Đổi mới giáo dục: Nên chấp nhận "bộ" mục đích học tập của UNESCO

ANTĐ -  Để đổi mới giáo dục, chúng ta cần thực hiện rất nhiều chương trình, trong đó việc xác định chọn mô hình đổi mới cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
TS Lương Hoài Nam, nguyên Tổng Giám đốc Jetstar Pacific cho rằng, để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta, cần phải nhận thức giáo dục đào tạo như một ngành kinh tế-dịch vụ, trong đó Nhà nước đóng vai trò là nhà đầu tư - nhà tài trợ phi lợi nhuận. 
Các gia đình chi tiền cho con cái ăn học là khách hàng sử dụng dịch vụ và đòi hỏi dịch vụ đó phải có chất lượng đủ tốt. Trách nhiệm của ngành Giáo dục là thỏa mãn các yêu cầu của nhà đầu tư, nhà tài trợ và đòi hỏi của các khách hàng.

Vậy theo ông đổi mới thi cử sẽ quyết định như thế nào đến quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay?

TS Lương Hoài Nam: Việc đổi mới thi cử phải được đặt trong tổng thể cả "gói" đổi mới giáo dục. Có giảm số môn thi tốt nghiệp hay không giảm, với cách thi cử lâu nay của chúng ta, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học vẫn tiệm cận mức 100%.

Một kỳ thi toàn quốc tốn kém sức người, sức của, để loại được vài ba phần trăm học sinh không đạt, số các em thi đạt lại không dùng được kết quả thi tốt nghiệp cho việc gì nữa (việc các em sẽ học tiếp đại học, cao đẳng, trung cấp hay đi làm công nhân lại được quyết định bằng các cuộc thi khác), liệu một kỳ thi vậy có thực sự có ý nghĩa, đáng bỏ công sức, tiền của để tổ chức hay không?

Trong 2 kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học, cao đẳng như cách làm lâu nay thì theo tôi chỉ nên gộp lại thành 1 kỳ thi có quy mô toàn quốc. Cá nhân tôi thiên về phương án thay đổi căn bản tính chất và nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp toàn quốc để từ đó làm cơ sở xét tuyển đầu vào của các trường ĐH, CĐ như các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đang áp dụng.

Vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT cần phải tổ chức như thế nào?

TS Lương Hoài Nam: Nếu giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi nghĩ cần thay đổi tính chất, chất lượng của nó và biến nó thành cuộc thi chính để phân luồng học sinh cho các cơ hội học tập tiếp theo.

Kết quả thi tốt nghiệp của mỗi em sẽ quyết định em đó có nhiều hay ít cơ hội được xét duyệt vào các bậc và các trường cụ thể trong các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp.

Học sinh nào có điểm thi tốt nghiệp cao sẽ có nhiều cơ hội chọn trường (đại học, cao đẳng), học sinh có điểm thi thấp sẽ có ít cơ hội chọn trường hơn (danh sách chọn hẹp hơn). Hằng năm, mỗi trường sẽ đăng ký điểm xét tuyển đầu vào với Bộ GDĐT.

Đối chiếu điểm xét tuyển đầu vào của các trường với kết quả thi tốt nghiệp, một em học sinh có thể được quyền chọn trường trong danh sách hàng chục trường đại học và cao đẳng, nhưng một em khác lại chỉ có quyền lựa chọn trong danh sách vài ba trường cao đẳng thôi. Mỗi em sẽ quyết định đăng ký xét tuyển vào trường nào.

Điều đó có nghĩa là không cần và không còn kỳ thi đại học, cao đẳng, trung học toàn quốc như cách làm lâu nay nữa. Các trường sẽ xét duyệt học sinh đầu vào theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp quốc gia. Tùy theo lĩnh vực học hoặc theo nhu cầu riêng, một số trường có thể tổ chức thêm một đợt thi (kể cả bằng hình thức phỏng vấn) để chọn lựa tiếp trong số học sinh đủ điểm thi tốt nghiệp, đặc biệt là khi "cung" vượt quá "cầu".

Đó là cách làm của các nước áp dụng mô hình giáo dục Anh, trong đó có Singapore, một trong các điểm đến chính của học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài.

Nếu làm như thế thì không thể có chuyện giao kỳ thi này cho các địa phương tổ chức để phát sinh rủi ro về tiêu cực, hình thức chủ nghĩa, ảnh hưởng xấu đến chất lượng. Nó sẽ là kỳ thi quan trọng nhất và, về bản chất rất khác kỳ thi tốt nghiệp lâu nay.

TS Lương Hoài Nam

Cần xác định rõ mục đích học tập

Như vậy, theo ông đâu là vấn đề quan trọng nhất trong quá trình đổi mới giáo dục mà chúng ta đang thực hiện?

TS Lương Hoài Nam: Học là để thoả mãn những mục đích cụ thể của người học, còn giáo dục, đào tạo là để người học đạt được những mục đích cụ thể đó.

“Học” và “Giáo dục, đào tạo” là hai mặt thống nhất của cùng một vấn đề, biết cái này thì sẽ biết cái kia.

Vì vậy, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo lần này cần phải xuất phát từ việc xác định thật rõ các mục đích của học tập là gì.

Trong khi chúng ta chưa xác định được "bộ" mục đích học tập thuyết phục, hoàn toàn có thể chấp nhận "bộ" mục đích học tập của UNESCO. Cụ thể gồm: “Học để Biết” (“Learning to Know”); “Học để Làm” (“Learning to Do”); “Học để Chung sống” (“Learning to Live Together”); “Học để Tự lập” (“Learning to Be”).

Đây là một "bộ" mục đích học tập rất toàn diện và thuyết phục, được nghiên cứu, phát triển một cách công phu, chúng ta có thể yên tâm sử dụng.

Nếu chấp nhận "bộ" mục đích học tập (và tương ứng với nó là các mục đích giáo dục, đào tạo) như trên, cần làm cho nó được thấm nhuần, nhất quán và xuyên suốt toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo trong lần đổi mới này.

Bốn nền tảng mục tiêu học tập của UNESCO rõ ràng, thực dụng hơn tư tưởng “Tiên học Lễ, Hậu học Văn” mà chúng ta dùng lâu nay. Trong thế giới hiện đại với mọi thứ thay đổi rất nhanh, học bao gồm tự học và là việc cả đời người, cả về Lễ và Văn.

Vậy chúng ta cần đổi mới giáo dục từ mô hình cũ hay xây dựng lại và thực hiện theo một mô hình hoàn toàn mới?

TS Lương Hoài Nam: Đây chính là vấn đề cốt lõi. Bộ GDĐT cần phải định vị và xác định được đâu là mô hình mới mà chúng ta sẽ xây dựng, đổi mới trong nhiệm vụ trọng đại này.

Trên thực tế, giáo dục Việt Nam (và của nhiều nước khác) chịu ảnh hưởng rất lớn của các nền giáo dục khác do các yếu tố lịch sử, không có tính độc lập tuyệt đối.

Không khó khăn gì để nhìn ra các yếu tố, thuộc tính giáo dục phong kiến Trung Quốc, giáo dục tư bản Pháp, giáo dục chủ nghĩa xã hội Liên Xô (cũ) hiện hữu trong nền giáo dục Việt Nam. Ở bậc đại học và sau đại học, các yếu tố của giáo dục Anh, Mỹ cũng đã bắt đầu hiện diện ở mức độ nhất định. 

Nếu chỉ tính 100 năm gần nhất, chương trình giáo dục Việt Nam đã được thay đổi khá nhiều lần theo hướng pha trộn của các nền giáo dục rất khác nhau. Điều đó làm cho nó trở nên đặc biệt và khác biệt với các nền giáo dục khác.

Tuy nhiên, sự đặc biệt và khác biệt của giáo dục Việt Nam đã không tạo được những ưu thế nổi trội so với các nước khác (nếu không thì chúng ta đã không phải đổi mới).

Trong vấn đề mô hình giáo dục, nếu đi theo hướng "tiếp thu sáng tạo", e rằng ngay cả lần này, chúng ta vẫn sẽ chưa có được một “sản phẩm” thực sự tốt.

Nền giáo dục như một thực thể sống, chứa đựng trong nó hằng hà sa số các mối liên kết logic và cấu trúc nhân-quả ("cái này thế này bởi vì cái kia thế kia"). Nếu lựa chọn cách chắp vá, chúng ta khó có thể đảm bảo được các liên kết logic, các cấu trúc nhân-quả cần thiết để nó hoạt động trơn tru như một hệ thống?

Liệu chúng ta có nên mạnh dạn lựa chọn một mô hình giáo dục hoàn chỉnh để ứng dụng, giống như Singapore đã chọn mô hình giáo dục Anh?

TS Lương Hoài Nam: “Mô hình giáo dục” ở đây là về kết cấu các bậc học; kết cấu chương trình khung, các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn; sách giáo khoa, sách tham khảo; cách thi cử, đánh giá, cách phân luồng học sinh…

Giáo dục Anh (hoặc giáo dục Mỹ như một mô hình điều chỉnh của giáo dục Anh) là mô hình giáo dục được đánh giá là tốt nhất thế giới. Nó là mô hình được đa số trong số 60.000 học sinh Việt Nam đang du học ở nước ngoài chọn để theo học và tiếp thu tốt.

Lựa chọn mô hình giáo dục Anh hoàn toàn không có nghĩa là thay ngôn ngữ giáo dục, đào tạo từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ giáo dục, đào tạo và tiếng Anh là một trong các ngoại ngữ.

Nếu ưu tiên đầu tư phát triển con người để đất nước có tương lai thịnh vượng, có lẽ chúng ta cần có đủ quyết tâm để theo đuổi một mô hình giáo dục như vậy. Nếu lấy ý kiến người dân, tôi tin rằng đại đa số người Việt Nam mong muốn con em được học theo mô hình giáo dục Anh ngay tại Việt Nam. Họ tin tưởng mô hình giáo dục này.

Chúng ta cần có một lộ trình đủ dài, cần đầu tư phát triển nguồn lực và cơ sở vật chất giáo dục, nhưng trước hết, cần có một quyết định lựa chọn mô hình giáo dục một cách sáng suốt và có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.