Đối mặt với những “cú sốc”

ANTĐ - Cho dù đang là động lực để dẫn dắt kinh tế toàn cầu thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhưng nền kinh tế các nước châu Á-Thái Bình Dương vẫn rất dễ bị tổn thương bởi những “cú sốc” có thể đến từ châu Âu hoặc bên kia bờ Thái Bình Dương.

Kinh tế châu Á vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu

Lên tiếng ngày 1-5, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Anoop Singh cho rằng, các nền kinh tế đang tăng trưởng khá nhanh và ổn định tại châu Á hiện vẫn phụ thuộc nặng nề vào các nền kinh tế phát triển bên ngoài châu lục. Các nền kinh tế này, theo ông Singh, là Mỹ vốn đang phục hồi mong manh sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 70 năm qua và châu Âu hiện còn chìm đắm trong cuộc khủng hoảng nợ công.

Đánh giá trên thoạt nhìn có vẻ như là nghịch lý bởi châu Á-Thái Bình Dương, với tốc độ tăng trưởng khá cao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu thời gian qua, đang được xem là động lực để “kéo” nền thế giới thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng. Song nếu phân tích kỹ thì thấy đó là nhận định hoàn toàn có cơ sở mà các nền kinh tế châu Á không thể xem thường.

Cho dù đã trở thành một trong những trụ cột của kinh tế thế giới nhưng nhiều nền kinh tế tại châu Á vẫn phải phụ thuộc vào nguồn vốn và nhất là đầu ra hàng hoá xuất khẩu ở Mỹ và châu Âu. Vì thế, ông Singh nhấn mạnh, thật là sai lầm khi cho rằng các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã có thể đứng vững tách rời các nền kinh tế phát triển là Mỹ và châu Âu. 

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng hiện có 2 kịch bản khả thi nhất có thể xảy ra đối với các nền kinh tế châu Á trong thời gian tới và cả 2 kịch bản này đều gắn chặt với diễn biến tại châu Âu và Mỹ. Theo đó, kịch bản thứ nhất là triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ trở nên sáng sủa sau khi châu Âu giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ công trong khi kịch bản thứ hai là sự phục hồi mạnh của nền kinh tế Mỹ. 

Trong khi đó, người đứng đầu IMF tại châu Á-Thái Bình Dương cũng cảnh báo rằng, các nền kinh tế khu vực cũng cần phải sẵn sàng đối phó với rối loạn tài chính ở khu vực đồng euro leo thang và lan rộng ra toàn cầu. Khi đó, nhu cầu của các nền kinh tế phát triển về hàng hóa của châu Á cũng như nguồn tín dụng đổ vào châu Á sẽ giảm mạnh và đây sẽ là đòn nghiêm trọng giáng vào các nền kinh tế châu Á. 

Bên cạnh đó, ông Singh khuyến nghị, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cần phòng ngừa trước nguy cơ giá năng lượng tăng cao do các cuộc khủng hoảng địa chính trị ở các nguồn cung ngoài châu Á. Trường hợp này xảy ra cũng sẽ đặt các nền kinh tế châu lục trước quan hệ khó khăn giữa sức ép lạm phát và hiểm họa ngân sách do phải trợ cấp giá năng lượng và có thể cả giá lương thực tăng cao.

Từ những phân tích và nhận định trên, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF cho rằng, châu Á phải xây dựng chính sách dựa trên các xu hướng của các diễn biến toàn cầu. Đồng thời, khu vực này cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình phát triển, chuyển động lực tăng trưởng từ xuất khẩu sang kích thích nhu cầu trong nước và đảm bảo tăng trưởng mang tính phổ quát hơn để thúc đẩy sự tăng trưởng công bằng hơn. Tái cân bằng, theo ông Singh, sẽ giúp các nền kinh tế châu Á ít bị tổn thương hơn trước các “cơn sốc” kinh tế chính trị từ bên ngoài.