Dự án giảm thất thoát nước sạch 44 triệu usd: Mỗi ngày vẫn mất 5 tỷ đồng

ANTĐ - Theo kế hoạch, dự án giảm thất thoát nước sạch trị giá 44 triệu USD của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) bắt đầu từ năm 2007 sẽ hoàn thành vào 2012 với mục tiêu giảm thất thoát 125.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, dự án mới giải ngân được… 22%, trong khi mỗi ngày, TP.HCM vẫn bị thất thoát lớn.

Sự cố vỡ đường ống nước và việc dò tìm điểm thất thoát nước sạch là vấn đề nan giải của Sawaco

Ông Trần Đình Phú - Tổng giám đốc Sawaco cho biết: Trong lộ trình chống thất thoát nước, Sawaco bắt buộc phải giảm 1-2% tỷ lệ thất thoát và TP.HCM cần 45 triệu USD nhằm thu hồi 125.000m3 nước/ngày đêm cho các khu vực trung tâm, 60 triệu USD nữa cho các vùng còn lại. Để giải bài toán vốn, WB đã cho vay 33 triệu USD, vốn đối ứng của Sawaco 11 triệu USD và để tăng nguồn vốn cho phần tiếp theo của dự án, Sawaco đề nghị HĐND TP.HCM chấp thuận tăng giá nước…

Tuy nhiên từ năm 2010, giá đã tăng song nước từ các nhà máy sản xuất ra vẫn bị thất thoát lớn. Chương trình chống thất thoát nước của TP.HCM đang không hiệu quả, gây lãng phí… TS. Ngô Hoàng Văn, Phó Chủ tịch Hội Nước và Môi trường TP.HCM nhận định: Hiện thành phố sản xuất được 1,6 triệu m3/ngày đêm nhưng lượng nước bị thất thoát chiếm hơn 40%, tức trên 650.000m3. Với giá nước bình quân là 7.500 đồng/m3, mỗi ngày TP.HCM mất 5 tỷ đồng và toàn bộ số tiền thất thoát này, người dân đang phải trả hộ cho ngành nước, chưa kể chính người dân nhiều khu vực vẫn phải sử dụng nước máy vàng đục, có mùi tanh. Đây là “cơ chế” không hợp lý và khó khuyến khích ngành cấp nước tích cực hơn trong công tác phân vùng, tách mạng nhằm chống thất thoát nước.

Ông Vương Quang Sang - Giám đốc BQL dự án Giảm thất thoát nước TP.HCM thuộc Sawaco cho biết: Đơn vị thực hiện dự án giảm thất thoát nước là Công ty Cấp nước Manila Water. Đây là đơn vị đã thực hiện một số dự án giảm thất thoát nước khá hiệu quả ở Manila, Philippines. Dự án được chia thành 6 vùng, thí điểm vùng 1 gồm các quận: 1, 3, 5, 10 và vùng 2 gồm quận 11, Tân Bình, Tân Phú. Trong đó, vùng 1 được chia thành 119 khu vực đồng hồ tổng (DMA - được thiết lập dựa trên số lượng khách hàng sử dụng nước, trung bình từ 1.500 - 2.000 khách hàng), mục tiêu giảm lượng nước thất thoát là 75.000m3/ngày đêm; vùng 2 được chia thành 125 DMA, mục tiêu giảm lượng nước thất thoát 50.000m3/ngày đêm…

Trong quá trình thiết lập các DMA, các van biên DMA sẽ được đóng lại khi có sự cố để không cho nước ở DMA này chảy sang khu vực khác và ngược lại. Khi đó, mỗi DMA với hệ thống đồng hồ đo, thiết bị điều khiển áp lực, thiết bị truyền dữ liệu sẽ cô lập, khép kín tại nơi điểm nước xảy sự cố và công cụ quản lý một cách bền vững này sẽ xác định chính xác lượng nước ở DMA thất thoát bao nhiêu, sau đó tiến hành dò tìm, phát hiện và kiểm soát lượng nước rò rỉ, kiểm soát được gian lận của khách hàng. Năm 2012, nhà thầu dự kiến bàn giao vùng 1 cho Sawaco nhưng hiện dự án đang rất chậm, vùng 1 mới thiết kế được 41 DMA, giảm được lượng nước thất thoát 47.000m3/ngày đêm, vùng 2 thì mới khởi công, chưa thiết kế được DMA nào…

Nguyên nhân, theo phía nhà thầu đưa ra: Hiện việc thỏa thuận đào đường chậm do nhiều dự án công trình ngầm thi công chồng chéo nhau; một số công trình hạ tầng đào bới ẩu khiến các van bị lấp quá nhiều, họa đồ hệ thống cấp nước cũng không được chính xác, nhiều khi ở ngoài có van nhưng trong họa đồ lại… không có?! Bên cạnh đó, do… “lịch sử” để lại, TP.HCM còn 3.350km ống với 700km đã quá cũ, cộng thêm 3.500km đường ống lẻ nối với các hộ dân. Hệ thống cấp nước vốn không đồng bộ, liên thông nhau, lại thêm nhiều khu vực trong các năm 2001-2003, hệ thống đường ống, các đai khởi thủy, kiềng lắp đặt kém chất lượng nên khi xuống cấp, gặp sự cố vỡ, rò rỉ, rất khó xác định, trừ những điểm vỡ lớn trồi lên làm sập mặt đường, còn nếu chủ động đi dò điểm sự cố, rất khó, đòi hỏi công nhân phải có kỹ năng nghe thật tốt hoặc có thiết bị dò lên đến hàng triệu USD.

UBND TP.HCM vừa có ý kiến chỉ đạo các ban, ngành, trong đó Sawaco phải đẩy nhanh công tác chống thất thoát nước. Tới thời điểm này, tỷ lệ hộ dân nội thành TP.HCM được sử dụng nước sạch mới chỉ đạt 85%, còn tới 225.000 hộ dân chưa được dùng nước máy trong khi một lượng nước sạch sản xuất được lại phải bỏ đi tương ứng công suất 2 nhà máy nước Tân Hiệp và BOO Thủ Đức cộng lại. Việc chậm trễ chống thất thoát nước sạch, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các đơn vị thực hiện dự án này. Sawaco cần làm rõ cơ cấu phân bổ vào giá thành một m3 nước sạch, tỷ lệ thất thoát nước là bao nhiêu để qua đó biết được tỷ lệ bù thất thoát nước. Việc này sẽ giúp người dân giám sát được việc giảm thất thoát nước của ngành nước sau khi tăng giá - không thể nói tăng giá để bù cho việc thất thoát nước mãi rồi để người dân lại gánh chịu thiệt hại.