Đừng "cắt khúc" trách nhiệm

ANTĐ - Tình trạng xe khách cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành khách trên quốc lộ 5 còn chưa được giải quyết thì mức phí trên tuyến đường sẽ tăng gần 50% từ ngày 1-4 tới. Phí đường bộ tăng thêm sẽ “đổ” lên đầu hành khách trong khi họ chưa được cung cấp dịch vụ an toàn, chất lượng trên tuyến quốc lộ 5.

Trên Quốc lộ 5, từ 1-4, mức phí đường sẽ tăng gấp rưỡi so với hiện tại. Trước đó, nhà đầu tư là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam đã được tăng phí giai đoạn 1 từ tháng 12-2015 đến cuối tháng 3-2016 với mức phí 30.000-160.000 đồng/lượt, tùy loại xe.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhà đầu tư này đã tăng phí liên tiếp 2 lần. Đại diện chủ đầu tư khẳng định, đây sẽ là lần tăng phí “nóng” cuối cùng trên tuyến đường huyết mạch này. Lý giải lý do tăng phí, vị đại diện nhà đầu tư cho biết, nếu không tăng, phương án hoàn vốn của dự án sẽ phá sản. Chuyện nhà đầu tư tăng phí, bằng mọi cách nhanh chóng kiếm đủ tiền để hoàn vốn đầu tư đổ vào 2 tuyến đường là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ai sẽ sẻ chia, thông cảm với hàng vạn hành khách hàng ngày đi lại trên tuyến đường này? 

Không thể phủ nhận một thực trạng đáng lo ngại là việc cấp phép “quá đà” cho các doanh nghiệp vận tải hành khách trên tuyến này đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Sự cạnh tranh không lành mạnh, giành giật khách tất yếu sẽ diễn ra. Đó là chưa kể hiện tượng tiêu cực, “bảo kê” của côn đồ như báo chí và dư luận đã lên tiếng.

Được biết, qua số liệu kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng trên đường, Sở GTVT Hà Nội vừa quyết định đình tài, thu hồi phù hiệu hoạt động của 221 xe khách vi phạm các quy định vận tải trong thời gian qua. Lỗi vi phạm phổ biến là chở quá số người cho phép, thu giá vé cao, dừng đỗ đón trả khách sai quy định...

Sở GTVT cũng nhận được chỉ đạo của UBND TP về việc tăng cường kiểm tra, xử lý hiện tượng các doanh nghiệp vận tải hành khách và bến xe phớt lờ quy định của cơ quan quản lý. Sở GTVT đã yêu cầu Thanh tra Sở GTVT phối hợp với lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự, công an các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý xe vi phạm...

Sự vào cuộc của Sở GTVT Hà Nội là kịp thời, cấp thiết. Song dù sao cũng chỉ là điểm đầu xuất phát trên toàn tuyến. Quốc lộ 5 đi qua 4 tỉnh, thành phố, vì thế, dễ dẫn đến tình trạng “cắt khúc” trách nhiệm giữa các địa phương. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp liên tuyến, liên tỉnh thì tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí tiêu cực, “bảo kê”… trong hoạt động dịch vụ vận tải trên tuyến Quốc lộ 5 rất khó giải quyết triệt để. Như thế, chất lượng dịch vụ không thể nâng cao và ảnh hưởng xấu tới an toàn giao thông trên toàn tuyến.