Đừng lãng phí nhân tài và đỗ lỗi cho người lao động

ANTĐ -Thảo luận về kinh tế xã hội tại hội trường Quốc hội sáng nay, 2-11, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, việc đổ lỗi nguyên nhân năng suất lao động thấp về phía người lao động là chưa đúng. Một số ĐB khác chỉ ra chúng ta đang lãng phí nhân tài.

Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng, năng suất lao động của nước ta hiện thấp, không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao và đây là một trong những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, của phát triển kinh tế bền vững.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP HCM) cho rằng chúng ta đang lãng phí nhân tài

“Nhiều ý kiến đỗ lỗi trách nhiệm do phía người lao động và cho rằng năng suất lao động thấp nên không thể tăng lương tối thiểu cao. Tôi cho rằng đó là quan điểm không đúng bởi người lao động Việt Nam có rất nhiều phẩm chất cao quý, ham học hỏi. Chúng ta cần phải đi tìm nguyên nhân năng suất lao động thấp ở các lĩnh vực khác. Theo tôi có 3 nguyên nhân. Đó là do thiết bị và công nghệ lạc hậu; là quản trị doanh nghiệp và quản trị xã hội ở nhiều địa phương yếu kém; là số lao động có chứng chỉ đào tạo nghề thấp và chất lượng đào tạo nghề không đáp ứng yêu cầu” – ĐB Đỗ Mạnh Hùng bình luận.

Trên cơ sở nhận định đó, ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị cần triển khai các giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất lao động, đó là: không nhập khẩu các thiết bị, công nghệ lạc hậu, chú trọng phát triển công nghệ trong nước; công khai minh bạch chính sách tuyển dụng nhân lực, tuyển dụng lao động đúng người đúng việc; đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề…

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP.HCM) bày tỏ sự day dứt trước tình trạng sử dụng nhân lực chất lượng cao, chính sách trọng dụng nhân tài của nước ta hiện nay. “Qua theo dõi, 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “đường lên đỉnh Olympia” đi du học thì có đến 12 cháu ở lại nước ngoài làm việc. Rất nhiều thế hệ trẻ khác được đi học bài bản ở nước ngoài, nhiều bậc cha mẹ và bản thân các cháu cũng mong muốn về làm việc trong nước, nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác” – ĐB Nguyễn Học Hoà nêu thực trạng.

ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) thì cho rằng, cán bộ là cái gốc, công tác cán bộ là quan trọng nhất và những bức xúc của nền kinh tế đều có trách nhiệm rất lớn từ đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo đứng đầu. Do vậy, ngoài 5 bài học kinh nghiệm về kinh tế xã hội mà Chính phủ đã tổng kết trong báo cáo, ĐB Lê Nam đề nghị cần sung thêm một bài học về trách nhiệm của những cán bộ đứng đầu, đồng thời với việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực để tinh giản bộ máy công chức hưởng lương ngân sách.