Đợt 1 kỳ thi đại học 2012: Tăng số vi phạm quy chế thi lên 129 trường hợp

ANTĐ - Trong cả 3 buổi thi đợt I, toàn quốc có 129 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ 2011 (khiển trách 27; cảnh cáo 6; đình chỉ 92 và 4 thí sinh đến muộn không được dự thi); có 2 cán bộ bị xử lý kỷ luật đình chỉ, giảm 4 trường hợp so với đợt I năm 2011. Tính đến thời điểm kết thúc môn thi cuối cùng đại học đợt 1, cả nước có 658.791 thí sinh, trên tổng số 869.233 thí sinh đăng kí dự thi, đạt tỷ lệ 75,79 (năm 2011 là 76,10%) ở 1.023 điểm thi với 29.916 phòng thi. So với buổi thi đầu, đã có 3.005 thí sinh bỏ thi giữa chừng.

Chia sẻ niềm vui sau những buổi thi căng thẳng

Giám thị thở phào nhẹ nhõm

“Không có trường hợp thí sinh nào mang máy ảnh, quay phim vào phòng thi” - ông Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Giao thông vận tải khẳng định. Bà Nguyễn Thị Tĩnh, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, thí sinh đã vào sư phạm là muốn làm thầy cô giáo nên việc mang các thiết bị vào phòng thi là không cần thiết và hãn hữu mới có.

Chính vì vậy, để giảm nhẹ áp lực cho giám thị, một số Hội đồng thi như Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Ngoại thương, thí sinh được yêu cầu báo cáo với giám thị khi muốn mang một thiết bị công nghệ vào phòng thi. Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương, giám thị có thể chủ động hơn trong việc giám sát việc sử dụng thiết bị của thí sinh. Với trường ĐH Thương Mại, Phó hiệu trưởng Bùi Xuân Nhàn cho biết: Lúc mới có quy định này, nhiều giám thị cũng khá bối rối nhưng sau đó đã yên tâm vì Hội đồng đã thống nhất cách xử lý. Theo đó, trong trường hợp thí sinh mang thiết bị vào phòng thi mà giám thị chưa có điều kiện kiểm tra thiết bị, cán bộ coi thi sẽ lập biên bản ghi nhớ, nêu rõ mục đích sử dụng. Thiết bị sẽ được để trên mặt bàn và không được làm ảnh hưởng tới các thí sinh xung quanh, nếu không sẽ xử lý theo quy chế với mức khiển trách. Sự việc cần được báo cáo lại với điểm trưởng để kiểm tra, xác định thiết bị có vi phạm quy chế hay không. 

“Không nên đặt quá nhiều áp lực lên giám thị vì người coi thi không thể biết hết các thiết bị công nghệ cao. Hơn nữa, các thí sinh tới đây với mục đích chính là đi thi chứ không phải làm việc khác. Vì vậy giám thị không nên chịu thêm áp lực phải nhận biết, phát hiện các thiết bị công nghệ cao, thay vào đó nên tập trung vào chuyên môn và giám sát thí sinh. Có vấn đề gì cần thiết thì giám thị báo cáo cho điểm trưởng để có biện pháp giải quyết” - bà Nguyễn Thị Tĩnh phân tích.

Đóng góp lớn từ lực lượng tình nguyện

Tại Học viện Ngoại giao, các bậc phụ huynh ở đây thấy phấn chấn hơn nếu con mình đỗ vào trường này bởi tác phong “ngoại giao” rất chuyên nghiệp của lực lượng tình nguyện. Không có cảnh đứng ngồi chen chúc của người nhà ngoài cổng trường chờ đón thí sinh hết giờ làm bài. Thay vào đó là các hàng ghế được kê thẳng hàng dọc hai bên cổng trường có dù che nắng. Không những vậy, những cốc trà đá miễn phí liên tục được sinh viên tình nguyện bê ra mời tận tay phụ huynh. Không chỉ phụ huynh có con em thi ở trường này được phục vụ như vậy mà còn có không ít người nhà có con em thi ở cơ sở bên cạnh sang tá túc.

Tại ĐH Giao thông vận tải, 500 suất cơm miễn phí đã được cung cấp cho các thí sinh ngay sau buổi thi đầu tiên. Ông Lê Hoài Đức, Trưởng phòng công tác chính trị sinh viên ĐH Giao thông vận tải cho biết, đây là hoạt động truyền thống của đoàn trường và hội sinh viên. Kết thúc buổi thi cuối cùng, các thí sinh hoàn thành đợt thi được chào đón bởi hàng tràng pháo tay ròn rã, động viên và khích lệ của các anh chị sinh viên tình nguyện ĐH Ngoại thương đang làm nhiệm vụ ngoài cổng trường. Toàn bộ đồ đạc cá nhân, điện thoại... của hơn hàng nghìn thí sinh dự thi ở đây đều được lực lượng tình nguyện viên phát phiếu và trông hộ miễn phí.

Đánh giá về thành công của đợt thi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH,CĐ 2012 đặc biệt nhấn mạnh, chương trình Tiếp sức mùa thi đã được triển khai và thể hiện tác dụng tích cực đối với công tác tổ chức thi. Trên 21.200 thanh niên, sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác tổ chức thi từ tham gia phân luồng, giảm ùn tắc giao thông, hướng dẫn thí sinh đến các điểm thi, hỗ trợ việc đi lại, ăn ở cho thí sinh, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài các khu vực thi. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của xã hội với hàng ngàn chỗ trọ, suất ăn miễn phí, giá rẻ cho thí sinh.