Đưa những bằng chứng hùng hồn từ biển đảo về đất liền

ANTĐ - Bên cạnh những tài liệu khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam” cũng giới thiệu những hiện vật tiêu biểu, phản ánh quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông đầy anh dũng, kiên cường của các chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.

Triển lãm thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước

Kỷ vật từ biển khơi

300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày trong triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), do Bảo tàng phối hợp với Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bảo tàng Hải quân và Bảo tàng Biên phòng tổ chức. Triển lãm đã làm giàu thêm kho tư liệu hết sức phong phú và sinh động về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, củng cố tiếng nói đanh thép của lịch sử: Hoàng Sa, Trường Sa là những phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. 

Tham quan triển lãm, người xem có thể hình dung rõ ràng hơn quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên Biển Đông của Việt Nam thông qua những hình ảnh, hiện vật sinh động, xác thực. Nhiều hiện vật đã phản ánh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, khi Hải quân Nhân dân Việt Nam giải phóng và tiếp quản các đảo trên quần đảo Trường Sa từ chính quyền Sài Gòn. Trong đó có cờ giải phóng treo trên cột cờ đảo Song Tử Tây ngày 14-4-1975, Biển ngụy trang tàu AJ01F, Lữ đoàn 25 Hải quân đã chở bộ đội Trung đoàn 126 anh hùng đổ bộ và giải phóng các đảo thuộc Trường Sa… 

Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hải quân Nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng, bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một trong những hiện vật gây xúc động nhất tại triển lãm có lẽ là chiếc cáng cứu thương mà cán bộ, chiến sỹ tàu HQ 931 đã sử dụng khi cứu hộ tàu HQ 605, HQ 505 bị tàu Trung Quốc bắn chìm tại đảo Cô Lin và Len Đao (quần đảo Trường Sa) ngày 14-3-1988. 

Bằng chứng khó có thể chối cãi

Gây được sự chú ý nhiều nhất tại triển lãm lần này là những mảnh vỡ của tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm rách khi đang thực thi nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa trong thời gian tháng 5 và tháng 6-2014, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đó, liên tiếp các tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã đâm vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam số hiệu 2012 (ngày 4-5-2014) và tàu Cảnh sát biển số hiệu 2016 (ngày1-6-2014), gây hư hỏng nặng cho hai tàu. Những cú đâm trực tiếp vào mạn tàu, gây ra những vết rách dài, lỗ thủng lớn, là những bằng chứng không thể chối cãi cho thấy tàu Trung Quốc đã nhiều lần tấn công có chủ ý, thô bạo đối với các tàu Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sự an toàn của các chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền chính đáng trên vùng biển Hoàng Sa. 

Ngoài hệ thống các tư liệu, hình ảnh khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, một số châu bản triều Nguyễn, hệ thống bản đồ của các Nhà nước phong kiến Việt Nam…, triển lãm cũng giới thiệu tới công chúng Thủ đô những tư liệu mới sưu tầm như: Giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy sinh ra ở Hoàng Sa do cơ quan hành chính Pháp đặt tại Hoàng Sa cấp năm 1940, Nghị định số 3282 ra ngày 5-5-1939 của Toàn quyền Đông Dương về việc chia quận hành chính Hoàng Sa thành hai quận hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên…

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại tá Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, triển lãm không chỉ góp phần khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo mà còn là tiếng nói tri ân, tôn vinh những cống hiến, hy sinh và đóng góp to lớn của các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.