Đời sống khó khăn, cần sự chung tay của cộng đồng

ANTĐ - ĐBQH Chu Sơn Hà cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, chưa nên nâng mức giảm trừ gia cảnh.
 

(Ảnh minh họa)

Trong phiên thảo luận sáng nay (15-11) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đa số các ĐBQH thống nhất với mức nâng từ 4 lên 9 triệu đồng cho người nộp và mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc và người nộp là từ 1,6 lên 3,6 triệu đồng. Tuy nhiên cũng có ý kiến ĐBQH cho rằng chưa nên nâng mức giảm trừ gia cảnh trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Chu Sơn Hà (Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

-Có nên nâng mức giảm trừ gia cảnh khi sửa đổi Luật thuế TNCN lần này không, thưa ông?

Theo tôi là chưa nên vì Nhà nước đang khó khăn. Tại sao không chung tay, mỗi người góp một chút để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới? Chính phủ cũng đã phải đề xuất chưa tăng lương theo lộ trình vì không có tiền. Mỗi người đóng góp một chút, không phải là lớn, không ảnh hưởng gì lớn tới cuộc sống của các đối tượng đã nằm trong diện chịu thuế.

- Có ý kiến cho rằng nếu tăng mức giảm trừ gia cảnh thì người dân sẽ có điều kiện tiêu dùng nhiều hơn. Khi tiêu dùng được kích thích thì kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn?

Nếu như thế thì tại sao lại tăng lương? Lương tối thiểu đang từ 1.050.000 đồng, giờ tăng lên 1.150.000 đồng. Nhà nước rất quan tâm đến đối tượng này cơ mà?

- Tăng lương cũng là một cách kích thích tiêu dùng?

Tăng với mức đó cũng không thể nói rằng sẽ tăng kích thích tiêu dùng. Mức tăng ấy chỉ hỗ trợ tối thiểu cho đời sống sinh hoạt hằng ngày. Nó không đáng kể, chẳng qua là một hình thức động viên, không phải là tăng thực tế để kéo đời sống của người ta lên một cách rõ nét.

- Thực tế, với mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay thì rất khó để nuôi được người phụ thuộc, đặc biệt là ở đô thị lớn như Hà Nội, ông có nghĩ như vậy?

Bây giờ có nâng mức giảm trừ gia cảnh lên thì cũng không thể khắc phục được một cách tuyệt đối, mà nó chỉ mang tính hình thức. Người ta vẫn phải bươn chải và vẫn phải sống. Có 10 đồng thì người ta sẽ cố gắng tiêu trong phạm vi 10 đồng. Nếu nâng lên 11 đồng thì người ta cũng tiêu trong phạm vi 11 đồng. Từ 10 đồng đến 11 đồng không có ý nghĩa lớn. Cho nên cần nhìn nhận rằng mỗi người đóng góp một chút để giải quyết được việc chung. Theo Báo cáo của Chính phủ, nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh thì trong 6 tháng cuối năm 2013 và cả năm 2014 sẽ giảm thu ngân sách gần 20.000 tỷ đồng. Gần 20.000 tỷ đồng đó có thể dành cho xóa đói, giảm nghèo, cho các đối tượng chính sách, người tàn tật, không may trong cuộc sống thì hợp lý hơn.

- Xin cảm ơn ông!