Đồng bào Việt kiều hướng về Tổ quốc, biển đảo yêu thương

ANTĐ - Ngoài đường phố, không khí Tết lúc này đã  hối hả lắm rồi. Năm nào cũng vậy, những ngày áp Tết bao giờ cũng vội, cũng nhanh.  Phố phường người xe chật cứng, mọi người lo sắm sanh ngày Tết. Đào, quất cũng tất bật xuống đường để đón chào một mùa Xuân mới. Nhưng, trong các bệnh viện, phía sau cuộc sống ồn ào vội vã kia vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, vẫn có những giọt nước mắt buồn bã nghẹn ngào lăn xuống. 

Bệnh tật, nghèo khổ khiến họ không dám nghĩ đến cái Tết. Mang Tết đến cho người nghèo là một hoạt động đã trở thành truyền thống của Báo An ninh Thủ đô. Và Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương là một trong những địa chỉ mà chúng tôi đến  để chuyển những món quà ý nghĩa của những kiều bào Việt Nam đang ở xa Tổ quốc.

Từ cách xa nửa vòng trái đất

Đồng bào Việt kiều hướng về Tổ quốc, biển đảo yêu thương ảnh 1

Đặt niềm tin vào Báo An ninh Thủ đô, đây là lần thứ hai những kiều bào Việt Nam thuộc Hội người Việt Nam ở Osnabruck và vùng lân cận và Ban Phụ nữ tại Cộng hòa liên bang Đức thông qua Báo An ninh Thủ đô chuyển hộ cho những hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Năm nay, trở về Việt Nam vào dịp Tết, đại diện Hội là anh Phạm Văn Quân mong muốn Báo An ninh Thủ đô chuyển 20 suất quà đến các cháu là bệnh nhi gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Và 1 suất quà đặc biệt tới 1 địa chỉ cụ thể là cháu Phan Thu Hoài đã được điều trị tại Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Cháu Phan Thu Hoài sinh năm 2011 là con của Thượng úy Phan Văn Hoàng - chiến sĩ cụm chiến đấu số 1, đảo Trường Sa. Sau khi lấy nhau 10 năm, vợ chồng anh Hoàng mới sinh được cháu Hoài bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hạnh phúc tột cùng là vợ chồng anh có được đứa con sau những chuỗi ngày mong ngóng chờ đợi. Anh Hoàng hy vọng có con vợ anh sẽ vơi bớt nỗi buồn khi nhà vắng bàn tay chăm sóc của anh, nhưng nỗi đau ngay lập tức lại ập khi anh nhận tin báo từ đất liền: Cháu Hoài bị mắc bệnh suy tủy, thiếu máu bẩm sinh. Cháu sinh ra trong sự lo lắng hồi hộp trông ngóng không chỉ của gia đình, người thân và của cả đồng đội của anh - những chiến sĩ đảo Trường Sa. Cháu đã được cứu sống nhờ những giọt máu tình nguyện, trong đó có cả những giọt máu của những người lính đảo. Hiện cháu Hoài phải điều trị hóa chất và tiếp máu thường xuyên vì cơ thể cháu không thể sản sinh ra máu. Gia đình anh Hoàng đã bán tất cả những gì có thể để chữa bệnh cho con, nhưng với bệnh tình của cháu thì chỉ như muối bỏ biển.

Anh Phạm Văn Quân, Hội người Việt Nam tại Đức cho biết, mặc dù ở xa quê hương Tổ quốc, nhưng những người Việt Nam lúc nào cũng đau đáu nghĩ về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Đọc thông tin qua mạng internet biết hoàn cảnh của cháu Hoài có bố đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngoài biển đảo, hội cũng muốn được chuyển đến cháu một phần quà nhỏ để động viên tinh thần gia đình cháu trong dịp Tết. Mong sao anh Hoàng yên tâm công tác, vững vàng trước sóng gió biển khơi. 

Chia sẻ với Báo ANTĐ, anh Phan Văn Hoàng vô cùng xúc động trước tình cảm mà bà con Việt kiều đã dành cho cháu Hoài, anh cũng không ngờ bà con mình cách xa nửa vòng trái đất mà vẫn dõi theo hoàn cảnh của gia đình anh. Anh Hoàng cho biết, cháu Hoài hiện vẫn phải truyền máu hàng tháng và gia đình đang nhờ Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương tìm kiếm tủy để nuôi cho đến khi cháu Hoài 4 tuổi mới làm phẫu thuật ghép tủy. Trong thời gian này, anh Hoàng được đơn vị cho nghỉ để chăm sóc cháu, đến tháng 3- 2013 anh sẽ lại ra đảo để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó cho những người lính đảo. Anh Hoàng tâm sự: Ở đảo thì nhớ nhà mà ở nhà thì lại nhớ đảo, nhưng không biết làm sao vì hoàn cảnh của mình nó vậy nên sẽ cố gắng thu xếp việc gia đình để tiếp tục làm nhiệm vụ. Anh Phan Văn Hoàng cũng muốn thông qua Báo An ninh Thủ đô gửi lời cảm ơn đến những kiều bào ở xa Tổ quốc một năm mới an vui, mong kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, những người lính đảo các anh vẫn luôn vững vàng bảo vệ biển đảo yêu thương của Việt Nam.

Hôm đến Báo An ninh Thủ đô, cùng đi với anh Phạm Văn Quân có bà Trịnh Thị Kim Định ở K4, khu tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà Định năm nay đã 80 tuổi, bà có con trai đang sinh sống và làm việc tại Đức, và cũng là thành viên của Hội người Việt Nam tại Osnabruck. Bà cũng thường xuyên răn dạy con cháu mình làm việc thiện, hướng về Tổ quốc. Bà Định đã nhiều lần đóng góp phần lương hưu ít ỏi của mình cùng với Báo ANTĐ chuyển đến những hoàn cảnh bất hạnh. Lần này bà Định đã chuyển số tiền 5 triệu đồng của các cháu bà là cháu Trương Tuấn Nam, Trương Trà My, Trương Hoàng Nam để gửi đến các bạn đang bị mắc bệnh hiểm nghèo, trong đó có cháu Phan Thu Hoài. 

Nhịp cầu nối của những tấm lòng xa Tổ quốc

Theo mong muốn của những kiều bào xa Tổ quốc, chúng tôi có mặt tại Viện Nhi Trung ương vào một buổi chiều giáp Tết. Mặc dù đã áp Tết nhưng cả bác sĩ và bệnh nhân vẫn đang chạy đua từng giờ từng phút để giành giật sự sống cho những em nhỏ đang phải chống chọi bệnh tật. Thạc sĩ Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng Công tác xã hội cho biết: Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán sẽ có khoảng 600 bệnh nhi phải nằm lại và đón Tết trong bệnh viện. Trong số này có rất nhiều những em bé bị bệnh nặng và hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Vì vậy mỗi món quà nhân đạo đến với gia đình các em trong những ngày này sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn, xoa dịu bớt nỗi đau và sự vất vả mà bố mẹ các em đang phải gánh chịu. 

Những cháu bé phải nằm điều trị dài ngày tại đây hầu hết đều ở tỉnh xa,  bệnh trong tình trạng nguy hiểm. Như cháu Nguyễn Thiện Bảo, quê ở thôn Mai Chai, Trung Hưng, Sơn Tây, 28 tháng tuổi nhưng bé chỉ nặng hơn 9kg. Bé đã phải nằm viện điều trị một đợt do bị nhiễm trùng đường mật. Nhưng lần này bé bị tổn thương toàn bộ gan và phát hiện có tế bào ung thư. Điều thương tâm là cháu là con thứ 3, 2 cháu đầu bị đẻ non, đã mất. Bố mẹ lại ly hôn nên một mình mẹ cháu phải cáng đáng mọi việc. Chị Phùng Tú Linh, mẹ cháu vừa nói vừa khóc: 2 đứa con đầu đã mất, chồng lại bỏ đi theo người khác, giờ em chỉ còn một mình cháu để chăm sóc thì giờ lại bị bệnh tình như thế. Đưa con đi viện, em đã bán toàn bộ tài sản là chiếc xe máy và con lợn được hơn chục triệu. Nhưng khổ nỗi bệnh tình của cháu thế này, em cũng chẳng biết làm sao nữa. Cháu lại đang phải dùng mấy thứ thuốc mà bảo hiểm không chi trả, em cũng đã vay mượn khắp những chỗ có thể vay được, giờ thì cũng kiệt quệ rồi. Chị Linh cho biết cũng đã báo cho bố cháu nhưng anh ấy bảo từ hồi có bầu cháu, anh ấy đã bảo bỏ không bỏ thì giờ phải chịu. Ôm chặt con trong lòng, vừa lau nước mắt chị Linh vừa nói: Khi em mang bầu bé được 4 tháng, chồng lại bỏ em đi theo người khác nên em muốn giữ cháu để 2 mẹ con dựa vào nhau mà sống. Không ngờ giờ bé lại bị thế. Từ hôm vào viện đến nay em vô cùng tuyệt vọng. Nay có các anh các chị đến cho cháu quà Tết em thấy cũng đỡ tủi thân.

Còn cháu Đỗ Thị Giang, 10 tháng tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên, bị bệnh viêm phế quản phổi và hen. Nhìn cháu lên cơn thở dốc, mà chúng tôi cũng thấy lòng mình quặn thắt, ước gì mình có thể thở thay được cho cháu. Do đẻ non chỉ được hơn 1kg, nên từ ngày sinh ra đến nay bé liên tục phải nằm viện. Tâm sự với chúng tôi, chị Đỗ Thị Cam, mẹ bé mắt đỏ hoe: Từ hôm vào viện đến nay, chưa đêm nào em được ngủ vì phải trông con 24/24h. Bố cháu phải ở nhà để đi làm thêm kiếm tiền trang trải cho 2 mẹ con ở viện. Tết gần đến rồi, em cũng sốt ruột lo cho một bé còn ở nhà nhưng hiện tình trạng của con em vẫn đang nguy kịch nên chưa biết đến bao giờ mới được xuất viện. 

Trong 10 trường hợp Báo An ninh Thủ đô đến tặng quà thì hầu hết đều là những gia đình làm ruộng, có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bệnh tật của các cháu khiến cho kinh tế gia đình khánh kiệt. Nắm tay chúng tôi, chị Nguyễn Thị Phương, Quỳnh Lưu, Nghệ An với khuôn mặt khắc khổ, có con là cháu Nguyễn Tuấn Tú, 5 tuổi, bị viêm xương gót trái vừa khóc vừa nói: Do cháu bị bệnh nên bố cháu chán chường cũng bỏ mẹ con em. Giờ chỉ còn em lại đi trông cháu tại bệnh viện nên cũng không làm thêm được gì. Cháu đã mổ một lần nhưng sắp tới phải mổ lần nữa. Em xin các nhà báo kêu gọi các tấm lòng hảo tâm quan tâm, giúp đỡ cho em để em cứu cháu.

Rời Viện Nhi Trung ương, chúng tôi có mặt tại Viện Huyết học và Truyền máu khi trời đã về chiều. Vừa bước chân lên tầng  6, khoa Bệnh máu trẻ em thì chúng tôi đã nghe thấy những tiếng khóc xé lòng. Một người mẹ khóc thảm thiết, còn các y bác sĩ ai nấy mắt cũng đỏ hoe. Bệnh viện vừa phải tiễn một cháu ra đi. Ở cái khoa Bệnh máu trẻ em này, thì cũng không ít lần các y, bác sĩ phải chứng kiến cảnh đau lòng này nhưng họ vẫn không thể nào cầm được nước mắt bởi các cháu đều bé bỏng đáng thương và mỗi cháu lại một hoàn cảnh éo le, các cháu lại đều điều trị dài ngày trong bệnh viện nên gắn bó với các bác sĩ như con cháu trong nhà.  Hỏi ra mới biết cháu là Nguyễn Hải Đăng, 4 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội. Cháu bị ung thư máu, đã điều trị nhiều đợt tại Viện. Nhưng đợt này cháu vừa nhập viện hôm qua thì hôm nay đã ra đi. Cháu nằm trong danh sách chúng tôi đến tặng quà nhưng chưa kịp đến thì cháu đã ra đi. Đau lòng quá! 

Trong danh sách các cháu mà chúng tôi tặng quà lần này có cháu Nguyễn Hoài Anh, 10 tuổi ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Cháu nhỏ yếu ớt với vài sợi tóc trên đầu, ngồi không vững vì vừa trải qua đợt truyền hóa chất, và sốt triền miên 12 ngày không dứt. Nhìn cánh tay gầy gò bầm tím những mũi kim của cháu thì mới hiểu cháu phải chịu đau đớn thế nào. Bác sĩ cho biết cháu bị bệnh rất nặng, lại không đáp ứng với việc truyền hóa chất. Phổi đã bị xâm lấn khiến nhiều ngày nay cháu phải ngủ ngồi do cứ nằm xuống là không thở được. Dì của cháu nước mắt giàn giụa tâm sự: Cả nhà cháu suy sụp lắm rồi. Mẹ cháu có 2 đứa con thì đứa đầu bị bại não, nằm một chỗ. Vì vậy chỉ hy vọng vào Hoài Anh. Nào ngờ giờ con bé  lại bị bệnh hiểm nghèo như thế. Bố cháu hàng ngày phải đi làm thuê kéo đường dây điện, mẹ cũng đi làm thuê và trông đứa con bị bại não nên hoàn cảnh gia đình Hoài Anh vô cùng khó khăn. Giờ đứa con duy nhất lành lặn lại bị bệnh nên bố mẹ cháu vô cùng tuyệt vọng. 

Tại khoa Bệnh máu trẻ em, hầu hết các trường hợp phải nằm điều trị đều mắc các bệnh về máu như ung thư máu, thiếu máu, thiếu tiểu cầu… và đều phải điều trị dài ngày, tốn kém. Điều đáng nói là bố mẹ các cháu hầu hết đều làm ruộng nên hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Như trường hợp cháu Nguyễn Thị Mơ, SN 1998, ở xã Ngọc Thạnh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên bị bệnh suy tụy từ bé. Thấy cháu ngồi một mình, người đỡ dây chuyền cho cháu lại là bố một cháu khác. Vừa hỏi đến thì cháu đã tủi thân khóc nức nở. Cháu bảo cháu phải điều trị từ bé, nên bố mẹ phải về đi làm, bố cháu chỉ đưa cháu lên đây thôi, cháu một mình tại viện tự ăn, ngủ, tự chăm sóc để  bố mẹ còn kiếm tiền chi phí cho cháu. 

Chúng tôi rời Viện Huyết học và Truyền máu khi ngoài đường đã lên đèn  mà lòng nặng trĩu. Giá như chúng tôi có thể giúp đỡ cho tất cả những hoàn cảnh khó khăn tại đây, giá như chúng tôi có thể giúp đỡ được nhiều hơn nữa cho gia đình các em đỡ khó khăn, chật vật, giá như có một phép màu nào đó để các em khỏi bệnh, khỏe mạnh và lại được đến trường như những bạn bè khác. Ngày Tết là ngày mà các em mong đợi nhất trong năm thì giờ lại đang phải nằm viện, chống chọi với những cơn đau, những cơn khó thở hành hạ, gắn với dây truyền, kim tiêm. Cầu mong một mùa Xuân mới về sẽ đem đến cho các em sự an lành và may mắn.

Hướng về bà con biển đảo, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc đã thông qua Công an tỉnh Quảng Ngãi và Báo An ninh Thủ đô gửi tặng bà con huyện đảo Lý Sơn - quê hương Đội hùng binh Hoàng Sa số tiền 30.000.000 đồng. Lý Sơn là huyện đảo còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ phải thường xuyên đối mặt với thiên tai, mà cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt của bà con huyện đảo vẫn còn nhiếu khó khăn thiếu thốn. Món quà từ đất liền của Công ty Tân Việt Bắc sẽ giúp bà con nghèo huyện đảo có một cái Tết ý nghĩa và ấm áp hơn.