Con - tối hậu thư
Chị Ánh Tuyết (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình) là vợ hai. Trước đó, chồng chị đã có hai cô con gái riêng. Vì thế, khi chị sinh được con trai, không chỉ chồng mà cả gia đình chồng đều vui mừng phấn khởi. Mẹ chồng thuê 2 osin để phục vụ con dâu và cháu. Chồng tặng luôn vợ một chiếc SH. Trong nhà, chị muốn gì được nấy. Chính vì vậy, chị Tuyết không chỉ coi con trai là bảo bối của mình mà còn là “vũ khí” để điều khiển chồng theo ý mình. Chị chán SH, đòi chồng mua ô tô để “đi đâu chở con cho khỏi gió máy”. Không thích sống cùng bố mẹ chồng, chị lại ỉ ôi đòi ra ở riêng để “rèn con tính tự lập không thì ông bà chiều”. Nếu chồng không chiều ý là chị làm mình làm mẩy, đòi đưa con về bà ngoại. Lần nào, chồng chị cũng xuôi theo ý vợ.
Còn chị Lê Hồng Hạnh (Phương Mai, Đống Đa) cũng có một cô con gái xinh đẹp, dễ thương. Chồng chị rất quý con, không chỉ cưng chiều mà đi đâu anh cũng gọi điện về cho con gái. Nhưng một dạo, chị thấy chồng thường xuyên về nhà muộn trong bộ dạng liêu xiêu, đầy mùi rượu. Đã thế còn ăn mặc chải chuốt, xịt nước hoa, lén lút gọi điện thoại. Chị Hạnh lại tự ti vì vẻ ngoài còm nhom, thiếu sức sống của mình. Vì thế, chiều nào, chị cũng sai con gọi điện thoại cho bố, mè nheo bằng được bố về. Không được, chị vừa điện thoại, vừa la mắng, cấu véo để con khóc cho chồng sốt ruột phải về. Ngày cuối năm, anh càng lấy cớ đi tiếp khách, về muộn nhiều hơn. Bất chấp trời lạnh đến 10 độ C, mưa ướt, chị vẫn đèo con đi đến tận chỗ nhậu tìm chồng. Chị tuyên bố thẳng với chồng: “Nếu anh không về thì sẽ lôi cả con đi tìm”.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, nhiều người có quan điểm, khi tình vợ chồng đã nguội thì người ta sống với nhau chủ yếu bằng nghĩa và trách nhiệm đối với con cái. Chính vì thế, nhiều phụ nữ dùng con làm “quyền lực mềm” để giữ chồng. Thương con, nhiều ông chồng đều cố gắng về nhà sớm, sum vầy với gia đình. Tuy nhiên, nếu dùng con làm vũ khí, làm chỗ trút giận kiểu “đánh rắn động cỏ”, “giết gà doạ khỉ” thì chẳng đem lại hạnh phúc mà ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm và sức khoẻ của trẻ.
Đứt dây
Thấy chồng sợ chiêu bài “con trai” của mình, chị Tuyết được đà lấn tới. Chị Tuyết thủ thỉ với chồng, khuyên anh nên viết di chúc để lại ngôi nhà và tài sản cho con trai, do chị bảo hộ. Con gái lớn đi lấy chồng, là con người ta. Anh lớn tuổi rồi, nhỡ có mệnh hệ nào thì hai đứa con gái lớn xúm lại, đuổi mẹ con chị ra đường thì sao. Nhưng chồng chị lại tuyên bố, anh phải có trách nhiệm với các con. Nếu di chúc thì con trai cũng như con gái. Thấy vậy, chị Tuyết giận dỗi, đưa con về nhà mẹ đẻ. Những tưởng anh sẽ hối hả đi tìm hai mẹ con về và chấp nhận yêu cầu của mình. Nhưng chị về nhà 3 tuần, chồng cũng không đón. Bố mẹ chị nghe con gái kể chuyện cũng mắng chị như tát nước vì không biết điều.
Cho rằng chiêu của mình “chưa đủ nặng”, chị Tuyết đòi ly hôn và giữ con để nuôi. Lúc đó, chồng chị mới thủng thẳng: “Anh báo trước, nếu ly hôn, ra toà, một bà mẹ không có nghề nghiệp, không có thu nhập, không có nhà như em thì không được quyền nuôi con đâu”. Chị Tuyết rơi từ chín tầng mây xuống đất. Sau một ngày đi ra đi vào, chị nhấc điện thoại, gọi chồng: “Anh đến đón mẹ con em về đi, con nhớ bố lắm rồi”…
Tuy nhiên, kết cục của chị Hạnh lại không được vui vẻ như vậy. Bận liên hoan cuối năm với cơ quan, anh Linh – chồng chị Hạnh chỉ gọi điện về thông báo rồi tắt điện thoại. Nhưng, anh cũng vẫn bỏ dở tăng 2, về nhà lúc 9 giờ tối. Đến cổng, anh chết sững khi vợ ôm con đứng ở vỉa hè đầu ngõ. Trời rét buốt và mưa phùn nhưng chị mặc phong phanh, con gái tím tái vì lạnh. Đêm hôm đó, cô con gái bị viêm phổi nặng phải đưa vào viện, còn phải thở máy, tính mạng bị đe dọa. Nằm viện suốt 3 tuần vẫn chưa khỏi hẳn. Gia đình có nguy cơ mất Tết. Mẹ chồng chị biết chuyện kêu trời: “Chị thật quá độc ác. Có giữ được chồng hay không còn phụ thuộc vào tâm, vào đức của mình. Với con chị cũng hành hạ như vậy thì mong gì người khác yêu quý mình”. Tuy nhiên, chị vẫn không ngừng kể lể rằng chị giữ chồng như thế chẳng phải vì giữ bố cho con hay sao. Chồng chị tuyên bố thẳng thừng, đã có đủ các bằng chứng vợ hành hạ con, nên sau khi con khỏi ốm, anh sẽ đưa đơn ra tòa. Ngày Tết sắp đến nhưng chị Hạnh không còn lòng dạ nào.
Theo ông Hòa, con cái chỉ là một yếu tố làm nên quan hệ hôn nhân, giúp vợ chồng có trách nhiệm, có tình nghĩa với nhau hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào con để hi vọng trói buộc được chồng là không đủ. “Đứa con chỉ phát huy được tác dụng “lạt mềm”, khi người vợ sử dụng tình yêu thương, nhân hậu. Hành hạ con để giữ chồng chẳng khác nào chứng minh sự tàn nhẫn, vô tình của mình. Chồng không chắc đã giữ được mà người phụ nữ đó còn đánh mất tình yêu, sự tôn kính mẹ của trẻ” – ông Hòa cho biết.
“Khi bạn dùng con ép buộc chồng nghĩa là bạn đã đẩy người đàn ông vào tâm thế miễn cưỡng, bực bội. Sẽ khó có được sự vui vẻ, thoải mái trong gia đình nếu người đàn ông chỉ trở về gia đình vì đứa con” - Bà Nguyễn Hoài Đức - Viện trưởng Viện nghiên cứu Sức khoẻ sinh sản và gia đình.