứng gà ta được đánh bông cùng với chút mật ong (hoặc đường) cho đến khi nó sệt thành kem và dậy mùi thơm ngậy.

Thêm cà phê mới pha nóng hổi vào cho tới lúc kem nổi đầy mặt cốc, rắc thêm chút bột cà phê lên bề mặt cho bắt mắt. Khi uống khéo léo lấy thìa nhấn sâu xuống dưới đáy ly để múc cà phê lên thưởng thức cùng với phần kem trứng. Thú vị hơn thì đưa cả ly cà phê lên miệng để vừa thưởng thức, vừa hít hà. Vị cà phê đắng xen lẫn kem trứng béo ngậy, ngọt ngào, mùi thơm từ bọt kem còn vương lại trên môi khiến cho ai lần đầu thưởng thức cũng phải “À… lên một tiếng”, tựa như vị giác ngủ quên chợt tỉnh giấc.

Cà phê trứng rất được khách ngoại quốc ưa chuộng, đặc biệt là những vị khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Nó là thức uống luôn nằm trong danh sách lựa trọn hàng đầu để trải nghiệm ẩm thực đường phố Thủ đô mỗi khi du khách phương xa có dịp ghé Hà Nội. Ly cà phê đen nhánh được phủ lên trên một lớp kem trứng màu vàng bắt mắt, hương cà phê hòa lẫn với hương kem đã chinh phục rất nhiều người.

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, cà phê cốt dừa - một sáng tạo của cà phê Cộng nổi tiếng ở Hà Nội - đang là thức uống rất được yêu thích với cả du khách trong và ngoài nước. Cà phê cốt dừa là một biến tấu, sáng tạo vô cùng thông minh và tinh tế. Nó đang dần là một vị cà phê của Hà Nội chứ không còn là của riêng người sáng tạo ra nó nữa. Cách pha chế đơn giản nhưng cũng đầy sự tinh tế, tỉ mỉ. Người ta lấy cốt dừa, sữa đặc, sữa tươi theo tỉ lệ nhất định rồi đánh bông lên thành kem. Cà phê sau khi pha phin xong sẽ cho vào bình lắc (hoặc dùng dụng cụ đánh cho nổi bọt), đổ phần cà phê này lên cốc kem cốt dừa là có ngay ly cà phê vị cốt dừa thơm ngon. Thường cà phê cốt dừa phải uống thêm đá. Vị của nó ngon, thơm ngậy và sảng khoái nên ngày càng phổ biến và là lựa chọn không thể thiếu trong thực đơn của những quán cà phê ở Hà Nội.

Gần đây, người Hà Nội còn quen với khái niệm cà phê muối - một đặc sản mới được sáng tạo bởi người Huế. Cà phê muối được pha bởi cà phê, kem mặn và chút sữa đặc. Đúng như tên gọi, cà phê muối thì phải có chút vị đậm đà. Không phải bỗng dưng mà món đặc sản từ xứ Huế bỗng thành “trend” trên khắp các diễn đàn mạng xã hội. Nếu không ngon, không gây thương nhớ thì nó đã không được yêu thích đến thế.

Tuy nhiên, dù biến tấu phát triển kiểu gì thì đại đa số người uống cà phê vẫn xác định đen đá, nâu đá, đen nóng, nâu nóng mới là “chân ái”. Đôi khi, nhìn những giọt cà phê chậm rãi rơi trong ly cũng là một cách để sống chậm trong thành phố “Hà Nội không vội được đâu”. Và ai đó đã vào quán và gọi cho mình ly cà phê pha phin thì đương nhiên… không nên vội vã làm gì.

Dù biến tấu phát triển kiểu gì thì đại đa số người uống cà phê vẫn xác định đen đá, nâu đá, đen nóng, nâu nóng mới là “chân ái”. Đôi khi, nhìn những giọt cà phê chậm rãi rơi trong ly cũng là một cách để sống chậm trong thành phố “Hà Nội không vội được đâu”. Và ai đó đã vào quán và gọi cho mình ly cà phê pha phin thì đương nhiên… không nên vội vã làm gì.