Phí đường bộ dự kiến tăng đồng loạt:

Doanh nghiệp vận tải ngồi trên “đống lửa”

ANTĐ - Trong bối cảnh khó khăn, kinh doanh thất bát, dự thảo Thông tư về thu phí đường bộ của Bộ Tài chính đang khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải như ngồi trên “đống lửa”. 

Doanh nghiệp vận  tải đang lo sốt vó vì phí đường bộ tăng

Dồn dập tăng trên các trạm thu phí

Theo dự thảo Thông tư về thu phí đường bộ cho các dự án không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, khung phí mới đối với ôtô dao động từ 10.000 - 200.000 đồng một vé cho mỗi lượt, tùy vào trọng tải xe. Cụ thể, đối với ôtô dưới 10 chỗ thì mức thu tối thiểu là 10.000 và tối đa là 35.000 đồng một lượt. Năm 2013 vẫn áp dụng mức thu tối đa không quá 2 lần mức thu tối thiểu khung; năm 2014 mức thu tăng lên 2,5 lần mức khung (riêng nhóm xe container không quá 2 lần); năm 2015 tăng lên 3 lần (nhóm container không quá 180.000 đồng/vé lượt) và từ năm 2016 trở đi áp dụng mức thu kịch trần (3,5 lần).

Bộ GTVT cho hay, trên hệ thống quốc lộ hiện còn 37 trạm thu phí, trong đó 33 trạm thu phí BOT và 4 trạm thu phí đã nhượng quyền cho các DN để lấy tiền đầu tư, sửa chữa đường bộ (trạm Phù Đổng, trạm Hoàng Mai, trạm Bàn Thạch trên QL1 và trạm Bãi Cháy trên QL18). Hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính nỗ lực để hoàn thành việc đàm phán mua lại của các nhà đầu tư trong năm 2013.

Thêm vào đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép cải tạo, nâng cấp QL1 và QL14 bằng hình thức BOT. Để hoàn vốn cho các nhà đầu tư, Chính phủ cũng cho phép mức thu bằng 3,5 lần so với hiện tại (sau khi hoàn thành vào năm 2016). Bộ GTVT tính toán, riêng QL1 sau khi hoàn thiện sẽ có khoảng 21 trạm thu phí BOT. Cùng với mức tăng theo dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính, đồng loạt các trạm BOT trên cả nước có thể tăng mức phí kịch trần 35.000 đồng/lượt/xe tiêu chuẩn vào năm 2016. Chưa kể QL14 với chiều dài 580km cũng được cải tạo, nâng cấp theo hình thức BOT, hoàn thiện vào năm 2016. Như vậy, ước tính, số lượng trạm BOT vào năm 2016 sẽ xấp xỉ 60 trạm.

Khó khăn dồn lên vai người dân

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chỉ tính riêng 21 trạm thu phí trên QL1 mở rộng, với mức thu từ 30.000-35.000 đồng/xe tiêu chuẩn thì gánh nặng phí đối với DN vận tải tuyến Bắc - Nam đã rất lớn. Chưa kể, như dự thảo Thông tư này, mức thu chung áp dụng cho tất cả các trạm BOT sẽ tăng lên đồng loạt. Vì vậy, nên xem xét giãn các thời điểm tăng phí đường bộ, vì mức phí tăng lên dần theo các năm như lộ trình Thông tư đưa ra là quá gần và dồn dập. “Xét cho cùng thì DN chịu phí, nhưng phí đó sẽ tính vào giá cước và giá thành hàng hóa, nên người dân phải chịu. Giãn lộ trình tăng phí cũng là một cách hỗ trợ tích cực cho DN, người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay”.

Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính đã khiến các DN vận tải như ngồi trên đống lửa. Trong bối cảnh khó khăn nhiều năm nay, vận tải kinh doanh sa sút nhưng vẫn phải cõng nhiều loại phí. Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm HTX Vận tải Bắc Nam cho hay, nếu các mức phí qua trạm BOT đồng loạt tăng với mức đưa ra của Bộ Tài chính thì DN vận tải sẽ rất khó khăn. Theo ông Việt Anh, HTX Vận tải Bắc Nam chạy hàng container Bắc Nam, mỗi tháng, ngoài tiền phí bảo trì đóng trên đầu phương tiện, thì mỗi xe phải mất thêm khoảng 5 triệu đồng tiền phí qua các trạm. Theo Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, hiện nay, ngoài khoản phí bảo trì rất lớn phải nộp, mỗi năm các DN phải nộp phí tới gần 200 tỷ đồng khi qua 2 trạm 1 và 2 trên QL5, chưa kể các trạm khác.

Việc tăng phí qua các trạm giúp DN thu hồi vốn, tăng cường tính xã hội hóa trong hạ tầng là cần thiết. Tuy nhiên, nếu Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính được thông qua thì việc tăng phí đồng loạt trên các trạm BOT là khó lòng tránh khỏi. Chưa kể, các DN sẽ áp dụng mức tăng kịch trần cho phép để giảm thời gian thu hồi vốn.