Đừng để hôn nhân “chết lâm sàng”

ANTĐ - Ít giao tiếp, không lắng nghe, chẳng nhìn nhau cũng lười yêu thương nhưng vẫn hy vọng hôn nhân bền vững là điều mơ tưởng hão huyền của nhiều cặp vợ chồng.

Đừng để hôn nhân “chết lâm sàng” ảnh 1Chia sẻ là “liều thuốc” tốt nhất gắn kết hôn nhân. Ảnh: corbisimages

Người vô hình

“Tôi thực sự đã là người vô hình trước mắt chồng” - chị Nguyễn Thị Mai (Tây Hồ, Hà Nội) thở dài sau màn chứng thực kỳ công. Chị cắt mái tóc dài thẳng, uốn xoăn bồng bềnh, còn nhuộm màu rượu chát đang thịnh hành. Chị cũng không tiếc tiền mua một chiếc váy gợi cảm, trang điểm cầu kỳ lượn qua lượn lại trước mắt chồng. Tuy nhiên, mắt anh vẫn dán vào màn hình xem bóng đá, không liếc vợ đến nửa con mắt. Đến lúc chị tức mình đứng chắn trước màn hình ti vi thì anh mới bực tức “Làm gì mà cứ như gà mái ghẹ đẻ trứng thế”. Chị Mai hụt hẫng. 

Chị Mai mơ màng về “ngày xưa” cách đây… 7 năm, hai vợ chồng luôn ríu rít như đôi chim câu. Đi làm, anh thường xuyên điện thoại, tâm sự mọi vui buồn với vợ. Về đến nhà, anh xăng xái lao vào giúp vợ. Buổi tối anh chị ôm nhau trên ghế sô pha, xem ti vi, cùng bình phẩm về một bộ phim. Lên giường, hai vợ chồng nếu có cảm hứng lại mặn nồng ân ái. 

Nhưng chẳng biết từ lúc nào, anh chị đã ít nói chuyện với nhau, chị có gặng hỏi, chồng cũng chỉ ậm ừ “công việc vẫn thế”, “chẳng có gì mới” rồi chúi mũi vào ti vi hoặc điện thoại. Có lúc chị bực mình bảo: “Em bị ốm nặng”, chồng cũng ơ thờ bảo “tốt quá” vì mải dõi theo một bàn thắng. Có lúc không chịu được, chị gào lên thì chồng chị lại nhăn nhó, cho rằng chị “dở chứng” vì “không có nhu cầu nói, không có việc gì thì nói cái gì. Cuộc sống chẳng phải vẫn êm ả đó sao?”. 

Hôn nhân của anh Trần Học và chị Lê (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) cũng lâm vào tình trạng “chết lâm sàng” khi hai vợ chồng cả tuần không gặp nhau, không nói với nhau câu nào. Hai vợ chồng đều là người tham công tiếc việc. Để khỏi làm ảnh hưởng đến nhau, hai anh chị đều có phòng riêng. Chị đi làm từ 6h sáng còn anh tận 8h mới bò ra khỏi ổ. Đến tối anh về thì chị đã ngủ từ lúc nào. Mọi việc cứ trôi đi như thể “nước giếng không phạm nước sông”. Có lúc anh ốm 3 ngày chị cũng không biết, còn anh cũng ngại nói với vợ. “Có lúc tôi cảm thấy buồn phiền, trống vắng nhưng muốn tán gẫu, nũng nịu với chồng vài câu nhưng lại cảm thấy không thể mở miệng được. Mọi ngôn từ trở nên gượng gạo, việc động chạm vào nhau cũng trở nên khó khăn” – chị Lê cho biết. 

Lắng nghe như trẻ con 

Đối mặt với sự quen thuộc, nhàm chán, thường nhật, nhiều người đánh mất dần đi sự gắn kết tình cảm  giữa hai vợ chồng, từ đó hôn nhân rơi vào tình trạng“tứ chứng nan y”. Chỉ đến khi hôn nhân ngấp nghé bờ vực tan vỡ hoặc mất hẳn, người ta mới hối hận. “Đừng hy vọng nhốt hôn nhân vào một cái lồng rồi hạnh phúc sẽ nở hoa mãi mãi hoặc mong ngóng bỗng nhiên một ngày đẹp trời tình cảm lại được hâm nóng, yêu thương trở lại trong khi mình lại lười nhúc nhắc, vận động” - Tiến sĩ Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group nhận định. 

Theo Tiến sĩ Phan Quốc Việt, muốn hôn nhân không bị “chết lâm sàng” thì việc đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng mà hai vợ chồng phải duy trì đó là “lắng nghe-chia sẻ”. Chia sẻ giúp nhau gắn kết, hiểu thêm về nhau, rung động với nhau còn lắng nghe là tạo tin tưởng, yêu thương. “Nam giới thích thể hiện bằng hành động, còn nữ giới chú trọng tình cảm nên có nhu cầu giãi bày lớn. Nếu chị em không được nói, hay nói không có người nghe, không có người hưởng ứng thì sẽ bị ức chế về tình cảm sẽ nảy sinh bực bội, khó chịu” - Tiến sĩ Việt phân tích. 

Tuy nhiên, lắng nghe cũng cần đúng cách. “Khi trẻ con nghe mình kể chuyện, chúng thường hướng mặt về mình, chăm chú nhìn mình, dùng cả nét mặt biểu cảm để lắng nghe, để thu nhận thông tin với một sự đồng cảm, chia sẻ. Do đó, để bạn đời rung động phải biết lắng nghe như trẻ con” - Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết.