Đừng chỉ vì lợi trước mắt

ANTĐ - Đến thời điểm này, đã có những tín hiệu vui về lương, thưởng Tết của nhiều doanh nghiệp, phần nào làm yên lòng người lao động. Dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp làm ăn chưa có lãi nhưng vẫn cố gắng đảm bảo quyền lợi của người lao động. Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội cho biết, hầu hết các doanh nghiệp dự kiến sẽ thưởng Tết với mức trung bình từ 1-2 tháng lương. Tại TP.HCM, các doanh nghiệp cố gắng có tháng lương thứ 13 cho người lao động.

Theo báo cáo sơ bộ, mức thưởng Tết năm nay khó cao hơn năm ngoái do chính sách bảo hiểm, tiền lương đối với người lao động có nhiều thay đổi. Khi phải tăng lương theo quy định, các doanh nghiệp phải cân đối giảm thưởng để có lãi. Dự đoán, mức thưởng Tết ở khu vực doanh nghiệp tư nhân bình quân khoảng 2-3 triệu đồng/người. Ở khối doanh nghiệp Nhà nước, mức thưởng bình quân đạt 5-7 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không quá 30 triệu đồng/người. Mức thưởng khiêm tốn nhất vẫn duy trì 1 tháng lương cơ bản. Ngoài ra, tùy theo tình hình tài chính, các doanh nghiệp đều cố gắng tặng người lao động gói quà Tết gồm bánh mứt kẹo, bột ngọt, dầu ăn hoặc hỗ trợ tiền tàu xe cho những người có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết. 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, điều đáng quan tâm là đời sống người lao động tại hàng nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Bộ sẽ đề xuất UBND tỉnh, thành phố cấp ngân sách hỗ trợ một phần, giúp người lao động có thể đón Tết tươm tất. Ở một số địa phương có số lượng lớn người lao động như Bình Dương, Đồng Nai… ngoài việc các công ty chủ động đưa công nhân về quê ăn Tết, liên đoàn Lao động tỉnh cũng hỗ trợ vé, xe đưa lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê.

Thưởng Tết cho người lao động làm việc suốt một năm đôi khi trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp khi hàng vẫn tồn kho, đơn hàng gặp khó, sản xuất kinh doanh chưa thực sự khởi sắc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã có cách nhìn mới: Người lao động là vốn quý nhất, nhất là đội ngũ lao động lành nghề, nếu được chăm lo chu đáo, họ sẽ gắn bó, tận tâm với doanh nghiệp.  Nói cách khác, đảm bảo quyền lợi, chăm lo cho người lao động chính là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và lớn mạnh của doanh nghiệp. Chỉ vì lợi trước mắt, “vắt chanh bỏ vỏ”, không ít doanh nghiệp đã phải trả giá trong cuộc cạnh tranh về nhân lực.