Vay vốn nước ngoài để đảo nợ phải tính đủ các rủi ro

ANTĐ - Trước tình trạng nợ công đang ở ngưỡng cao, việc Chính phủ trình Quốc hội đề án phát hành trái phiếu quốc tế để huy động khoảng 3 tỷ USD được nhiều ĐBQH rất quan tâm. Phóng viên đã trao đổi với ĐB Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.
Vay vốn nước ngoài để đảo nợ phải tính đủ các rủi ro ảnh 1

- PV: Nhiều ĐBQH cho rằng, nếu chỉ vay khoảng 3 tỷ USD thì Chính phủ hoàn toàn có thể huy động trong nước chứ không cần phải phát hành trái phiếu quốc tế? Ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?

- ĐBQH Bùi Đức Thụ: Việc huy động vốn vào thời điểm này rất khó khăn, 9 tháng đầu năm nay nước ta mới chỉ vay được 51% kế hoạch vay và dự báo năm 2016 tình hình cũng như vậy. Tôi cho rằng việc Chính phủ đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong tài khóa 2015-2016 là rất cần thiết nhằm đáp ứng được những nhu cầu nhiệm vụ chi đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Mặt khác, vay nước ngoài có nhiều ưu thế hơn vay trong nước. Đó là lãi suất thấp hơn (9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,6%/năm). Hơn nữa, các khoản vay trong nước hầu hết chỉ được vay ngắn hạn, trong khi vay nước ngoài có thể vay tới 10-30 năm nên sẽ giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn, giảm áp lực thanh toán nợ hàng năm trong cân đối ngân sách Nhà nước.

- Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc phát hành trái phiếu quốc tế sẽ làm tăng nợ công trong bối cảnh nợ công ở nước ta đã báo động?

- Trong đề án Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phát hành trái phiếu quốc tế để huy động khoảng 3 tỷ USD đã nêu rõ là huy động vốn nước ngoài để đảo nợ đối với các khoản vay trong nước. Như vậy, việc vay và sử dụng khoản này không làm tăng dư nợ công của nước ta mà thực chất chỉ là thay thế khoản vay ngắn hạn bằng vay dài hạn để giãn áp lực trả nợ hàng năm. Tất nhiên việc vay nợ nước ngoài để đảo nợ khoản vay trong nước là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là luật quản lý nợ công nên Chính phủ phải trình trước Quốc hội và nếu Quốc hội đồng ý chủ trương này thì cần phải ra một nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ tổ chức thực hiện.

- Vậy việc phát hành trái phiếu quốc tế có rủi ro gì không, thưa ông?

- Với thời hạn dự kiến từ   10-30 năm, chắc chắn sẽ có tình trạng biến đổi tỷ giá. Khi tỷ giá thay đổi sẽ kéo theo nghĩa vụ trả nợ lãi cũng như trả nợ gốc tăng lên. Tuy nhiên, theo Luật Quản lý nợ công thì việc vay mới phải tính đến các trường hợp rủi ro về tỷ giá và phải đảm bảo yêu cầu giảm hơn so với huy động trong nước, kể cả khi phát sinh những biến động về tỷ giá. Chính phủ cần làm rõ được các yếu tố này để thuyết phục Quốc hội.


- Xin cảm ơn ông!

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM): Muốn giảm nợ công phải sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công

Muốn giảm bội chi ngân sách, giảm nợ công thì phải khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực mà Nhà nước đang quản lý như nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp Nhà nước, các tài sản công… nhằm tăng thu ngân sách, giảm chi. Việc phân bổ ngân sách cũng phải được tính toán chặt chẽ, trong đó phải ưu tiên phân bổ nguồn lực vào những lĩnh vực có khả năng phát huy một cách hiệu quả nguồn vốn để tạo nguồn thu, tránh phân bổ đầu tư tràn lan.

Nợ công của nước ta hiện ở mức cao, tuy nhiên quá trình phát triển của một nền kinh tế và đặc biệt ở các nước đang phát triển thì nợ công bao giờ cũng liên tục có xu hướng tăng vì đang trong giai đoạn phải đẩy mạnh đầu tư. Vấn đề là chúng ta cần giám sát việc đầu tư đó phải hàm chứa nguồn thu trong tương lai. Nếu tăng trưởng được kinh tế thì nợ công trên GDP chắc chắn sẽ giảm.

         

 Nguyễn Phan