Đổi mới phương pháp quản lý trong công tác Hậu cần

ANTĐ - Ghi nhận kết quả, hiệu quả, chuyển biến tích trong công tác chuyên môn của lực lượng Hậu cần - kỹ thuật Công an Thủ đô năm 2013, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, “mảng việc” này sẽ thay đổi toàn diện hơn nếu thủ trưởng các đơn vị chủ động tìm tòi, đổi mới phương thức, cách thức quản lý khoa học, đặc biệt nắm vững kiến thức chuyên môn.

Sáng qua (29-12), dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, CATP Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến tại 19 điểm cầu, tổng kết tình hình, kết quả công tác Hậu cần - kỹ thuật năm 2013, triển khai chương trình công tác năm 2014. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Phó Giám đốc: Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Đại tá Đoàn Ngọc Hùng; trưởng công an các quận, huyện, thị xã, chỉ huy các phòng, đội nghiệp vụ; trưởng, phó công an các phường, đồn, trạm, thị trấn... phụ trách công tác Hậu cần - kỹ thuật.  
Với tinh thần báo cáo, trao đổi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác công tác Hậu cần - kỹ thuật năm 2014, đồng chí Giám đốc CATP yêu cầu CBCS tham gia hội nghị thẳng thắn đóng góp ý kiến, thảo luận xung quanh 3 vấn đề: đầu tư trang thiết bị, phương tiện; nhu cầu trang cấp thường xuyên, hàng ngày cho CBCS; và công tác xây dựng trụ sở làm việc. “Ban giám đốc CATP sẽ lắng nghe mọi ý kiến, tìm - bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn để công tác Hậu cần - kỹ thuật ngày một tốt hơn” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung quán triệt trước khi hội nghị bắt đầu.
Đổi mới phương pháp quản lý trong công tác Hậu cần ảnh 1
Lực lượng CSGT Hà Nội được trang cấp thiết bị và phương tiện tiêu chuẩn khi làm nhiệm vụ

Không xây dựng manh mún, thiếu tầm nhìn

Báo cáo công tác Hậu cần - kỹ thuật năm 2013, do Đại tá Đoàn Ngọc Hùng - Phó Giám đốc CATP trình bày nêu rõ: bám sát chủ trương của Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP, sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP, công tác Hậu cần - kỹ thuật các cấp đã được kiện toàn, chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hoạt động thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ kịp thời công tác chiến đấu, đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong mọi tình huống. 
Lực lượng Hậu cần - kỹ thuật CATP đã tham mưu cho Ban Giám đốc khắc phục tình trạng phân tán, yếu kém, từng bước nâng cao điều kiện làm việc, sinh hoạt, đời sống CBCS theo hướng tăng cường cho cơ sở; chỉ đạo tập trung phân bổ kinh phí, trang bị vũ khí, khí tài, công cụ hỗ trợ, vật tư kỹ thuật cho các đơn vị - ưu tiên đơn vị trực tiếp chiến đấu, ở vùng xa, địa bàn trọng yếu, phức tạp về ANTT. Đồng chí Phó Giám đốc cho biết: Việc đầu tư các dự án đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thiện nhiều công trình trụ sở làm việc, doanh trại của CATP theo định hướng ổn định, phát triển, đáp ứng yêu cầu làm việc lâu dài.
Một vấn đề được các đại biểu dự hội nghị, cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc CATP quan tâm, là công tác đầu tư xây dựng cơ bản, cải tạo sửa chữa trụ sở làm việc. Dẫn chứng việc triển khai, xây dựng trụ sở làm việc Công an một huyện ngoại thành suốt 4 năm mới xong, nhưng khi chủ đầu tư vừa bàn giao đưa vào sử dụng, CAH đã kiến nghị Phòng Hậu cần bổ sung nhiều hạng mục còn thiếu; Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đánh giá: việc xây dựng các trụ sở, doanh trại hiện nay thiếu đồng nhất, không có thiết kế chung. Với những công trình xây mới, phòng làm việc phải thiết kế rộng rãi, đảm bảo 5-10 năm sau, khi đơn vị tăng thêm 30% quân số đảm bảo vẫn sử dụng tốt. “Việc thiết kế trụ sở phải trên cơ sở tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, lắp đặt đèn led chiếu sáng để tiết kiệm điện năng; tạo môi trường thông thoáng, thân thiện cho CBCS khi làm việc” - đồng chí Giám đốc nêu rõ. 
Để tránh “đội” vốn, chậm tiến độ, việc đầu tư, xây dựng công trình và mua sắm trang thiết bị phải triển khai đồng bộ. “Công trình xây thô xong tầng nào, cán bộ Phòng Hậu cần phải vẽ xong sơ đồ nội thất, có phương án bố trí phòng làm việc cho từng đơn vị tại tầng đó. Từ đó, Phòng Hậu cần tiến hành đo đạc bàn ghế, kê sao cho hợp lý, đồng bộ về kiểu dáng, màu sắc, tránh tình trạng trụ sở xây xong, khánh thành đưa vào sử dụng, mới đi đặt đóng, mỗi nơi một kiểu”, đồng chí Giám đốc gợi mở và nhấn mạnh: “Việc sắm bàn ghế, trang trí phòng ốc đắt tiền không nói lên đạo đức, phẩm chất người cán bộ. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị sống, làm việc càng giản dị, tiết kiệm bao nhiêu CBCS càng tin trọng, quý mến bấy nhiêu”.
32 dự án của CATP sẽ được triển khai xây dựng  trong thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, Ban Giám đốc sẽ cùng với các đơn vị nghiên cứu hồ sơ, duyệt thiết kế phải đảm bảo đầy đủ công năng, yêu cầu, tầm nhìn trong thời gian dài.

Thay đổi cách quản lý tài sản công    

Liên quan đến việc sử dụng tài sản công, Giám đốc CATP quán triệt các đơn vị phải sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích, “quý” như tài sản nhà mình. Để làm tốt hơn việc quản lý tài sản công, tại hội nghị, Giám đốc CATP chỉ đạo Phòng Hậu cần xây dựng, đưa vào sử dụng phần mềm quản lý tài sản công trước ngày 1-5-2014. Phần mềm này phải dựng được sơ đồ chủng loại phương tiện, lý lịch thiết bị, “tuổi đời”, thời gian bảo hành, sửa chữa định kỳ, trung tu hoặc đại tu. Dẫn chứng việc bảo quản, sửa chữa ô tô, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung yêu cầu: Phòng Hậu cần phải thiết kế một phần mềm quản lý tất cả số ô tô thuộc “biên chế” CATP, lên danh sách hãng xe, “tuổi đời”, phân loại nhóm nào trong giai đoạn còn bảo hành, số xe nào trong giai đoạn phải thay thế thiết bị định kỳ, để theo dõi, đôn đốc các đơn vị bảo dưỡng, tránh tình trạng để xe hỏng mới đi sửa chữa gây tốn kém, không đảm bảo đầu xe thường trực chiến đấu. 
Hàng loạt những đầu việc liên quan đến việc mua sắm, trang bị, bảo hành, sữa chữa máy móc, phương tiện làm việc; đẩy nhanh tiến độ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các trụ sở làm việc của CATP; cấp phát thuốc, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, chăm lo sức khỏe CBCS; quản lý xăng dầu; hay thay đổi phương thức triệu tập họp truyền thống bằng văn bản, sang ứng dụng công nghệ thông tin... được Giám đốc CATP trao đổi, gợi mở những cách làm, tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục hành chính, nhằm tiết giảm chi phí, giúp công tác Hậu cần - kỹ thuật đạt kết quả cao trong năm 2014. 
Biểu dương, ghi nhận những kết quả trong công tác Hậu cần - kỹ thuật năm 2013, Giám đốc CATP đặt ra hàng loạt các yêu cầu đối với CBCS làm công tác Hậu cần, cũng như thủ trưởng, chỉ huy các đơn vị trong năm công tác 2014. Tới đây, những cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đều phải am hiểu, nắm vững công tác tài chính, hậu cần; Thủ trưởng các đơn vị phải quan tâm, chăm lo đầy đủ các chế độ, chính sách, quyền lợi, khám chữa bệnh cho CBCS; Biết tranh thủ, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của các cấp để đầu tư, sửa chữa, cải tạo các trụ sở, doanh trại, mua sắm phương tiện, máy móc làm việc.
Giám đốc CATP lưu ý CBCS làm công tác hậu cần: việc trang bị phương tiện phục vụ công tác thường trực chiến đấu, công tác đảm bảo an ninh, phải ưu tiên lựa chọn máy móc công nghệ mới, xuất xứ ở các nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển, tránh đầu tư thiết bị lạc hậu gây lãng phí. “Trong công tác hậu cần, nếu cần đầu tư nhiều tỷ đồng để phục vụ chiến đấu, đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo ANTT vẫn phải đầu tư, nhưng cũng cần suy nghĩ phương án, cách làm, cách quản lý để tiết kiệm dù chỉ 1 đồng” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nêu rõ.