Đừng "đánh cắp" mùa hè của trẻ em!

ANTĐ - Ngày Quốc tế thiếu nhi cũng đúng vào dịp nghỉ hè, lẽ ra sẽ là niềm vui nhân đôi cho các em thiếu nhi nhưng đối với không ít em, sự háo hức nhanh chóng bị lấn át bởi nỗi chán nản với những ngày dài bị nhốt trong căn nhà chật hẹp hay những buổi học thêm triền miên. 

Đừng "đánh cắp" mùa hè của trẻ em! ảnh 1Ảnh: Internet

Thực sự, mùa hè của các em đang bị “đánh cắp”, bởi từ lâu nó được gọi vui là “học kỳ 3” chứ không còn khái niệm nghỉ ngơi sau 9 tháng học tập căng thẳng nữa. Khi nói đến học hè, đa phần ý kiến đổ lỗi cho các bậc phụ huynh, vì quá kỳ vọng mà ép con phải học thêm để đạt thành tích cao. Phải khẳng định, điều đó đúng trong nhiều trường hợp. Những đứa trẻ không chỉ bị tước mất ngày hè, mà còn bị tước mất tuổi thơ khi phải học từ sáng đến tối, từ ngày học chính đến dịp nghỉ hè. Cái cảnh những bậc phụ huynh đón con ở cổng trường với những món đồ ăn nhanh mua vội, rồi thúc giục con tranh thủ ăn trên đường đến lớp học thêm không phải hiếm. 

Chúng ta cấm dạy thêm, học thêm, nhưng ai sẽ trả lời câu hỏi: Ngày hè trẻ em sẽ làm gì? Một thực tế là kỳ nghỉ hè của con trẻ đang trở thành nỗi lo của phụ huynh, bởi con nghỉ nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm. Thế nên trước mỗi kỳ nghỉ, việc gửi con ở đâu, cho con học thế nào, chơi ra sao là một bài toán đau đầu. Ở thành phố, các khu tập thể cũ thì hầu như không có sân chơi cho trẻ, còn các khu chung cư mới xây, diện tích vui chơi lẽ ra là dịch vụ công ích thì đều bị thương mại hóa. Thế nên, nếu không cho con đi học thêm thì đa phần phụ huynh sẽ chọn giải pháp nhốt con trong nhà hoặc thậm chí phải mang con lên cơ quan vì không có người trông nom.

Trên báo chí, diễn đàn mạng các chuyên gia thường khuyên phụ huynh nên đưa con về quê hay ra các vùng nông thôn để con được trải nghiệm với thiên nhiên.

Nhưng sự thật không phải lúc nào về quê cũng có những trải nghiệm như trong “cổ tích” cho con trẻ. Bởi làng quê bây giờ cũng khác xưa nhiều lắm, cũng đường nhựa, cũng nhà hộp bê tông, cũng ô nhiễm môi trường… chứ đâu phải chỗ nào cũng ruộng vườn xanh tốt. Trẻ vì thế, cũng chưa chắc đã hứng thú hơn ở thành phố, nhiều em vì được cha mẹ “thả” còn cắm đầu vào điện tử, tivi, các thiết bị giải trí công nghệ. Chưa kể nỗi lo những nguy hiểm luôn rình rập như tai nạn, đuối nước… Có tiền cho con tham gia các trại hè hay khóa học kỹ năng sống cũng chưa chắc đã đem lại hứng thú và những trải nghiệm tốt cho con.

Hiện nay các trung tâm tổ chức các khóa học này mọc lên như nấm, trong khi chất lượng thì không biết thế nào, dẫn đến việc không ít phụ huynh đã “tiền mất, tật mang”. Thế nên, suy đi tính lại, cho con học thêm hè vẫn là giải pháp khả quan nhất, vừa lấp đầy khoảng thời gian không người trông nom, vừa bồi dưỡng thêm kiến thức văn hóa cho con. Thế nên dù ngành Giáo dục có ra sức cấm đoán thì dạy thêm, học thêm vẫn cứ đắt hàng.

Ai cũng ra sức phản đối dạy thêm, học thêm, ai cũng lên án phụ huynh “đánh cắp” tuổi thơ con trẻ, nhưng giải pháp cho vấn đề học sinh đi đâu, làm gì trong ngày hè thì phụ huynh mỏi mắt cũng tìm không thấy, nếu có cũng chẳng mấy sát thực tế. Thử xem, nếu mỗi khu dân cư đều có một nhà thiếu nhi được tổ chức một cách bài bản, hấp dẫn, hữu ích cho các em, không đặt nặng tính thương mại thì các bậc phụ huynh có cần ép con học thêm? Người ta cứ mải miết chạy theo những thứ đem lại lợi ích vật chất trước mắt, còn trẻ em đâu đã biết lên tiếng đòi quyền lợi cho mình. Trách nhiệm thuộc về cả xã hội, mà cao nhất chính là những người làm chính sách.