Đón tết ở Trường Sa

ANTĐ - Tết là ngày đoàn tụ gia đình, nhưng vào những thời khắc quan trọng của một năm, những người nghệ sỹ lại tạm gác niềm hạnh phúc cá nhân để đến với nơi quanh năm sóng vỗ. Ở đó, trời và đất dường như liền một dải và những người lính đảo vẫn chắc tay súng, canh giữ vùng biển của Tổ quốc…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Giao thừa… ngồi đuổi chuột

Tôi qua Trường Sa vào những năm 70 và 80 của… Thế kỷ trước. Khi ấy  Trường Sa còn hoang dại lắm. Mọi sự vất vả của những năm tháng ấy, tôi cũng đã nói được một phần trong cuốn Đảo chìm. Ở đất liền, Tết thường về cùng cái lạnh heo heo và những giọt mưa xuân bay huyền ảo như sương khói. Nhưng ở Trường Sa thì khác hẳn. Thời gian với người lính dường như rất khó xác định. Chỉ biết mặt trời lên là bắt đầu một ngày và mặt trời lặn là ngày đã hết. Tiểu đội nào cũng có lịch, nhưng vẫn không thể biết được đích xác ngày tháng. Vì nếu quên không xé lịch thì không còn xác định được nữa. Các cụ vẫn nói “Tối như đêm 30” thế nhưng khoảnh khắc đón giao thừa trên đảo, biển vẫn chẳng hề tối, lại thêm cái nóng của mùa khô. Nên cảm giác Tết cứ xa lắc như ở đâu đấy. 9h tối mặt trời đã lặn, nhưng mây vẫn bắt sáng, đi rừng rực như đám cháy. Vì thế, ở vào thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, người lính nào cũng thấy nhớ và thèm một cơn gió se lạnh, một chút bâng khuâng và làn hương trầm phảng phất đâu đó trong không gian. Có đêm giao thừa, lính còn ngồi canh chuột. Mà chuột rất lạ. Chúng không thèm thịt, cá, mà lại thèm… rau. Nói chuột thèm rau, chắc không ai tin.                       

       

 Nhưng đúng vậy. Hồi đó, vườn rau là cái bông tông, treo bằng xích sắt bôi mỡ để chống chuột, nhưng chuột vẫn “đột kích” được. Thế là những người lính bất đắc dĩ phải chia nhau ra canh chuột vào đúng giờ phút quan trọng của một năm. Tiếng kẻng rầm rầm như có báo động, nhưng đấy là tín hiệu đuổi chuột. Rồi để phá vỡ đi sự cô quạnh ở nơi muôn trùng sóng vỗ, đêm giao thừa, tiểu đội này đến thăm tiểu đội kia, râm ran những lời chúc tốt đẹp. Bây giờ Trường Sa đã khác. Câu chuyện của tôi đã thành cổ tích rồi.

NSƯT Phan Muôn: Xử lý tác phẩm tốt hơn nhờ ra… Trường Sa

Tôi đã từng ra Trường Sa vào dịp ra tết, và đấy cũng là lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là bão biển. Thế nhưng, khi đặt chân tới đảo, tôi lại thấy niềm phấn khởi, rộn rã toát lên từ những anh lính trẻ. Có chiến sỹ bơi ra tận thuyền chúng tôi cập bến để đón đoàn, có chiến sỹ nhìn thấy tôi liền reo lên “A, chào anh Phan Muôn”. Mỗi buổi biểu diễn trên đảo phục vụ các chiến sỹ, tình cảm rất nồng cháy và thấm đượm tình quân dân. Những món quà rất “đảo” như các con ốc được mài bóng lộn, những cành san hô các chiến sỹ tặng đến giờ tôi vẫn giữ ở nơi rất trang trọng tại phòng khách gia đình. Đặc biệt, có được tận mắt chứng kiến và chiêm nghiệm cuộc sống trên đảo, tôi mới thấu hiểu từng ca từ trong các ca khúc về người lính biển. Vì thế, khi biểu diễn tôi thấy mình hát cháy bỏng hơn và chuyển tải được hết tình cảm của tác giả bài hát đến những người lính. Chuyến đi ấy của chúng tôi ngoài việc biểu diễn phục vụ các chiến sỹ còn có nhiệm vụ mang những lá thư từ quê nhà tới các đảo. Ai cũng háo hức nhận thư nhà nhưng cũng có những chiến sỹ không nhận được thư thì buồn lắm. Họ đứng ra biển và mắt nhìn xa xăm. Tôi cũng từng là một người lính nên rất hiểu cảm xúc của họ. Tôi chợt nghĩ, không có gì hay hơn lúc này là hát tặng các chiến sỹ ca khúc “Thư về cho nhau”, mong rằng chuyến tàu sau, các chiến sỹ sẽ nhận được thư và chúc những người lính luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền: Một mùa xuân đang về

Chỉ cần một lần đến với UBND huyện đảo Hoàng Sa và chứng kiến tình người và lòng yêu nước nồng nàn của những người con đất Việt đã đủ cảm hứng để tôi viết nên tác phẩm “Vòng tay bất tử”. Tuy ngồi trong căn phòng khang trang của UBND huyện đảo Hoàng Sa đặt tại TP Đà Nẵng nhưng tôi lại ngỡ mình đang đứng ở giữa muôn trùng sóng nước cùng những người lính biển không quản ngại khó khăn. Bởi một phần của lịch sử, về những người lính năm xưa và ngày nay đã được tái hiện qua nhiều tư liệu lịch sử, những lá thư được gửi về cho UBND huyện đảo Hoàng Sa. Từ muôn nẻo đường của Tổ quốc và vượt qua biên giới Việt Nam, những tư liệu quý giá này đã góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc tại Hoàng Sa. Chứng kiến cảnh tượng này, tôi thấy lòng mình thật ấm áp và trào lên niềm tự hào về tinh thần quật cường của ông cha và về chính những con người yêu nước thương nòi. Cũng thật tình cờ khi thời điểm tôi đến với UBND huyện đảo Hoàng Sa lại trùng vào dịp giáp tết. Trời vẫn trong và xanh ngắt một màu nhưng tôi cảm nhận được không khí ấm áp và háo hức của một mùa xuân đang về. Và những người lính ở ngoài biển đảo xa xôi kia ơi! Hãy cứ vững vàng tay súng bởi sự hy sinh của các anh đều được lịch sử ghi nhận. Còn tôi, một nhà viết kịch thấy mình thật có lỗi nếu không cầm bút viết về những con người đang ngày đêm giữ vùng biên cõi của Tổ quốc.

Nữ phóng viên Phương Hoa, TTXVN - Người đoạt giải B-Giải Ảnh báo chí quốc gia năm 2011: Đảo mà như công viên

Lần đầu tới đảo, tôi thấy háo hức lắm, cho dù còn mệt mỏi vì say sóng nhưng tôi đã hoàn toàn bất ngờ khi nhìn thấy một đàn bò đang gặm cỏ trên đảo Song Tử Tây rồi tiếp theo là cây cối xanh tốt, nhà cửa khang trang sạch sẽ, có cả trường học cho các em nhỏ. Tôi không nghĩ mình đang ở Trường Sa mà tưởng như đang đứng tại một góc của công viên. Khi đặt chân tới đảo, tôi còn chưa hình dung ra mạch của bộ ảnh sẽ thực hiện tại Trường Sa nhưng những cảnh tượng hiện ra trước mắt đã nhanh chóng đưa tôi đến với một chủ đề: Sức sống Trường Sa xuyên suốt từ đảo nổi đến đảo chìm. Mỗi tác phẩm trong bộ ảnh là một câu chuyện khác nhau. Cho dù, còn gần 1 tuần nữa mới đến tết nhưng với lòng hiếu khách, các anh lính trên đảo đã tổ chức đón đoàn bằng một cái tết sớm. Tôi đã được sống trong không khí của những ngày tết quê nhà ngay tại vùng biển trời của Tổ quốc. Các anh lính trẻ khéo tay đã làm không khí thêm ấm cúng với những bông hoa đào, hoa mai giả. Và đây cũng là lần đầu tiên, tôi được nếm bánh chưng gói bằng lá bàng vuông, thứ bánh mà tôi chỉ được đọc trên sách báo. Cái vị ngăm ngăm đắng của lá bàng làm tôi nhớ mãi. Hành trình 22 ngày đêm lênh đênh trên biển và tới các đảo trên quần đảo Trường Sa đã giúp tôi hiểu ra một điều: đó là khoảng cách địa lý xa xôi nhưng tình người nơi hải đảo vẫn luôn chân tình và ấm áp. Bởi ở nơi đó, những người lính biển luôn nhận được sự quan tâm từ đất liền và đất liền cũng cảm thấy thật ấm lòng khi biết các anh sẽ có những cái tết thật đầy đủ.