Dừng việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng

ANTĐ - Chiều nay, 23-11, sau khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đăng đàn, đến lượt các bộ trưởng Vương Đình Huệ, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Minh Quang, Bùi Quang Vinh cũng đã trả lời nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Trả lời về bảo hiểm nông  nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chinh Vương Đình Huệ cho biết tổng chi ngân sách 2010 là 39%, dự toán ngân sách 2012 tổng chi cho nông nghiệp nông thôn 42%. Tốc độ tăng chi cho nông nghiệp nông thôn tăng cao, trong năm 2011 tăng 34,7%. Năm 2012 dự kiến bố trí ngân sách 1.200 tỉ đồng, tăng chi hộ nghèo 50 tỉ đồng, nuôi trồng thủy sản 415 tỉ đồng, tăng 66,3%; bố trí định cư tăng 29%... Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp hơn.


Sắp tới, sẽ thực hiện bảo hiểm cho cây lúa, gia súc (trâu bò), thủy sản (cá tra, ba sa) ở nhiều địa phương. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí bảo hiểm cho nông dân nghèo. Các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm cũng được hỗ trợ phi bảo hiểm 20%. Tổng kinh phí bảo hiểm cho nông nghiệp trong năm 2012 là 1.200 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết có 4 mặt hàng: muối, đường, trứng gia cầm, thuốc là nguyên liệu được bảo hộ. Các mặt hàng khác không hạn chế nhưng khống chế bằng hàng rào kỹ thuật. Việc nhập các loại hoa quả đôi lúc không có lợi nhưng theo thời vụ việc này là cần thiết. "Về xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, theo tôi phải tính toán, phải làm sao hàng trong nước bảo đảm được khi xuất ra nước ngoài, tránh bị phân biệt đối xử" -bộ trưởng Hoàng nhận xét.
 
Về tiêu thụ sản phẩm, bộ trưởng Hoàng cho rằng xây dựng hệ thống phân phối là rất cần thiết. Thời gian vừa qua, chúng tôi xây dựng hệ thống phân phối gạo khá tốt. Về muối, đã có Tổng Công ty Lương thực miền Bắc làm đầu mối tiêu thu muối cho nông dân. Về phân bón, đã có 2 doanh nghiệp thực hiện nhưng việc thực hiện chưa tốt; còn hàng gian hàng giả, cần giải quyết rốt ráo.

Riêng tình trạng sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, bộ trưởng Hoàng cho biết về chủ trương thì khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án vào lĩnh vực này.

Bộ trưởng thừa nhận vấn đề yếu nhất là hệ thống tiêu thụ rau quả hiện vẫn chưa có căn cơ. Ông nói: "Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần phối hợp với chúng tôi để khắc phục thông qua nhiều mô hình, xây dựng các trung tâm, chợ đầu mối tiêu thụ".
Ngay sau đó, nhiều ĐBQH đã đặt thêm nhiều câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Cao Đức Phát. Bộ trưởng cho biết không có gì lợi ích hơn trồng lúa trên các cánh đồng lúa truyền thống của Việt Nam. "Nền nông nghiệp chỉ phát triển được khi phát huy được thế mạnh và cây lúa là thế mạnh cần phát huy, đầu tư. Chúng ta làm lúa gạo không chỉ bảo đảm an ninh lương thực thế giới mà vì đất nước chúng ta" - bộ trưởng Phát đánh giá.
Đúng như đại biểu quốc hội nhận xét, bộ trưởng thừa nhận là dù cây điều đứng vị trí xuất khẩu thứ 2 nhưng chưa được quan tâm đúng mức và "sẽ gấp rút cải tạo giống, không để mai một".

Bộ trưởng Phát chia sẻ với tâm tư của người nông dân: "Một câu hỏi lớn là chúng ta phát triển rừng vì ai? Làm sao cho bà con nông dân trồng rừng sống được với rừng; qua đó đẩy mạnh và mang lại hiệu quả trong việc giao đất, giao rừng cho nông dân; đi đôi với hỗ trợ chính sách cho người trồng rừng, hỗ trợ chế biến gỗ, tăng thu nhập, giúp bà con nông dân hưởng lợi từ cây rừng".

Riêng chính sách phát triển công nghiệp chế biến, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận thời gian qua còn đầu tư ít, chưa phù hợp. Đã có 9 doanh nghiệp được ưu đãi từ chính sách đầu tư cho nông nghiệp. "Chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra chính sách để khuyến khích "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông)  đầu tư mạnh hơn cho nông nghiệp" - bộ trưởng nói.

Dừng việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng ảnh 1

Liên quan đến nội dung giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết phải giữ diện tích này để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Về giải pháp, phải điều tiết phân bổ giữa các địa phương; có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, giao thông thủy lợi, cơ sở chế biến, bảo quản, hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề, hỗ trợ chính sách cho người nông dân; quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất, phân ranh, cắm mốc chặt chẽ. Về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bộ trưởng Quang nhận xét đây là vấn đề thời sự.
"Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu chúng ta dành một số nguồn lực, và cần tiếp tục đầu tư, dành nguồn vốn vài trăm triệu USD để cho chương trình này. Hiện có 600 dự án đã được các địa phương gửi về Bộ Tài nguyên - Môi trường" - ông Quang trả lời.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết từ tháng 7-2006 đến tháng 3-2010, cả nước có 9 dự án của nước ngoài thuê đất trồng rừng, trong đó có 2 dự án đã bị ngừng cấp phép. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định việc cấp cấp cho thuê đất trồng rừng là rất chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát. Cộng thêm một dự án đang triển khai ở Bình Định thì hiện tại tổng số dự án cho thuê đất  trồng rừng còn 8 dự án như  tỉnh Nghệ An đã chủ động thu hồi 53.000 ha cho thuê rừng.
Tổng số đất cho thuê trồng rừng hiện nay đúng số liệu Bộ trưởng Cao Đức Phát báo cáo là 18.571 ha, trong đó 15.268 ha đã cho thuê, 13.871 ha đã phủ xanh đồi trọc. Những diện tích đất cho thuê ký kết theo hợp đồng là nghiêm túc. Về cơ bản, các địa phương thực hiện đúng theo quy trình, trình tự thủ tục đầu tư. Đất cho thuê chủ yếu là đất đồi trọc.
ĐB Huỳnh Văn Tấn (Nghệ An) chất vấn: "Chúng ta đã có đánh gì gì về tình trạng lạm dụng hóa chất, phân bón trong sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng Cao Đức Phát có biện pháp gì và suy nghĩ gì?".

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): "Có giải pháp gì để khắc phục bất cập trong liên kết 4 nhà?".

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu vấn đề người dân miền núi được khuyến khích trồng rừng và bảo vệ rừng, nhưng đã được bảo đảm quyền lợi chưa?
 
ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội): Giải pháp nào để khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ngành nông nghiệp?
 
Dừng việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng ảnh 2
Bên lề phiên chất vấn tại Quốc hội
Dừng việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng ảnh 3
Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận Bộ NN-PTNT còn chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân
Trước đó, mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát vào đầu giờ chiều 23-11, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi: Hiện nay người lao động nông thôn rất bấp bênh, khi được mùa thì rớt giá, khi được giá thì mất mùa. Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn khoảng cách giữa các đơn vị, cơ sở, trung tâm nghiên cứu khoa học  với nông dân trong. Bộ trưởng đánh giá thế nào?".
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) nêu: "Sản xuất nông nghiệp chỉ đi lên khi ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đại bộ phận nông dân đang sản xuất manh mún trên những thửa ruộng nhỏ. Vậy  có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi của người nông dân. Ngoài ra, trên thị trường tràn ngập các sản phẩm nông sản từ Trung Quốc. Bộ trưởng có giải pháp gì để bảo vệ sản xuất nông nghiệp?".
 
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn: "Có bao nhiêu diện tích đất rừng cho nước ngoài thuê, nhất là đất ở các vùng biên giới? Bộ trưởng có quản lý chặt chẽ việc này hay không?".
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi 2 vấn đề: "Để giữ 3,8 triệu ha lúa, chủ trương nào căn cơ để chống sạt lở, bảo vệ đất. Trong năm qua, việc nâng cấp, các tuyến đường tránh ở quốc lộ 1 A ở Quảng Nam đã gây ra gây sạt lở, ảnh hưởng đến diện tích hoa màu, thiệt hại tài sản, tánh mạng người dân. Bộ trưởng có biện pháp, chịu trách nhiệm thế nào về vấn đề này?".
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Nông nghiệp và nông thôn gắn liền nhau. ĐBSCL là vựa lúa cả nước. Giải pháp nào phối hợp với Bộ Công Thương để quản lý giá đầu vào và quản lý giá đầu ra khi mà các doanh nghiệp ít thu mua tận giá với người nông dân? Nhiều diện tích đất hoang hóa, sân golf mọc lên khắp cả nước, làm thế nào ngăn chặn hiện tượng này?".
Trả lời từng câu hỏi, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận các cơ sở, viện, trung tâm nghiên cứu khoa học của ngành nông nghiệp còn yếu kém, xa nông dân, chưa hiệu quả. Các nhà khoa học cũng đã cố gắng trong hoàn cảnh hiện tại, đóng góp tích cực trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhưng còn nhiều việc phải làm, phải đổi mới để các cơ sở, viện, trung tâm nghiên cứu khoa học sát với nông dân hơn. Phải làm ra những bông lúa, trái cây có chất lượng hơn.
Về biện pháp khắc phục sản xuất manh mún, bộ trưởng thừa nhận đây là một bài toán khó nhưng cố gắng khắc phục. Chúng ta đã hình thành các vùng sản xuất cao su, lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi có quy mô lớn. Ngay cả trồng trọt cũng có cánh đồng quy mô lớn... Ngoài ra, còn có hướng thứ hai là hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.
Dừng việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng ảnh 4
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát
Về vấn đề cho thuê đất nông nghiệp, Bộ NN-PTNT và các bộ ngành đã kiểm tra nghiêm túc. "Chủ trương đưa ra là dừng cho thuê mới; rà soát các dự án đã cấp chứng nhận, nếu nằm trong quỹ đất an ninh quốc phòng thì loại bỏ. Những dự án phù hợp trồng rừng thì cho triển khai. Qua giám sát của chúng tôi, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc quản lý đất rừng". Theo bộ trưởng, đến nay đã cho thuê 18.571 ha đất rừng, trong đó doanh nghiệp nước ngoài  đã trồng 13.657 ha. Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại. 
Việc xây dựng các tuyến bờ kè ở Quảng Nam bộ trưởng Cao Đức Phát cũng than khó. "Bộ đã cho rà soát, phân loại để có phù hợp cho từng địa điểm có sạt lở, tập trung xử lý những nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở nhất", bộ trưởng Phát trả lời.
Về quản lý giá vật tự, Bộ trưởng cho biết Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương đã có phối hợp quản lý giá đầu vào. Bộ NN-PTNT bảo đảm cung cấp vật tư, giám sát chất lượng các mặt hàng theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ Công Thương quản lý thị trường để quản lý tốt đầu vào. Đối với quản lý giá đầu ra, Bộ NN-PTNT cũng đã có phối hợp với Bộ Công thương để bảo đảm cung ứng số liệu nông sản, điều hành giá cả các mặt hàng xuất, nhập khẩu, bảo đảm lợi ích cho nông dân.
Riêng phần diện tích đất lúa giảm là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân biến đổi khí hậu và nguyên nhân khác do khai thác của con  người. Cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có giải pháp khắc phục biến đổi khí hậu; phải có chính sách hỗ trợ cho các địa phương chuyên trồng lúa.

Vẫn bị ĐB Nguyễn Thị Khá tiếp tục xoay về câu hỏi "còn có sự ép giá của doanh nghiệp, chưa thu mua đúng giá với người nông dân" Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: Bộ đang phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam để theo sát tình hình thị trường, bảo đảm thu mua nông sản kịp thời theo chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm cho người dân có lãi 30% giá thành sản phẩm. Việc hình thành cơ chế chân rết trong thu mua là rất khó.
Dừng việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng ảnh 5
Các đại biểu quốc hội lắng nghe phần trả lời của các bộ trưởng

Tiếp tục chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé đặt câu hỏi: "Với vai trò đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước, bộ trưởng có giải pháp gì trong kiểm soát giá, bảo đảo giá của người nông dân. Chủ trương làm lúa vụ ba của bộ trưởng?".
ĐB Huỳnh Thành Đạt (Bến Tre): "Tác động của biến động khí hậu Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chúng ta đã có nhiều hội thảo bàn sâu về vấn đề này. Tuy nhiên, thời gian qua lại chưa đầu tư đúng mức để xây dựng biện pháp hữu hiệu đối phó biến đổi khí hậu. Giải pháp cho vấn đề này như thế nào?".
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên- Huế):  "Bộ trưởng có đề xuất biện pháp căn cơ để nông dân sống chung với bảo lũ, hạn chế thiệt hại do lũ lụt. Chính phủ có chủ trương xây dựng cho mỗi hộ dân nhà tránh trú khi bão lũ xảy ra nhưng đến nay chưa có. Bộ trưởng làm gì để thực hiện chủ trương trên?"

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): "Dạy nghề cho nông dân đang còn nhiều vấn đề quan tâm. Đây là vấn đề lớn, đã đầu tư nhiều tiền nhưng đang "bốn không": Không đúng (ít người học); không trúng (mở ngành không có người học); không cao (chất lượng thấp, dạy qua loa); không mạnh (chưa huy động sức mạnh tổng hợp). Làm gì để xử lý "bốn không" nói trên?".

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các trung tâm nghiên cứu liên tục cải tiến giống lúa, cung cấp giống lúa mới cho bà con nông dân. Nông dân cũng rất tích cực, khi có giống lúa mới là tham gia hưởng ứng. Tuy nhiên, dù thường cung cấp giống mới nhưng cũng không đáp ứng yêu cầu của nông dân. Vì thế, nông dân tiếp tục mua giống trôi nổi trên thị trường nên chất lượng không đảm bảo. Bộ xin tiếp thu ý kiến này. 

Về sản xuất vụ 3, trước đây có ý kiến nói đây là vụ làm thêm, thậm chí có ý kiến nói không làm vụ ba. Tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm tăng lượng mưa vào mùa mưa và khô hơn vào mùa khô. Do đó, ngành nông nghiệp phải điều chỉnh. Theo quan điểm của bộ, chỉ khuyến khích sản xuất vụ ba ở những vùng có bờ bao. Trên 400 ngàn ha vụ ba ở ĐBSCL vừa qua, chỉ có khoảng 7.000 ha bị thiệt hại do lũ, nhờ có hệ thống bờ bao được phủ kín.
Thừa nhận Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nặng bởi các biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết chính phủ đã liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, đề xuất các giải pháp. Chính phủ đã hình thành mục tiêu quốc gia, thông qua chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường, các bộ ngành khác triển khai các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, Bộ NN-PTNT cũng đã có quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, đê sông, đê biển; nghiên cứu các giải pháp nông học, phối hợp cơ quan Liên Hiệp Quốc triển khai các dự án ứng phó. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền. Biến đổi khí hậu chỉ ứng phó hiệu quả khi nhân dân biết và toàn dân thực hiện.

Riêng giải pháp phòng chống thiệt hại cho nông dân vùng bão lũ, xây nhà tránh lũ, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói thủ tướng chính phủ đã giao Bộ Xây dựng thực hiện phương án này. Bộ NN-PTNT thống nhất chủ trương và phối hợp với Bộ Xây dựng xây nhà tránh lũ cho bà con nông dân.

Để tránh việc "4 không" trong dạy nghề, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ NN-PTNT được giao xây dựng danh mục các ngành nghề, phối hợp một số địa phương như Thanh Hóa, Bến Tre để phát thẻ học nghề cho nông dân. Việc này đang thực hiện có hiệu quả.