Doanh nghiệp “dễ thở” hơn

ANTĐ - Các đại biểu Quốc hội vừa thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho các doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quyền làm ăn, quyền kinh doanh là quyền quan trọng của công dân. Cần làm rõ về quy định kinh doanh có điều kiện, không tùy tiện hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, Luật sửa đổi lần này khá hoàn thiện, khắc phục cơ bản những rào cản, rút gọn thủ tục đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện cho mọi công dân tự do kinh doanh.      

Hiến pháp đã nêu rõ quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Luật Doanh nghiệp có thêm khái niệm “ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Vậy danh mục ngành nghề cấm và có điều kiện có được luật hóa không? Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư giải trình, luật sửa đổi sẽ tăng mạnh quy định về tính công khai, minh bạch, có chế tài xử lý nghiêm hành vi gian lận.

Để kiểm soát các hành vi này phải dựa vào các  hiệp hội, đối tác kinh doanh. Hiện danh mục các ngành nghề bị cấm đã có trong những văn bản pháp luật khác nhau, nếu Quốc hội cho chủ trương thì cơ quan soạn thảo sẽ đưa vào phụ lục ban hành kèm theo luật. Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, so sánh với các nước trong khu vực và thế giới cho thấy, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí.

Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2013, khởi sự kinh doanh ở Việt Nam cần phải có hơn 20 thủ tục với thời gian gần 40 ngày, xếp hạng 109/189 quốc gia. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bộc lộ nhiều bất hợp lý với các quy định chưa rõ ràng, chồng chéo và không đáp ứng kịp sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, Luật sửa đổi tập trung giải quyết 6 vấn đề chính. Việc tăng cường hậu kiểm, kiểm soát chặt chẽ những quy định trong luật, không chỉ giúp kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp, mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước phân tích, đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp đã đăng ký, kịp thời hỗ trợ và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Sửa đổi Luật Doanh nghiệp được giới doanh nghiệp đặc biệt quan tâm với những quy định chặt chẽ kiểm soát tình trạng lộn xộn, phức tạp trong môi trường kinh doanh. Luật vừa giải phóng sức kinh doanh, vừa có đủ chế tài phòng ngừa, ngăn chặn những hiện tượng sai trái. Điều kiện kinh doanh sẽ thông thoáng, doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn, song nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhấn mạnh rất cần tăng cường khâu hậu kiểm, tránh tình trạng giấy phép “con, cháu” vô hiệu hóa luật.