- Châu Âu tìm phương án giải quyết vấn nạn dân di cư
- Bí quyết sống khỏe của phụ nữ các nước
- Hy Lạp tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề nợ công
Tình hình của Hy Lạp hiện nay được ví như "ngàn cân treo sợi tóc"
Phát biểu sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, họ sẽ không tăng nguồn vốn khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, Thủ tướng Tsipras khẳng định các nguồn tiền gửi của Hy Lạp đã được an toàn.
Theo kế hoạch, Hy Lạp phải trả khoản 1,6 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào thứ 3 (30/6). Đây cũng là ngày hết hạn gói cứu trợ hiện tại của nước này.
Hiện nay, Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ và tiến gần hơn tới mốc ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Vào dịp cuối tuần qua, trước những thông tin đầy tiêu cực về tình hình tài chính, nhiều người dân Hy Lạp đã xếp hàng để rút tiền của họ từ các máy trả tiền tự động, khiến phía Ngân hàng Hy Lạp cho biết họ đã có “những nỗ lực rất lớn” để duy trì khả năng chi trả cho người dân.
Dự kiến, các ngân hàng Hy Lạp sẽ vẫn giữ tình trạng đóng cửa cho tới ngày 7/7, hai ngày sau thời điểm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp về các điều kiện do giới chủ nợ quốc tế đưa ra để đổi lấy khoản viện trợ mới.
Sàn giao dịch chứng khoán Athens cũng bị đóng cửa từ thứ 2 (29/6).
Trong hoàn cảnh đó, chính phủ các nước Đức và Anh khuyên người dân nước họ nên mang theo nhiều tiền euro nếu đi du lịch tới Hy Lạp, đề phòng khả năng khó rút tiền.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm để bàn về cuộc khủng hoảng. Theo thông tin từ Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo này đã đồng ý với nhau về ý nghĩa “cực kỳ quan trọng” của việc giữ Hy Lạp ở lại eurozone.
Còn Thủ tướng Pháp Manuel Valls thì nói với đài French TV: “Chúng ta phải làm mọi thứ để Hy Lạp được ở lại eurozone. Làm mọi thứ ở đây nghĩa là tôn trọng Hy Lạp và sự dân chủ, nhưng cũng là tôn trọng luật lệ của châu Âu. Bởi vậy, Hy Lạp cần phải trở lại bàn đàm phán”.