Dư âm đêm pháo hoa Hà Nội đầy cảm xúc

ANTĐ - Điểm nhấn đầy cảm xúc của hàng triệu người dân Hà Nội trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là màn pháo hoa rực rỡ tại 30 địa điểm vào 21h tối 10-10, mang lại niềm cảm hứng và khơi dậy sự sáng tạo để làm nên sức sống mới cho thành phố...

Thủ đô Hà Nội vừa tổ chức một sự kiện trọng đại và vinh quang trong lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Hà Nội: kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2014). 60 năm - một “hoa giáp” đánh dấu thắng lợi huy hoàng của nhân dân Việt Nam trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Dư âm đêm pháo hoa Hà Nội đầy cảm xúc ảnh 1Đêm 10-10-2014 trở thành ngày hội lớn của người dân Thủ đô

Ngay sau thời khắc hơn 40 vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ hoa, hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về, Thủ đô Hà Nội đã bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; nỗ lực vượt qua bao khó khăn, vượt lên mọi đau thương mất mát trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vững bước trên con đường xây dựng và hội nhập.

Hà Nội đổi mới từng ngày với hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quy mô lớn, nhiều công trình văn hoá, giáo dục, y tế, nhiều đại lộ, nhiều cầu lớn, nhiều khu đô thị mới, nhiều làng quê chuyển mình mạnh mẽ…

Ngay từ đầu năm nay, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội xác định kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là hoạt động trọng tâm trong chương trình công tác của thành phố.

Với mục tiêu “thiết thực, an toàn, tiết kiệm”, bên cạnh các hoạt động kỷ niệm với nhiều nội dung phong phú, lãnh đạo thành phố đặc biệt chú trọng tới các hoạt động thi đua, sản xuất yêu nước, đặc biệt là tập trung mọi biện pháp để duy trì và phát huy những thành quả nổi bật của thành phố về trật tự văn minh đô thị, cải cách hành chính…

Sau 15 năm được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc và đảm bảo tốt 5 tiêu chí của thành phố hòa bình (Bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hoá giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ).

Còn đọng lại trong mỗi người dân Thủ đô, mỗi bạn bè trong nước và quốc tế đến với Hà Nội dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua là ấn tượng về một Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, về con người Thăng Long - Hà Nội thanh lịch và tài hoa; một Hà Nội năng động mà an bình, thân thiện đang trên đà phát triển.

Dư âm đêm pháo hoa Hà Nội đầy cảm xúc ảnh 2
Màn pháo hoa ấn tượng trong đêm mừng Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10

Cũng trong dịp này các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người nghèo, chỉnh trang đô thị… được thành phố phân công các ngành, các cấp thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả, đem lại diện mạo mới cho phố xá Hà Nội, niềm vui cho cộng đồng.

Điểm nhấn đầy cảm xúc của hàng triệu người dân Hà Nội trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là màn pháo hoa rực rỡ tại 30 địa điểm vào 21h tối 10-10, mang lại niềm cảm hứng và khơi dậy sự sáng tạo để làm nên sức sống mới cho thành phố.

Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã hòa chung vào không khí hạnh phúc, hân hoan trong ngày lễ trọng đại của Thủ đô. Kinh phí bắn pháo hoa chủ yếu được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Có 3 doanh nghiệp đã tham gia tài trợ 4,5 tỷ đồng cho sự kiện này.

Vậy mà, trên một vài diễn đàn, mạng xã hội lại xuất hiện những nhận xét lạc lõng, những đòi hỏi phiến diện và đầy toan tính theo kiểu “dừng bắn pháo hoa để không lãng phí ngân sách”; “chẳng vui vẻ gì xem bắn pháo hoa khi người dân đang rất đói khổ”.

Ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời đại nào, dù là những quốc gia phát triển nhất cũng luôn còn có người nghèo cần được giúp đỡ và không bao giờ có thể đáp ứng đủ ngay đường đi, đủ điện thắp sáng, đủ cầu qua sông. Con người không chỉ có nhu cầu vật chất đủ đầy mà đôi khi, khát vọng sống có ý nghĩa hơn còn quan trọng hơn rất nhiều. Trạng thái thoải mái, bình an và hạnh phúc... mắt thường không nhìn thấy, nhưng tâm hồn trải nghiệm được.

Một việc cũng cần phải nói cho thẳng thắn và rõ ràng, có vài cái tên mà dân mạng đã nhẵn mặt, với họ, “đối lập”, “phản biện” chính quyền là cái “mác” họ tự gắn cho mình bằng cách đặt vấn đề đao to búa lớn, cay cú, thậm chí “gắp lửa bỏ tay người”. Họ âm ỉ tự sướng với những thứ rác rưởi họ tung lên mạng, cách nhìn méo mó và hằn học ấy thật chẳng đáng để bàn luận nhiều.

Trở lại trách nhiệm xã hội trước nhân dân, chúng ta cùng hồi tưởng về năm 1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng.

Ngày 29-8-1969, buổi chiều, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Bác. Vừa tỉnh lại, Người hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi?”. Nghe Thủ tướng báo cáo, Người dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”.

Sẽ rất khập khiễng khi đem các giá trị văn hóa tinh thần so sánh với các giá trị vật chất cụ thể. Không thể tính toán một cách giản đơn rằng thay vì tổ chức một lễ hội hay xây dựng một công trình văn hóa, thì sẽ xây dựng được bao nhiêu trường học, bao nhiêu trạm xá…

Dư âm đêm pháo hoa Hà Nội đầy cảm xúc ảnh 3Người dân Hà Nội háo hức thưởng thức màn bắn pháo hoa, dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10

Trong mọi lĩnh vực đầu tư, nguyên tắc hàng đầu là cần sử dụng nguồn vốn chính xác, hiệu quả và tiết kiệm. Những giá trị tinh thần sâu rộng của các sự kiện văn hóa có ý nghĩa sẽ lắng đọng trong từng con người và cộng đồng dân cư được thụ hưởng, chứ không thể quy thành lợi nhuận kinh tế để mang ra cân đong đo đếm.

Tiến sĩ Katherine Mulle - Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã nhận xét như sau: “Bạn đã sống ở Hà Nội thì sẽ yêu Hà Nội và cuộc sống của bạn sẽ thay đổi”. Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” chính là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với Thủ đô Hà Nội về sự bình đẳng trong cộng đồng để xây dựng đô thị hiện đại và giữ gìn môi trường sống, để thúc đẩy văn hóa và giáo dục; về niềm tin và khát vọng hòa bình của nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức và những điều chưa hài lòng nhưng Hà Nội đã và đang chuyển mình, thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, nơi hội tụ tinh hoa ngàn năm văn hiến, là thành phố năng động, đang trên đà phát triển và luôn phấn đấu không ngừng cho mục tiêu hòa bình, thịnh vượng, công bằng.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng:

Mạng xã hội tuy ảo nhưng thật

Dư âm đêm pháo hoa Hà Nội đầy cảm xúc ảnh 4

Có khá nhiều người đang coi mạng xã hội là nơi để “xả” lung tung và “chém gió”. Đứng trước một việc xảy ra, chưa chắc họ đã nghĩ như thế nhưng họ cứ nói. Xu thế ngày nay còn có nhiều người muốn nói ngược lại đám đông để trở thành “hiện tượng” mà không ý thức được về lời nói của mình. 

Mạng xã hội tuy là ảo nhưng cũng là thật, một lời nói có thể gây tác động nhất định đến đời sống chung.

Như việc Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua, nhiều người cứ lên mạng nói bắn làm gì tốn tiền, phải vì người nghèo, phải hỗ trợ cho người nghèo… Thế nhưng, họ chỉ nói thôi, khi được vận động hiến máu, rồi quyên góp ủng hộ từ thiện, mấy người trong số đó đâu có dám “vì cộng đồng”.

Nhà văn Hoàng Anh Tú:

Thiếu hiểu biết và tâm lý “bầy đàn”

Dư âm đêm pháo hoa Hà Nội đầy cảm xúc ảnh 5

Trước một thông tin mới, có một bộ phận trong cộng đồng mạng dù chưa biết thực hư nhưng đã kịp bình phẩm, bóp méo hay tạo những dư luận trái chiều, mặc dù chưa nắm được bản chất thông tin đó.

Tôi nghĩ đó là những người thiếu hiểu biết và mang tâm lý “bầy đàn”. Quả thực có những người như thế, họ chọn mạng xã hội và tính “ẩn danh” trên mạng xã hội để thể hiện “quyền lực ảo”.

Họ say mê thứ quyền lực đó, ảo tưởng về sức mạnh của quyền lực đó. Thật buồn khi phải nói rằng trong đó có một bộ phận không nhỏ những người trẻ.

Diễn viên Saetti Baggio:

Phải có trách nhiệm với mỗi phát ngôn

Dư âm đêm pháo hoa Hà Nội đầy cảm xúc ảnh 6

Tôi thấy nhiều bạn trẻ cứ ngồi sau màn hình máy tính là thoải mái nói những thứ mà bản thân họ có khi còn chưa hiểu hết hay nắm rõ. Mà điều này thì chính anh chị em nghệ sĩ chúng tôi nhiều khi cũng trở thành nạn nhân của những lời nói thiếu căn cứ và hết sức vô trách nhiệm ấy. Đó là mặt trái của mạng xã hội.

Tôi nghĩ mỗi lời nói trên mạng xã hội tưởng như vô hại mà nhiều khi lại vô cùng tai hại, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thật. Lên mạng “chém gió” cũng giống như bạn ngồi uống trà và nói chuyện hàng ngày với nhau vậy.

Khi nói ra bất cứ điều gì, hãy nghĩ đến hậu quả của những lời nói ấy chứ đừng nói ào ào cho vui miệng, hay a dua gây ra dư luận không tốt. Điều quan trọng là khi phát ngôn ra bất cứ lời nói nào, chúng ta cần phải có trách nhiệm với nó. 

MC Thùy Minh:

Mỗi người cần một “bộ lọc” thông tin

Dư âm đêm pháo hoa Hà Nội đầy cảm xúc ảnh 7

Có những người nói về những gì mình không biết rõ lắm, ngay cả với một vấn đề xã hội, thì lại bình luận rất thoải mái, vô tư. Vô tình những lời bình luận như thế được lan truyền trên mạng xã hội. Một số báo lại tiếp tay cho họ, bằng cách trích đăng những phát ngôn như vậy trên mạng xã hội lên mặt báo.

Tôi lấy ví dụ khi dịch bệnh Ebola bùng phát ở châu Phi thì có cặp vợ chồng tung tin dịch Ebola đã về Việt Nam. Điều này rõ ràng để lại một hệ lụy xấu đối với xã hội.

Hoặc trước những thông tin về việc Hà Nội tổ chức những sự kiện để chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô, có rất nhiều có tâm lý “chê” trước khi “nhìn”, hay biết rõ thông tin về sự việc nhưng cứ phản đối, cho mình được quyền bình luận.

Có thể những bình luận ấy không gây ra hậu quả, ngược lại cũng có thể dẫn đến những hiệu ứng tâm lý tiêu cực. Bởi vậy, tôi cho rằng, khi tiếp nhận bất cứ thông tin gì, mỗi người cần có một “bộ lọc” cho riêng mình.  

Bữa tiệc ánh sáng đầy ý nghĩa

Dư âm đêm pháo hoa Hà Nội đầy cảm xúc ảnh 8

Trong những ngày qua, trên một số diễn đàn mạng đã xuất hiện thông tin cho rằng việc Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa vào đêm 10-10 là lãng phí, không cần thiết.

 Cá nhân tôi hoàn toàn phản đối quan điểm này và cho rằng đây chỉ là kiến của số ít người mang tính chất phá bĩnh, quấy rối. Bởi lễ kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng thủ đô là sự kiện mang tầm quốc gia, đã được Chính phủ giao Hà Nội tổ chức.

Đây là ngày kỷ niệm có ý nghĩa lớn, cũng là dịp tôn vinh những giá trị lịch sử, truyền thống yêu nước của cả dân tộc. Hình ảnh những chùm pháo hoa rực rỡ tỏa sáng trên bầu trời Hà Nội đã mang đến một “bữa tiệc” ánh sáng mãn nhãn đối với người dân Thủ đô.

Có mặt ở Bờ Hồ trong đêm lung linh đó, tôi thấy yêu và có trách nhiệm với Thủ đô của mình hơn.

Hồ Phương Thanh

(Chung cư Sông Đà, đường Hoàng Minh Giám, Thanh Xuân, Hà Nội)

 Món ăn tinh thần đặc biệt

Dư âm đêm pháo hoa Hà Nội đầy cảm xúc ảnh 9

Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ mới vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô – Hà Nội.

Với ý nghĩa này, việc Thành phố Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa là nhằm tạo ra không khí vui tươi trong dịp kỷ niệm, tạo động lực thúc đẩy người dân phấn đấu thi đua lao động, sản xuất, xây dựng thủ đô ngày càng văn minh hiện đại…

Hơn nữa, tôi được biết, kinh phí bắn pháo hoa chủ yếu được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Do vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ và cảm ơn Ban tổ chức lễ kỷ niệm đã mang lại món ăn tinh thần đặc biệt quý giá đối với người dân Thủ đô trong ngày vui đó.

Trịnh Công Sơn

(Cán bộ Ban QLDA Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình)