Đổi thay diện mạo

ANTĐ -Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số một thế giới, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới song cuộc khủng hoảng nợ công "vô tiền khoáng hậu" đang làm thay đổi khá nhanh chóng tương quan và diện mạo kinh tế thế giới.

Người dân khu vực Eurozone lao đao vì cuộc khủng hoảng nợ công

Đường đường là một trung tâm kinh tế lớn và phát triển bậc nhất trên thế giới, vậy mà châu Âu vẫn phải "ngửa tay" kêu gọi các nước thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) cũng như các đối tác lớn khác trên thế giới tham gia giải cứu khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Eurozone, buộc phải đưa ra lời kêu gọi này sau khi không thể huy động được 200 tỷ euro để cứu châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công.

Việc châu Âu phải "hạ mình" cầu cứu cả những quốc gia mới nổi mà cách đây không lâu còn nhận viện trợ của họ là sự phản ánh sinh động về một sự đổi thay khá nhanh trong nền kinh tế thế giới. Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cảnh báo, nếu không cung cấp nguồn "hỏa lực đủ mạnh và đáng tin cậy" thì  Eurozone, sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng, tăng trưởng kinh tế năm 2012 có thể sẽ giảm từ mức dự báo 2,0% xuống chỉ còn 0,2% .

Cuộc khủng hoảng nợ công cũng "tàn phá" không kém đối với Mỹ khi nền kinh tế số một thế giới này chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 2% năm 2012, thấp hơn khá nhiều so với 3,1% dự báo trước đó. Hiện nợ công của Mỹ đã vượt ngưỡng 15 nghìn tỷ USD (15.033 tỷ USD), tương đương 99% quy mô nền kinh tế nước này tính theo năm 2011.

Nguyên nhân gây ra khủng hoảng nợ công ở châu Âu hay Mỹ có khác nhau song cuộc khủng hoảng này đều bắt nguồn từ căn nguyên "chi nhiều hơn thu" có từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Sự “vung tay quá trán” không tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đẩy cả "tân lục địa" - Mỹ và "cựu lục địa" - châu Âu vào tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công cao ngất ngưởng.

Cuộc khủng hoảng nợ công đang tác động sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu, kể cả những nền kinh tế mới nổi và tăng trưởng nhanh thời gian dài vừa qua. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo, nền kinh tế thế giới hiện đang trong giai đoạn vô cùng "căng thẳng", tạo ra những nguy cơ đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới, đe dọa quá trình phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Nhà kinh tế học Sun Tao thuộc IMF cho rằng, các thị trường mới nổi cần lưu ý tới hai nguy cơ, gồm: những hậu quả do cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng mang lại trong thời gian ngắn hạn, như xuất khẩu sụt giảm, dòng vốn đảo chiều và nhiều vấn đề khác; và sự tái diễn của vòng xoáy nợ nần, giống như những gì đã xảy ra tại Mỹ và châu Âu.

Cho dù chịu ảnh hưởng ít nhiều song các nền kinh tế mới nổi, nhất là 5 nước thuộc nhóm BRICS (Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi), vẫn được xem là một cứu cánh với kinh tế toàn cầu. Nhóm BRICS đã đề nghị cho IMF vay tiền giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang ngày một trầm trọng tại châu Âu và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính có thể nổ ra như hồi năm 2008, trong đó Nga tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ 20 tỷ USD.